Cuộc giải cứu nghẹt thở và nỗi lo rợn người khi cướp biển "bỏ rơi"

02/08/2012 11:51
Xuân Hoà
(GDVN) - Sau gần 500 ngày bị giam cầm, hành hạ như cầm thú cuối cùng niềm vui được giải cứu cũng đến với các thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No1.
Nỗi lo khi bị bọn cướp biển bỏ rơi

Sau nhiều ngày bị bọn cướp biển Somalia giam cầm, tra tấn cuối cùng niềm vui cũng đến với các thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No1. Vào một ngày trung tuần tháng 6/2012, tên chỉ huy đến khu giam giữ các con tin trên rừng. Khác với những lần trước, bộ dạng của tên cầm đầu có vẻ vui cười chứ không đằng đằng sát khí. Sau đó, hắn cho tất cả các thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No1 biết họ sắp được trả tự do vì chủ tàu đã chuẩn bị trả tiền chuộc.

Một cuộc giải cứu con tin thành công từ tay cướp biển Somalia gần bờ biển Somailia (ảnh: Intenet)
Một cuộc giải cứu con tin thành công từ tay cướp biển Somalia gần bờ biển Somailia (ảnh: Intenet)

“Lúc đó, vừa mừng vừa không tin lắm các anh ạ! Vì nhiều lần trước, bọn nó cũng nói y như vậy nhưng rồi tận mấy tháng sau vẫn không được thả. Rồi chúng lại tiếp tục đánh đập, hành hạ bắt gọi về đòi tiền chuộc. Nhưng nghe tin vậy thì ai cũng nuôi hy vọng đó là sự thật”, thuyền viên Trần Văn Hùng cho biết.

Bẵng đi gần một tháng trời nữa, ngày được thả tự do vẫn chưa thấy. Bọn cướp biển cũng không nhắc gì đến chuyện được thả nữa. Lúc này, mọi người tưởng chừng lại như các lần khác bọn chúng chỉ nói chơi và hi vọng được thả lại xa vời. Tuy nhiên, đúng lúc mọi người thất vọng nhất thì niềm vui thực sự đã đến.

Chiều ngày 16/7/2012, tên “đầu sỏ” cùng với một tên phiên dịch đến nơi giam cầm các thuyền viên trên tàu  FV Shiuh Fu No1. Qua phiên dịch, tên thuyền trưởng hỏi các thuyền viên trên tàu: “Mong muốn của bọn mày bây giờ là cái gì”?. Tất cả thảy mọi người đều có chung một câu trả lời là “muốn được về nhà”. Sau đó, tên phiên dịch và tên cầm đầu vào bắt tay từng thuyền viên và cho biết ngày mai, chúng nhận tiền chuộc và mọi con tin sẽ được thả về nhà.

Thuyền viên Trần Văn Hùng nhớ lại phút giây hãi hùng vì bị cướp biển "bỏ rơi"
Thuyền viên Trần Văn Hùng nhớ lại phút giây hãi hùng vì bị cướp biển "bỏ rơi"
“Lúc đó, nghe bọn chúng nói ngày mai được thả, ai cũng rơi nước mắt vì mừng các anh ạ. Đêm đó bọn em không tài nào ngủ được, cứ ngồi ôm nhau thủ thỉ và khóc suốt đêm. Còn phía ngoài bọn cướp biển cũng ăn mừng bằng những trận rượu và bắn vãi đạn cả đêm”, thuyền viên Lưu Đình Sơn cho biết.
Đến 5 giờ sáng ngày 17/7/2012, bọn cướp biển lái xe đến và thúc ép các thuyền viên nhanh chóng lên xe. Khi xe ra đến bãi biển, chúng bắt thuyền trưởng, máy trưởng, quản lý tàu ra giữa bãi biển như đã giao kèo để nhận tiền. Còn toàn bộ số thuyền viên còn lại bị một nhóm cướp biển giữ lại phía sâu trong bờ cách đó khoảng vài trăm mét.
Đến 8 giờ sáng cùng ngày, chiếc may bay chở tiền đến nơi. Sau vài vòng bay kiểm tra tình hình và thấy các con tin vẫn an toàn, chiếc máy bay nhanh chóng thả tiền chuộc con tin xuống cho bọn cướp biển. Nhận được tiền, chúng nhanh chóng đưa các con tin còn lại ra bãi biển và cho lên hai chiếc ca nô. Sau đó, chúng dùng ca nô chở các thuyền viên ra chỗ đã hẹn.

Đến lúc này, một sự cố nữa lại xảy ra. Do vào lúc đó, chiếc tàu hải quân của Trung Quốc được nhiệm vụ đón các con tin vào quá gần bờ, trái với yêu cầu bọn cướp biển nên chúng lại cho ca nô quay trở lại bờ vì sợ bị phục kích.

Sau đó, chúng đưa toàn bộ các thuyền viên lên bờ và gọi điện yêu cầu chiếc tàu hải quân phải ra xa đúng nơi như đã giao kèo. Lúc này, chúng nơm nớp lo sợ bị đánh úp nên sau khi chiếc tàu hải quân ra xa, bọn cướp biển đã bỏ mặc toàn bộ các thuyền viên ở bờ biển và bỏ về căn cứ của chúng.

Sau khi bọn cướp biển bỏ đi, nỗi lo bị nhóm cướp biển khác bắt lại đe dọa tất cả thuyền viên. Bởi trên hoàn đảo có vô số nhóm cướp biển này, nếu như các tàu giải cứu không vào kịp, đưa các con tin đi mà để nhóm cướp biển khác bắt được, chúng lại giam giữ các con tin và đòi tiền chuộc thêm lần nữa là chuyện bình thường.

“Lúc đó, ai cũng lo nếu như con tàu giải cứu không vào kịp, gặp bọn cướp biển khác phát hiện và bắt lại thì coi như chết chắc. Bởi vì việc thả con tin và bị nhóm khác bắt lại không phải là chuyện hiếm trên đảo của bọn “hải tặc”. Vì vậy, để ra tín hiệu cho tàu vào giải cứu, chúng em đã cởi hết quần áo ra làm cờ báo hiệu", thuyền viên Trần Văn Hùng nhớ lại.

Cuối cùng, tàu giải cứu cũng nhận được tín hiệu cầu cứu của các thuyền viên. Họ cử một lực lượng cùng với hai chiếc ca nô vào bờ biển đón các thuyền viên. Tuy nhiên, khi chiếc ca nô quay trở ra gặp lúc thuỷ triều sóng to nên mới chạy, nước đã vào đầy ca nô nên không thể đi được.
Trước tình thế đó, tàu giải cứu tiếp tục cho trực thăng bay vào và thả dây xuống để đưa các con tin lên tàu.

Đến 20 giờ ngày 17/7/ 2012, toàn bộ các thuyền viên đã lên đến tàu giải cứu an toàn. Tại đây, các thủy thủ được khám sơ qua sức khoẻ, phát quần áo, tắm giặt, ăn uống và nghỉ ngơi dưỡng sức. Đến sáng ngày 18/7/2012, sau khi đã đưa được hai chiếc ca nô cùng những chiến sĩ bị mắc kẹt trên đảo lên tàu, chiếc tàu giải cứu bắt đầu hành trình tiến vào Tazania.

Ngày đoàn tụ trong nước mắt

Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, chiếc tàu cứu hộ của hải quân Trung Quốc đã đưa toàn bộ thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No1 vào Tazania an toàn. Tại đây, các thuyền viên được khám sức khoẻ cẩn thận và được Đại sứ quán Việt Nam đón. Các thuyền viên gọi điện về nhà thông báo với gia đình đã thoát nạn và sắp được về nhà.

“Lúc đó, gọi điện về, nghe thấy giọng mẹ mà em vui ứa nước mắt. Thế là đã thoát qua được cái chết và ngày đoàn tụ với gia đình chỉ còn trong nháy mắt”, thuyền viên Lưu Đình Hùng nhớ lại phút giây vui mừng.

Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Tazania đã nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để 12 thuyền viên Việt Nam sớm được về nhà, đoàn tụ với gia đình sau gần 19 tháng bị giam cầm trong tay cướp biển Somalia.

Đến chiều ngày 24-7, toàn bộ 12 thủy thủ về đến sân bay quốc tế Nội Bài trong niềm vui nghẹn ngào của người thân.

Niềm vui đoàn tụ của các thuyền viên với người thân sau 19 tháng bị giam cầm, hành hạ dưới tay bọn cướp biển Somalia
Niềm vui đoàn tụ của các thuyền viên với người thân sau 19 tháng bị giam cầm, hành hạ dưới tay bọn cướp biển Somalia

“Gần 19 tháng trời sống trong thấp thỏm lo âu, khi nhìn thấy nó từ cổng sân bay ra, gầy gò nhưng vẫn còn sống, tui rớt nước mắt. Mẹ nó đòi đi theo tôi ra sân bay, ôm con nức nở mãi không thôi. Đến lúc đó, chúng tôi mới tin chắc nó vẫn còn sống. Cảm ơn trời phật đã giúp đỡ con tôi trở về bình an vô sự”, ông Trần Văn Vinh (bố của thuyền viên Trần Văn Hùng) nhớ như in phút giây sum họp.

“Lúc đó tôi đã khóc ngất lên vì vui mừng. Bao ngày tháng trông đợi, có lúc đã tưởng hết hi vọng rồi nhưng khi thấy thằng Hùng bước ra, tôi đã không cầm lòng được. Cảm ơn mọi người, cảm ơn các cơ quan chức năng đã tìm mọi cách đưa con trai tôi về sum họp với gia đình an toàn. Cả đời này, tôi sẽ không quên ơn những người đã giúp đỡ con trai tôi”, chị Võ Thị Nhị (mẹ của thuyền viên Lưu Đình Hùng) nói trong nước mắt.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Xuân Hoà