Đại hội đồng IPU-132: Hành động chung vì tương lai thế giới

01/04/2015 06:56
Ngọc Quang
(GDVN) - “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” là chủ đề thảo luận chung của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132).

Điều hành phiên họp Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự "biến lời nói thành hành động"; "thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới".

Các đại biểu tham dự IPU - 132 đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới trong tương lai. ảnh: ipu việt nam.
Các đại biểu tham dự IPU - 132 đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới trong tương lai. ảnh: ipu việt nam.

Từ lợi ích của nhân dân

Các ý kiến thảo luận đều nhất trí với sự cần thiết nâng cao vai trò và trách nhiệm của Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Tán thành với nội dung cơ bản của 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đang soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam kiến nghị IPU sẽ cùng các Quốc hội thành viên và các quốc gia xem xét, sự phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và công bằng, tiến bộ xã hội; nâng cao vai trò của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy thực hiện SDGs; tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu được xây dựng dựa trên việc xây dựng lòng tin và quyết tâm của các Quốc hội vì mục tiêu phát triển bền vững.

Để đảm bảo việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững, cần khẳng định hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Đại diện Indonesia, ông S.Novanto, cho biết 2/3 diện tích đất nước Indonesia được bao phủ mặt nước. Do đó Indonesia có nguồn tài nguyên biển đa dạng và lớn.

Nhận thức rõ trong khuôn khổ Mục tiêu phát triển bền vững sau 2015, có 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu sẽ được thông qua, Indonesia ủng hộ lồng ghép sử dụng nguồn nước, nguồn lợi từ biển, đại dương và nguồn lợi hàng hải khác vào các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là nỗ lực hết sức cần thiết để cùng thực hiện đảm bảo tương lai cho tất cả chúng ta. Theo đó, để các mục tiêu thành hiện thực thì các công cụ quốc gia phải phát huy hiệu quả. Cần sự liên kết chương trình lập pháp với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo tính ràng buộc pháp lý.

Với quan điểm các mục tiêu phát triển bền vững được đề xuất, không để một ai bị để lại phía sau, đại diện từ Canada, bà S.Ataullahjan, cho rằng các mục tiêu phát triển bền vững cần chú trọng đến phụ nữ và trẻ em.

Phụ nữ và trẻ em cần là trọng tâm trong chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững. Phụ nữ và trẻ em cần được tạo điều kiện, tỷ lệ trẻ em tử vong cần được xóa bỏ. 17 mục tiêu đòi hỏi sự giám sát rất lớn từ Quốc hội.

Đề cập thách thức về an ninh, biến đổi khí hậu, đại diện Maroc, ông M.C Biadillah, cho rằng cần phải nói đến phương thức triển khai, đặc biệt cách thức thực hiện mục tiêu cho giai đoạn sau năm 2015. “Thông điệp đã rõ, chúng ta có quyền lập pháp. Nghị viện, nghị sỹ phục vụ lợi ích nhân dân. Chức năng của Quốc hội gắn liền với sự phát triển bền vững đó.”

Hành động chung vì tương lai thế giới

Nhấn mạnh đến “hành động,” đại diện Maroc, ông M.C Biadillah đã dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ khai mạc IPU-132 rằng: “Mọi mong ước sẽ chỉ là xa vời nếu không hành động”.

Ông Biadillah nêu rõ các đề xuất mục tiêu phát triển bền vững liên quan chặt chẽ tới tương lai của thế giới. Dự thảo các mục tiêu là văn bản mang tính toàn cầu, đặt ra giấc mơ rất lớn đòi hỏi cần phải biến giấc mơ thành hiện thực.

Nói về cách thức thực hiện, đại diện Luxembourg, ông M.Di Bartolomeo, đã nêu ý kiến cho rằng nghị viện và các nghị sỹ cần thuyết phục người dân hiểu thách thức của phát triển bền vững. Có quốc gia cung cấp cho người dân tương lai tốt đẹp hơn. Có nơi thì duy trì thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được.

Giải thích sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa, đại diện Luxembourg nhận xét về sự phối hợp giữa các quốc gia trong thực hiện các mục tiêu. Ví dụ như các quốc gia cùng đoàn kết, hợp tác chống lại dịch bệnh, chống khủng bố. Theo đó, các nhà lập pháp cần phải lắng nghe ý kiến để định hướng chính sách quốc gia, chính sách khu vực cũng như quốc tế.

Nhân dịp này, đại diện Luxembourg cho biết gần như toàn bộ nghị sỹ Luxembourg đồng ý với chính sách dành 1% GDP cho hỗ trợ phát triển chính thức và duy trì đến năm 2018, góp phần cùng thế giới đấu tranh chống đói nghèo, tạo việc làm, đảm bảo cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế, nước, đảm bảo quyền con người.

Đến từ Trung Đông, ông M.Al Ghanim, đại diện Kuwait, kêu gọi hãy coi Phát triển Bền vững là mục tiêu thiết thực và hãy hành động hết sức mình vì mục tiêu này. Theo đó, các nước cần phối hợp với nhau đảm bảo tài nguyên nước được sử dụng hợp lý.

Phát triển bền vững là gói giải pháp tổng thể. Mỗi quốc gia có mức độ phát triển khác nhau nên cần được điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận phát triển bền vững có một cách tiếp cận dài hạn, không thể ngày một ngày hai mà phải đi từng bước một để thích ứng với biến động.

Nhân dịp này, thay mặt nghị viện Kuwait, nghị sỹ M.Al Ghanim tái khẳng định ủng hộ “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội” và nhận định rằng Tuyên bố này được thông qua sẽ phù hợp với nguyện vọng của tất cả người dân.

Đến từ Bhutan, thay mặt Quốc vương và nhân dân Bhutan, ông S.Kinga bày tỏ mong muốn góp tiếng nói ủng hộ cho những nỗ lực vì mục tiêu chung của nhân loại.

Ông S.Kinga chia sẻ hiện nay Bhutan đã thực hiện phần lớn Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Vậy bằng cách nào mà một vương quốc nhỏ bé nằm trên núi như Bhutan đã thực hiện được? Bhutan đã xác định ưu tiên, duy trì môi trường chính trị ổn định, cam kết mạnh mẽ duy trì dân chủ, cũng như chỉ số hạnh phúc của người dân là nguyên tắc.

Hiến pháp Bhutan đòi hỏi phải bảo tồn 60% diện tích rừng, Bhutan đã hy sinh một số lợi ích kinh tế và đã thành công trong bảo tồn tài nguyên thiên nhiên...

Ông S.Kinga cho biết năm 2015 là thời điểm chuẩn bị kết thúc 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và Liên hợp quốc đang thảo luận để chuẩn bị thông qua một Chương trình nghị sự về phát triển cho giai đoạn sau 2015. Bhutan khẳng định ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tiếp tục thực hiện các Mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.

Cùng chia sẻ về thời điểm sắp kết thúc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đại diện Nghị viện các quốc gia Đông Phi, ông D.Kidega phát biểu cho rằng trong giai đoạn mới, các quốc gia cần lồng ghép, đưa ra chương trình hành động, cũng như lên ngân sách thực hiện.

Ông D.Kidega nhấn mạnh: “Nghị viện đóng vai trò đi đầu với tư cách nhà lập pháp, phối hợp với cơ quan hành pháp, lắng nghe người dân để thực hiện các mục tiêu chung. Chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân và các thành phần khác trong xã hội. Đặc biệt trong cộng đồng các quốc gia Đông Phi còn nhiều thách thức, càng cần khẳng định mạnh mẽ cam kết của mình để đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu này là con đường tất yếu, chúng ta cần bỏ qua sự khác biệt để đạt mục tiêu cho người dân”.

Việt Nam đề xuất 8 giải pháp chiến tranh mạng

Chiều 31/3, Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh của Liên minh nghị viện thế giới, vừa nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”. Dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên minh nghị viện thông qua vào ngày 1/4.

Ủy ban Hòa bình và an ninh thế giới xác định, chiến tranh mạng là một chủ đề rất nhạy cảm và tốn nhiều thời gian thảo luận của đại biểu các nước bởi nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin khác nhau. Chính vì thế, dự thảo cuối cùng đã kêu gọi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ, trong đó các nước đi trước, có điều kiện về công nghệ cũng như các phương thức bảo vệ không gian mạng của mình chia sẻ với các nước đang phát triển, cho rằng đây là điều hết sức cần thiết để đảm bảo một không gian mạng chung lành mạnh.

Dự thảo cuối cùng ghi nhận những đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ thông tin cho nhân loại, song cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những hoạt động gây mất an toàn không gian mạng và những nguy cơ có thể bùng nổ chiến tranh mạng. Mỗi quốc hội cần phải nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý của nước mình, một mặt để đảm bảo phát triển công nghệ thông tin và quyền tiếp cận của người dân đối với những tiến bộ này nhưng cũng phải đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng.

Ngày 1/4, IPU sẽ ra Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”. ảnh: Xuân Hải.
Ngày 1/4, IPU sẽ ra Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”. ảnh: Xuân Hải.

Từ một văn bản gồm 15 điều, dự thảo cuối cùng Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới” đã được các nước bổ sung lên đến 33 điều. Trong bản dự thảo cuối cùng này, đoàn Việt Nam đã đóng góp 8 ý kiến và có một ý kiến khác đã được một số nước bạn đề xuất. Toàn bộ ý kiến của Việt Nam đóng góp đã được ghi nhận trong dự thảo cuối cùng của Nghị quyết “chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”.

Đại diện đoàn Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông Vũ Xuân Hồng cho biết: “Có thể nói ý kiến của chúng ta đã được nhiều nước bạn đồng tình. Trong đó đặc biệt là ý kiến của chúng ta về việc đề nghị Liên minh nghị viện Thế giới kiến nghị với Liên Hợp Quốc mở một hội nghị quốc tế về vấn đề không gian mạng, an toàn mạng và chiến tranh mạng và có thể tiến tới có một hiệp ước hoặc công ước toàn thế giới để đảm bảo không gian mạng phát triển lành mạnh, ngăn chặn chiến tranh mạng và có biện pháp hữu hiệu giữa các nước để chống lại chiến tranh mạng và các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra. Nếu có được điều này thì đây sẽ là đóng góp rất quan trọng của hội nghị tại Hà Nội lần này".

Tại cuộc họp, Ủy ban hòa bình và an ninh thế giới đã đưa ra 2 gợi ý chủ đề cho các kỳ hợp tới đó là chủ đề chống ma túy và tội phạm ma túy do Mexico và Thụy Điển đồng bảo trợ và chủ đề chống khủng bố do Ấn Độ bảo trợ. Nhìn chung Ủy ban Hòa bình và an ninh thế giới xác định đây là 2 vấn đề có mối liên hệ mật thiết và đều mang tính cấp bách. Tuy nhiên, xét bối cảnh thế giới hiện nay, Ủy ban đã bỏ phiếu và thông qua việc chọn chủ đề chống khủng bố để tiếp tục thảo luận và thúc đẩy đưa ra nghị quyết trình lên Đại hội đồng Liên minh nghị viện trong thời gian tới.

Ngọc Quang