Đại biểu Quốc hội kể chuyện Cao Biền yểm bùa đất sinh đế vương ở Việt Nam

25/06/2015 09:17
Diệu Linh (ghi)
(GDVN) - "Cao Biền là người giỏi về địa lý được cử sang nước ta làm An Nam Tiết độ sứ, thực hiện âm mưu thâm độc, yểm bùa khống chế sự phát triển nhân tài nước ta".

Chiều 24/6, mở đầu phần thảo luận về dự án Luật khí tượng Thủy văn, Đại biểu Trần Văn Bản (đoàn Bình Định) – Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam không phân tích về kỹ thuật làm luật mà đưa ra một góc nhìn hoàn toàn khác về thủy văn.

Khí tượng thủy văn là hệ quả của mối tương tác ảnh hưởng đến nhau, giữa thiên, địa và nhân, trong kinh dịch gọi là tam tài. Trong tương tác, các quy luật hoạt động trong các hành tinh, các sao, trong các hệ của Thiên Hà như Nhị Thập Bát Tú, Cửu Diệu tinh, các sao thành phần Bắc Đẩu thất tinh...

Liên quan nhiều nhất với chúng ta là hệ mặt trời gồm có 8 hành tinh: sao Thủy, sao Kim hai sao này không có vệ tinh, Trái Đất có một vệ tinh đó là Mặt Trăng, sao Hỏa có 2 vệ tinh, sao Mộc có 63 vệ tinh, sao Thổ có 56 vệ tinh, sao Thiên Vương có 26 vệ tinh và sao Hải Vương có 13 hệ vệ tinh.

Về đường kính các sao, sao lớn nhất là sao Thổ là 120.000km và nhỏ nhất là sao Thủy là 4,8km, Trái Đất là 12.756 km. Chu kỳ quanh quanh mặt trời dài nhất là sao Hải Vương 164 năm, ngắn nhất Sao Thủy 87 ngày và trái đất 365,26 ngày.

Chu kỳ tự quanh xung quanh mình nhanh nhất Sao Mộc 9,84h và chậm nhất Sao Kim 243 ngày và trái đất 24h.

Các hành tinh trong vũ trụ hoạt động theo quỹ đạo, quỹ đạo địa tĩnh, tác động của Mặt Trời, sức hút của trái đất và sự tương tác đan xen giao thoa đó tạo thành ngày, đêm, sáng, tối, nhiệt độ, nóng, lạnh, nước biển lên xuống và môi trường, không khí.

Địa lý cho chúng ta biết về thổ nhưỡng, các lớp nham thạch gồm nước, mạch nước ngầm, nói chung là đất, nước và tài nguyên.

Trong sách địa lý Chân Long của Tả Ao nói rất kỹ về Nhị Thập Bát Tứ tương tác giữa thiên, địa, nhân, tạo ra phong, vũ, lôi, chấn. Tùy mức độ tương tác khác nhau mà tạo thành mưa, giông, bão, sấm, sét, hạn hán, lũ lụt, động đất, nước biển dâng…

Con người được thụ hưởng những kết quả do thiên địa mang lại. Khi mối tương tác của thiên, địa, nhân, theo đúng quy luật hợp lý, hài hòa thì có lợi cho con người, ngược lại thì có hại cho con người.

Vận dụng các quy luật tự nhiên này trong lịch sử Gia Cát Lượng là người thông thiên văn, tường địa lý, hiểu nhân tình, thế thái đã giúp Lưu Bị thành công trong các trận chiến xây dựng lại cơ đồ nhà Hán. Ngô Quyền vận dụng quy luật của thủy triều đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

Chưa kể đến chuyện Cao Biền là người giỏi về địa lý được Trung Tôn cử sang nước ta làm An Nam Tiết độ sứ, thực hiện âm mưu thâm độc, yểm phái các huyệt kết của đất nhằm chống, khống chế lại sự phát triển nguồn nhân tài của nước ta, nhưng sự việc không thành.

Chỉ đến khi chúng ta bắt sống được tướng Hoàng Phúc thu được sách Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự mới biết Cao Biền đã viết 632 huyệt đất kết ở Việt Nam đẻ sinh ra đế vương, công hầu, danh tướng...

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Bản. ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Bản. ảnh: quochoi.vn

Từ thực tiễn trên, khi nghiên cứu dự án luật này, chúng ta không chỉ sử dụng tư liệu thống kê lưu trữ trong luật đã đề cập mà phải nghiên cứu các quy luật của thiên văn, của địa lý và môi trường tương tác ảnh hưởng của con người.

Con người là đối tượng thụ hưởng tài nguyên thiên nhiên, là người trực tiếp tác động đến tự nhiên, môi trường cũng là đối tượng tạo nên sự biến động các quy luật tự nhiên gây biến đổi khí tượng thủy văn.

Do đó khi xây dựng luật cần đặc biệt chú ý đến yếu tố con người để mọi người biết sử dụng các quy luật bình thường của tự nhiên, hạn chế những tác động xấu đến môi trường, gây biến đổi khí hậu.

Ví dụ, từ tiết Kinh chập trở đi là sâu bọ dở, tất nhiên độ ẩm không khí phải cao, có khi tới 100% hoặc từ Tiết Cốc Vũ trở đi phải có mưa rào, đó là những quy luật bình thường, không như thế là khác thường.

GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Quản lý cán bộ lỏng lẻo, đa phần sẽ hư hỏng'

GS Nguyễn Minh Thuyết: "Quản lý cán bộ lỏng lẻo, đa phần sẽ hư hỏng"

Trong dự thảo luật kỳ này mới chỉ tập trung vào công tác quản lý hệ thống tổ chức khí tượng thủy văn, thống kê dữ liệu, thông tin giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng thủy văn... để phù hợp với nội dung trong dự thảo luật, tôi đề nghị chỉnh sửa tên luật là: Luật về theo dõi, cảnh báo, xử lý biến động khí tượng thủy văn.

Về giải thích từ ngữ, thủy văn là trạng thái quá trình diễn biến và sự vận động của nước trong sông, hồ. Tôi đề nghị sửa đổi là thủy văn là trạng thái sự vận động và biến đổi của nước ở sông, hồ, ao, biển. Vì thủy có nghĩa là nước và văn nghĩa là xem và nghe.

Như vậy, bao hàm cả nước biển, đề nghị bỏ phần giải thích từ ngữ hải văn, về thời tiết là trạng thái của khí quyển tại một thời điểm và khu vực cụ thể được xác định bằng các yếu tố và hiện tượng khí tượng.

Đề nghị sửa đổi là thời tiết là tiết khí trong một thời gian cụ thể tại kinh độ, vĩ độ cụ thể được xác định bởi các yếu tố và hiện tượng khí tượng, vì trong vận khí quyển mỗi năm có 24 tiết khí, phân bố theo chu kỳ nhất định, bắt đầu từ Đại Hàn, Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh chập làm chủ sơ khí đến tiểu tuyết, đại tuyết, đông trí, tiểu hàn làm chủ trung khí, đó là 6 bước của chủ khí.

Trong đó từ Đại Hàn đến Xuân Phân sau 12 ngày làm chủ sơ vận, từ sau Lập Đông 4 ngày đến cuối tiểu hàn làm chủ ngũ vận đó là 5 bước của ngũ vận. Ngũ vận phối hợp với lục khí tạo thành vận khí trong năm.

Về khí hậu là tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một vùng nhất định, đặc trưng bởi các đại lượng thống kê dài hạn của các yếu tố khí tượng tại vùng đó.

Như vậy chưa thể hiện rõ nội hàm và lượng hóa được thời gian theo quy luật, nếu tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một vùng, có nghĩa là thống kê những gì đã xảy ra ở vùng đó. Còn dùng đại lượng thống kê dài hạn thì dài hạn là bao nhiêu?

Do đó, tôi đề nghị sửa là: Khí hậu là hệ quả của quá trình tương tác giữa các điều kiện tự nhiên và môi trường tại một khu vực theo quy luật, trong chu kỳ 60 năm và 180 năm tức là một tuế hội hay tam nguyên giáp tý.

Về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, để có dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn sát với từng vùng, từng khu vực, không thể theo địa giới hành chính mà phải theo kinh độ, vĩ độ của trái đất mới đảm bảo tính chính xác.

Ví dụ, dự báo thời tiết ở Thủ đô Hà Nội cần phải nêu gió tọa độ từ 20 độ 53 phút đến 21 độ 23 phút độ Vĩ Bắc và 104 độ 44 phút đến 106 độ 2 phút độ Kinh Đông sẽ đảm bảo độ chính xác hơn và hạn chế những tình trạng ngoài sân đang mưa ầm ầm, trong nhà ti vi dự báo dự báo trời nắng không mưa.

Diệu Linh (ghi)