Đại biểu Quốc hội lo ngại thực hiện tinh giản biên chế như một thành tích

27/10/2018 10:35
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Bùi Văn Phương nói: “Có một cái gì đó như là ai mà làm được nhiều tinh giản, sáp nhập là một thành tích”.

Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường.

Về vấn đề tinh giản tổ chức, bộ máy biên chế, đại biểu Bùi Văn Phương - đoàn Ninh Bình nhấn mạnh, đây là việc cần thiết.

Trung ương đã chỉ đạo cụ thể là phải thận trọng, có bước đi thích hợp. Cái gì chưa rõ thì thí điểm trước khi nhân rộng, cái gì còn ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu.

Đại biểu Bùi Văn Phương. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Bùi Văn Phương. Ảnh: Quochoi.vn

“Nhưng tôi theo dõi trong quá trình thực hiện, chúng ta có phần lúng túng, nhận thức chưa đầy đủ.

Mục tiêu Nghị quyết Trung ương đặt ra là tinh giản bộ máy tổ chức biên chế nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả bộ máy.

Dường như, tôi có một nhận thức là đang chủ yếu chạy theo tinh giản. Có một cái gì đó như là ai mà làm được nhiều tinh giản, sáp nhập là một thành tích”, đại biểu Bùi Văn Phương nhận định

Đại biểu đề nghị Chính phủ có chỉ đạo vì chúng ta có nhiều bài học và thậm chí là trả giá vì sáp nhập. Đề nghị Chính phủ quan tâm.

“Tôi đơn cử như trường tiểu học và trung học cơ sở được đề nghị nhập với nhau để giảm bớt một lãnh đạo quản lý, bớt một kế toán và sử dụng chung được mấy giáo viên dạy môn phụ.

Nhưng chúng ta có nghĩ là sau khi nhập lại thì hiệu lực, hiệu quả hoạt động như thế nào? Đây là vấn đề.

Hai trường này có hoạt động dạy và học khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta có cách giảm vị trí kế toán, dùng chung giáo viên môn phụ mà không cần sáp nhập trường.

Tôi đồng tình với một số đại biểu đã phát biểu, ở vùng cao mà tư duy sáp nhập như thế thì các cháu sẽ đi học thế nào.

Chính phủ phải quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng, không làm vội vàng”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu phân tích, trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta phải tuân thủ đúng về phương thức lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Nhà nước.

Đó là Trung ương ra Nghị quyết, đó là tinh thần chủ trương đường lối của Đảng, thực hiện nó bằng việc thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm để tổ chức thực hiện thống nhất, thận trọng.

“Nhưng gần đây, tôi thấy một số địa phương đã làm, đã sáp nhập sở. Một số nơi thực hiện một loạt sáp nhập nhưng thử hỏi thực hiện dựa trên văn bản quy phạm nào về mặt Nhà nước thì chưa có.

Chính phủ chưa có hướng dẫn nào về mặt quy phạm mà tổ chức thực hiện như thế thì không hiểu chúng ta đã tuân thủ đúng phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước chưa?

Đây là việc lớn, chúng ta phải làm rất thận trọng như Nghị quyết Trung ương đã đặt ra. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm để trong tổ chức thực hiện đúng tinh thần pháp luật”, đại biểu nói.

Cũng liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, đại biểu Phạm Xuân Thăng - đoàn Hải Dương nêu thực tế, việc tinh giản biên chế khó đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% từ nay đến năm 2021.

Số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%.

Đại biểu Quốc hội lo ngại thực hiện tinh giản biên chế như một thành tích ảnh 2Lãnh đạo thừa sau sáp nhập phải vài năm mới sắp xếp xong

Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan bộ thuộc chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả .

Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thật sự quyết liệt...

Đại biểu Thăng cũng nêu nguyên nhân là do việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Nhà nước còn chậm.

Nghị quyết 56 của Quốc hội đã nêu rõ, trong năm 2018, phải hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, văn bản về chức năng, nhiệm vụ , cơ cấu tổ chức , cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực...

Tuy nhiên, gần hết năm 2018 mà nhiều văn bản chưa được ban hành.

Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế,... để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy nhà nước.

Đỗ Thơm