Cựu đồng minh của Putin: Nga đang bị mắc kẹt hậu Crimea

01/04/2015 11:17
Hồng Thủy
(GDVN) - Dmitry Peskov đã bác bỏ những quan điểm này và nói, ông tin tưởng những người trẻ hơn "thế hệ Putin" đã không biết được "nỗi kinh hoàng của những năm 1990"...
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ABC News.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ABC News.

Yahoo News ngày 1/4 dẫn nguồn hãng thông tấn AP cho biết, trong thời điểm đánh dấu Tổng thống Nga Vladimir Putin cầm quyền được 15 năm kể từ lần đầu tiên đắc cử, đồng minh lâu dài cũ của ông đang đặt ra những câu hỏi cảnh báo về hậu quả kinh tế do chính sách đối ngoại của ông chủ Điện Kremlin có thể gây ra tại một chương trình đối thoại bàn tròn do người phát ngôn của Tổng thống Nga chủ trì hôm 31/3.

Uy tín trong nước của ông Vladimir Putin đã đạt đỉnh điểm vào năm ngoái sau khi Điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga. Nhiều người Nga tự hào nói trên các phương tiện truyền thông nhà nước rằng, việc sáp nhập Crimea chính là vinh quang quay trở lại đối với nước Nga. Tuy nhiên trong cuộc đối thoại bàn tròn hôm qua do người phát ngôn của Tổng thống Nga kiểm soát, đã có nhiều câu hỏi và cảnh báo đặt ra cho chính sách đối ngoại của Putin.

Việc sáp nhập Crimea tháng 3 năm ngoái trong đó ông Putin thừa nhận đó là quyết định cá nhân của mình cũng như vai trò của Nga trong xung đột miền Đông Ukraine là nguyên nhân trực tiếp đẩy Moscow đến chỗ đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Alexei Kudrin, Bộ trưởng Tài chính Nga giai đoạn 2000-2011 và là một cựu Phó Thủ tướng cho rằng, kinh tế Nga sẽ khó trở lại mức tăng trưởng phù hợp như một cường quốc trong những năm tới vì Putin quá tập trung vào chính sách đối ngoại.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin.

"Chúng ta đang bị mắc kẹt", Alexei Kudrin nói. Tỉ lệ tăng trưởng 1-2% một năm không phản ánh khả năng của Nga để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa hậu quả từ cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như việc phải tài trợ trực tiếp cho Crimea sẽ tiêu tốn của Nga từ 150 đến 200 tỉ USD trong 3 - 4 năm tới, bằng một nửa số dự trữ ngoại tệ của Nga, cựu đồng minh của Putin bình luận.

Ông Kudrin cảnh báo, việc ưu tiên cho mục tiêu chính trị sẽ phải trả giá về kinh tế, bởi chủ nghĩa dân tộc và sự sáp nhập Crimea đã làm các doanh nghiệp ổn định "kinh sợ". Nền kinh tế Nga được dự báo sẽ giảm 3 đến 6 % trong năm nay, đợt suy giảm mạnh nhất kể từ khi ông Putin nhậm chức. Nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 của ông sẽ kết thúc vào năm 2018, hiện Putin vẫn chưa xác nhận liệu ông có tham gia tranh cử cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4 hay không.

Igor Yurgens, một cựu cố vấn của Điện Kremlin cho rằng, nếu không có sự tự do và các cải cách cơ cấu cần thiết, nền kinh tế Nga "sẽ không tồn tại". Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov đã bác bỏ những quan điểm này và nói, ông tin tưởng những người trẻ hơn "thế hệ Putin" đã không biết được "nỗi kinh hoàng của những năm 1990" vẫn cực kỳ trung thành với Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo duy nhất của Nga mà họ nhớ.

Theo kết quả thăm dò dư luận của FOM, một tổ chức thân thiện với Kremlin thì thu nhập của người Nga giảm trong năm nay bởi sự suy thoái của nền kinh tế lần đầu tiên kể từ khi Putin lên cầm quyền. Tuy nhiên những khó khăn này chưa đủ gây ra bất kỳ sự bất ổn xã hội nào lớn. Alexander Olson, giám đốc của FOM cho rằng, đa số người dân Nga tán thành hành động của Tổng thống Putin và các giá trị của ông sẵn sàng kiên nhẫn và chờ đợi trong một thời gian dài.

Hồng Thủy