Đà Nẵng chọn nhân tài từ phổ thông, rót ngân sách cử đi học (bài 2)

30/11/2019 06:35
AN NGUYÊN
(GDVN) - Bên cạnh việc thu hút người giỏi đến làm việc thì Đà Nẵng cũng đã chi ra hàng tỷ đồng để cử người đi học tại các cơ sở giáo dục uy tín trong và người nước.

Tiếp theo bài 1, 16 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng có được gì? 

Chọn người giỏi từ bậc phổ thông

Với mục tiêu tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia, từ năm 2004, Đà Nẵng triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Học viên đề án 922 tại một buổi trao đổi với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ảnh: AN
Học viên đề án 922 tại một buổi trao đổi với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ảnh: AN

Khác với nhiều địa phương khác trong cả nước, việc đào tạo chỉ tập trung vào bậc sau đại học, Đà Nẵng đã cấp học bổng để đào tạo ngay bậc đại học cho học sinh trung học phổ thông xuất sắc.

Chủ trương này được triển khai bằng dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho học sinh trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn gọi là Dự án 151 (sau đó điều chỉnh thành Dự án 32 và Đề án 47).

Năm 2006, Đà Nẵng cũng phê duyệt Đề án Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài – Đề án 393.

Đến năm 2011, hai đề án trên được gộp chung thành Đề án 922. Quá trình tổ chức triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã xây dựng chỉ tiêu ngành nghề hàng năm dựa trên cơ sở đăng ký nhu cầu nguồn lực của các cơ quan, đơn vị và ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhân lực khu vực công.

Nên dùng 12.000 tỷ đồng để đào tạo hay thu hút, đãi ngộ tiến sĩ?

Công tác tuyển chọn, chọn ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo là sau khi xây dựng chỉ tiêu đào tạo với ngành nghề cụ thể, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (thuộc Sở Nội vụ Đà Nẵng, gọi tắt là trung tâm) tiến hành truyền thông rộng rãi đến các đối tượng liên quan.

Việc tuyển sinh được thực hiện theo một quy trình công khai, minh bạch với các tiêu chí và thang điểm cụ thể. Đặc biệt việc tuyển sinh ở bậc đại học đã được tổ chức theo hai hình thức: hồ sơ và phỏng vấn.

Thời gian đầu, việc chọn ngành nghề chủ yếu do học viên và gia đình học viên thực hiện dựa trên sở thích, sở trường của học viên. Về sau, trung tâm đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ngành học, cơ sở đào tạo.

Căn cứ trên chỉ tiêu đào tạo được phê duyệt, đối với trường hợp cử đi đào tạo tại nước ngoài, trung tâm trực tiếp làm việc với các cơ sở đào tạo có uy tín để xin thư mời cho học viên và hỗ trợ làm các thủ tục xuất nhập cảnh…

Đối với công tác quản lý học viên trong quá trình đào tạo thì trung tâm đã thiết lập mối liên hệ trực tiếp để nắm bắt tình hình tư tưởng, sinh hoạt của học viên. Kịp thời động viên khi có thành tích, an ủi khi gặp khó khăn.

Thường xuyên giữ liên lạc với cơ sở đào tạo để chủ động xử lý những trường hợp phát sinh. Các học viên định kỳ báo cáo về trung tâm kết quả học tập, những thay đổi hoặc các phát sinh liên quan đến việc học.

Năm 2014, sau rà soát, đánh giá việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nhận thấy việc thu hút, đào tạo quá nhiều dẫn đến vượt chỉ tiêu biên chế và định biên được giao, thành phố đã có chủ trương tạm dừng thu hút và tuyển sinh đào tạo bậc đại học.

Nhiều học viên được bổ nhiệm lãnh đạo quản lý

Tính đến cuối tháng 9/2019, Đà Nẵng đã cử 613 người tham gia đề án. Trong đó, có 338 học viên đại học (121 học viên học trong nước, 217 học viên học tại nước ngoài), 120 học bậc sau đại học, 155 học viên theo kế hoạch tuyển chọn, đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú. 

Cơ cấu nhóm ngành nghề đào tạo thì y tế chiếm tỷ lệ lớn nhất với 31,15%, sau đó đến ngành kỹ thuật – công nghệ chiếm 18,92%...

Đà Nẵng dừng chi tiền cho nhân tài đi du học, sẽ thay đổi cách thu hút, đãi ngộ

Hiện nay có 424 học viên đã tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài với kết quả học tập 63% đạt loại giỏi và xuất sắc, gần 33% đạt loại khá.

Số học viên này được bố trí trong các cơ quan hành chính là 71 người, trong các đơn vị sự nghiệp là 283 người, 36 học viên được bố trí tại các cơ quan khối Đảng, mặt trận, đoàn thể, các trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng, tòa án, vườn ươm doanh nghiệp.

Kể từ năm 2014, thành phố không tiến hành tuyển chọn học sinh tham gia đề án bậc đại học.

Qua 11 năm công tác (tính từ năm 2008 khi lứa học viên đề án đầu tiên tốt nghiệp nhận nhiệm vụ), nhiều học viên đề án đã trưởng thành, có 65 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Về quá trình quản lý và sử dụng học viên sau đào tạo thì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, học viên báo cáo công khai kết quả học tập và được đề đạt nguyện vọng bố trí công tác.

Căn cứ ngành nghề đã được đào tạo, nhu cầu công vụ và nguyện vọng học viên để bố trí công tác. Phần lớn học viên đều hài lòng với nơi công tác, được các cơ quan quản lý lao động tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả.

Theo nhận xét của Ủy ban nhân dân thành phố thì trong quá trình công tác, đa số học viên Đề án 922 có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thích nghi công việc nhanh…

Có 65 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý như: trưởng, phó phòng, phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên.

Đối với học viên đề án sau khi tốt nghiệp nhận nhiệm vụ, thành phố đã có chính sách cho thuê nhà chung cư (nếu chưa có chỗ ở); hỗ trợ hàng tháng, hỗ trợ một lần sau khi tốt nghiệp…

Hiện có 254 trường hợp học viên đề án được tuyển dụng công chức, viên chức; 48 trường hợp tại các đơn vị sự nghiệp do ngân sách đảm bảo toàn bộ, đảm bảo một phần đang chờ tuyển dụng vào viên chức;

35 trường hợp công tác tại các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn kinh phí. 17 học viên đã về công tác hiện đang học bậc cao hơn ở nước ngoài.

(Còn nữa)

AN NGUYÊN