Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn quyết liệt, tranh luận và đi tới cùng vấn đề

13/06/2017 06:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Chất vấn tập trung vào 4 lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội: Nông Nghiệp; Văn hóa-Thể thao-Du lịch; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư.

Sáng nay (13/6), Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – ông Nguyễn Xuân Cường về: 

Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; 

Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững;

Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – ông Nguyễn Ngọc Thiện, với nhóm vấn đề gồm:

Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội;

Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội;

Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Vào sáng 14/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến, tập trung vào nhóm vấn đề: 

Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh

Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 

Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Cuối cùng, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn về nhóm vấn đề:

Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển;

Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước;

Tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công;

Trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Ngoài ra, còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Công thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… và các trưởng ngành cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội, tùy theo từng lĩnh vực.

Tổng Thư ký Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ nhận được 145 vấn đề chất vấn được tổng hợp từ 42 Đoàn Đại biểu Quốc hội và 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp gửi đến Kỳ họp thứ 3.

“Tuy nhiên, khuôn khổ thời gian của Quốc hội có hạn, không thể ôm được hết. Vì thế, chúng tôi đã đưa ra một số nguyên tắc và chọn lựa nội dung chất vấn rất chặt chẽ”, ông Phúc nói.

Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn quyết liệt, tranh luận và đi tới cùng vấn đề ảnh 4

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cấp bách”

Theo đó, ưu tiên cho các vấn đề bức xúc, nổi lên gần đây được dư luận cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là những vấn đề mà trong thời gian 12 tháng qua chưa được Đại biểu Quốc hội chất vấn và Bộ trưởng, thành viên Chính phủ chưa trả lời chất vấn.

Nội dung chất vấn cũng phải bảo đảm hài hòa giữa lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Sau đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tiếp tục làm việc, lọc ra các nhóm vấn đề sẽ chất vấn để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sàng lọc thêm một lần nữa rồi mới trình ra Quốc hội.

Từ các nhóm vấn đề này thì xác định rất rõ Bộ trưởng nào có trách nhiệm trả lời chất vấn chính, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ nào phải tham gia trả lời.

Vì thế, có thể nói rằng, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn lần này đều rất thiết thực, bám sát thực

Ông Phúc cho biết thêm: “Phiên chất vấn lần này có một điểm mới quan trọng là tăng thêm thời gian chất vấn trong khi số lượng Bộ trưởng trả lời chất vấn không đổi, số lượng các thành viên Chính phủ tham gia giải trình sẽ nhiều hơn.

Đại biểu Quốc hội được quyền giơ biển tranh luận hoặc yêu cầu trả lời rõ thêm về câu hỏi chất vấn chưa được làm rõ. Điều này sẽ giúp các Đại biểu Quốc hội chất vấn sâu sắc hơn, đi đến cùng vấn đề hơn, còn Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có thể giải trình cặn kẽ hơn về những việc đã làm, đang làm hoặc chưa làm được, cũng như định hướng sắp tới như thế nào?”.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, một điểm nhấn nữa là, với mỗi nhóm vấn đề, lần này, Quốc hội đã yêu cầu 1 Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải trực tiếp giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Các kỳ họp trước, các Phó Thủ tướng cũng đã tham gia trả lời chất vấn, tuy nhiên lần này Quốc hội yêu cầu rõ ràng hơn, ai phụ trách lĩnh vực nào phải có trách nhiệm trả lời về lĩnh vực đó.

Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

“Việc tạo thêm thời gian, cơ hội cho các thành viên Chính phủ khác trả lời chính là để có cái nhìn khách quan hơn, đa chiều hơn, về những vấn đề đang xảy ra, từ đó mà điềm tĩnh hơn, căn cơ hơn trong việc tìm giải pháp tháo gỡ.

Thời gian qua, cử tri và nhân dân cũng đã nhìn thấy sự xông xáo, quyết liệt giải quyết các tồn tại, hạn chế của bộ, ngành mình của Chính phủ, các thành viên Chính phủ.

Vì thế, tôi hy vọng phiên chất vấn sẽ đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của cử tri, các thành viên Chính phủ sẽ trả lời thỏa đáng những câu hỏi của Đại biểu Quốc hội, nhận thức rõ trách nhiệm của mình để giải quyết các vấn đề này, tạo chuyển biến thực sự trong đời sống xã hội”. 

Ngọc Quang