Đã có hơn 7000 cán bộ y tế bị kỷ luật, nhiều người bị ra khỏi ngành

14/06/2017 16:01
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thông tin này tại phiên chất vấn đang diễn ra tại Quốc hội (ngày 14/6).

Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) đặt ra câu hỏi: Hiện nay, tình trạng chữa bệnh, người bệnh bệnh không được tiếp cận dịch vụ phần quá tải, phần do thái độ phục vụ. Người bệnh thường phản ảnh, y tá hay điều dưỡng viên có nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng nếu không muốn nói là xúc phạm người bệnh. Nhìn ra các nước trong khu vực, văn hóa ứng xử của bác sĩ rất tôn trọng, phục vụ tận tâm, khi khám chữa xong còn cảm ơn, cúi rập người vì đã đến với họ.

Ở nước ta, với tình trạng cử tri phản ảnh ở trên, tôi xin hỏi Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào nâng cao đạo đức lương y, cải thiện phong cách phục vụ trong ngành y tế để người bệnh hài lòng?

Trả lời thẳng vào câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vẫn có thực trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt.

Tuy nhiên thời gian qua, ngành y tế đã đưa ra chương trình đổi tới tác phong thái độ với sự đổi mới toàn diện thái độ phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh bằng nhiều giải pháp tổng thể từ tuyên truyền vận động gắn với Học tập làm theo đạo đức phong cách của Chủ tịch  Hồ Chí Minh trong toàn ngành gắn với công đoàn.

“Bên cạnh đó chúng tôi có những giải pháp như sử dụng đường dây nóng, ban hành các thông tư, hòm thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn, thông tư xử phạt nghiêm”, Bộ trưởng Tiến cho hay.

Tư lệnh ngành y tế cũng cho biết, trong thời gian qua, hơn 7000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật từ các hình thức cảnh cáo, khiển trách, buộc ra khỏi ngành, cảnh cáo toàn bệnh viện.

Kèm theo đó là đổi với cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập cho cán bộ y tế thông qua lộ trình tăng giá dịch vụ... 

Thu nhập của những đơn vị sự nghiệp đã được tính giá đã tăng lên, những giải pháp vừa rồi đã tạo nên sự đổi mới toàn diện.

“Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế, thái độ phục vụ đã thay đổi nhất là ở tuyến tỉnh, tuyến xã”, bà Tiến thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vẫn còn có tình trạng y đức kém ở một số nơi, đó là con sâu làm rầu nồi canh. ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vẫn còn có tình trạng y đức kém ở một số nơi, đó là con sâu làm rầu nồi canh. ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tiến cũng thẳng thắn cho biết có tình trạng trục lợi và lạm dụng quỹ Bảo hiểm Y tế từ người dân và cả cơ quan y  tế.

“Quyền lợi bảo hiểm, đóng bảo hiểm chưa đến 30 USD, thông tuyến, nên người dân đi khám rất nhiều. Do cơ chế tự chủ, quyền lợi của người dân Sắp tới sẽ đổi mới hoàn toàn mô hình tự chủ. Xét nghiệm, chúng tôi đã ban hành thông tư, từ tháng 6 các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh sẽ công nhận xét nghiệm”, bà Tiến nói.

Đã có hơn 7000 cán bộ y tế bị kỷ luật, nhiều người bị ra khỏi ngành ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lương tri của các nhà sản xuất thực phẩm

Liên quan đến vấn đề quản lý dược, tình trạng bán thuốc tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ, Bộ trưởng Y tế cho biết: “Mặc dù đã có các Thông tư về kê đơn, quản lý các chuỗi quầy thuốc đạt chuẩn GDP nhưng họ không tuân theo…

Đây là cái yếu kém trong quản lý của ngành, chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Sắp tới, chúng tôi sẽ đổi mới toàn diện vấn đề này. Tuy nhiên đội ngũ thanh tra giám sát vấn đề này vẫn còn rất thiếu, cả nước chỉ có chưa đến 300 thanh tra; cũng khó như vấn đề an toàn thực phẩm.

Vấn đề lạm dụng kháng sinh, chúng tôi cũng trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phòng chống kháng kháng sinh. Chúng tôi cũng xung phong là một trong những nước thí điểm của WHO có nhiều hoạt động này.

Chương trình quản lý kháng sinh đang được quốc tế, các nước G7 quan tâm. Trong tương lai ngành y tế tiếp tục cố gắng quản lý việc sử dụng thuốc không hợp lý, kiểm soát vấn đề này theo lộ trình”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, vấn đề giá biệt dược cao, đặc biệt các thuốc ung thư, tim mạch bán cao đúng như phản ánh của các Đại biểu Quốc hội.

“Giá cao vì biệt dược là độc quyền. Giải pháp của chúng tôi là điều chỉnh Thông tư 11 là hiện nay có gần 700 thuốc biệt dược có bản quyền, thứ hai là thuốc biệt dược gần hết bản quyền khoảng gần 500.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đang điều chỉnh Thông tư 11 đưa danh mục thuốc biệt dược gần hết bản quyền đấu thầu rộng rãi.

Còn với biệt dược chắc chắn họ độc quyền chúng tôi sẽ có hình thức đàm phán giá tốt nhất. Đây là hình thức mới thực hiện theo Luật đấu thầu, phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc. Trên thực tế thời gian qua, nói giá thuốc tăng nhưng thực chất theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội – nơi quản lý thì nhờ phương thức quản lý chặt chẽ hơn nhiều, chi phí của Quỹ Bảo hiểm Y tế cho thuốc giảm trung bình 30%”, bà Tiến thông tin.

Ngọc Quang