Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu: Thẳng thắn là cơ sở để hiểu biết

18/01/2012 17:26
Theo QĐND
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyền Hựu đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và chân tình về các vấn đề liên quan tới quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Ngay trước thềm ngày kỷ niệm 62 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18-1-1950/18-1-2012), nhân chuyến thăm và chúc Tết Nhâm Thìn Báo Quân đội nhân dân, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyền Hựu đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và chân tình với cán bộ, phóng viên của Báo về các vấn đề liên quan tới quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Phóng viên (PV): Đồng chí nhìn nhận thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2011?
Đại sứ Khổng Huyền Hựu. Ảnh: Minh Trường/QĐND
Đại sứ Khổng Huyền Hựu. Ảnh: Minh Trường/QĐND
Đại sứ Khổng Huyền Hựu: Tôi cho rằng, quan hệ hữu nghị Việt - Trung trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2011 diễn ra hết sức tốt đẹp. Dòng chảy chính trong quan hệ hai nước vẫn là hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có truyền thống đoàn kết, hữu nghị từ lâu đời. Nhân dân hai nước đã từng kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cùng chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc luôn được hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trân trọng và nỗ lực đưa lên tầm cao mới. Trong năm 2011, chúng ta hài lòng nhận thấy, hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, quan hệ Đảng, hai nước không ngừng được mở rộng ra nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng... và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Mới đây, hai bên đã ký kết Quy hoạch Phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Trung - Việt giai đoạn 2012-2016, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 10-2011. Việc quy hoạch được ký kết là thành quả quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung; đồng thời, làm phong phú thêm nội dung hợp tác, tạo lập phương thức hợp tác mới. Quy hoạch Phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung còn mang tính chất quan trọng, nền móng cho phát triển quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước trong 5 năm tới. Liên tục từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng mạnh trong thời gian gần đây: Năm 2010 đạt hơn 27,3 tỷ USD, 8 tháng đầu năm hơn 21,8 tỷ USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Trung Quốc, Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Từng bước cân bằng cán cân thương mại là mục tiêu mà hai bên đang hướng tới. Về hợp tác quốc phòng, chúng ta hài lòng nhận thấy, thời gian qua đã có nhiều chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng hai nước và trao đổi đoàn ở các cấp. Quan hệ giao lưu, hợp tác, phối hợp tuần tra liên hợp trên biển, trên bộ giữa hải quân, biên phòng và mới đây là Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh được đẩy mạnh.
Khánh thành cột mốc 1116 tại cửa khẩu hữu nghị Lạng Sơn. Ảnh nguồn QĐND
Khánh thành cột mốc 1116 tại cửa khẩu hữu nghị Lạng Sơn. Ảnh nguồn QĐND
Các hoạt động đó cùng với các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp cơ sở của các đơn vị đã góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa quân đội hai nước, cũng như quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp. Quan hệ quốc phòng thực sự là một trong những trụ cột trong quan hệ hai nước. Không chỉ các hoạt động ngoại giao Nhà nước diễn ra sôi nổi, trong năm qua, các hoạt động ngoại giao nhân dân, giao lưu trên nhiều hình thức giữa các hội hữu nghị, các tổ chức, các cơ quan nghiên cứu cũng diễn ra nhộn nhịp, mang lại sức sống mới cho quan hệ hữu nghị hai nước. PV:Trong dòng chảy tốt đẹp ấy, hai bên vẫn còn một số điểm bất đồng, ví dụ như vấn đề Biển Đông. Với tư cách là đại diện ngoại giao cao nhất của Trung Quốc tại Việt Nam, đồng chí có thể làm gì để thúc đẩy giải quyết những vấn đề hai bên còn có nhận thức khác nhau, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy hòa bình, hữu nghị giữa hai nước?Đại sứ Khổng Huyền Hựu: Trước hết tôi cảm ơn câu hỏi thẳng thắn của đồng chí. Tôi cho rằng để giải quyết những vấn đề còn nhận thức khác nhau, cả hai bên cần trao đổi với nhau một cách thẳng thắn. Người Trung Quốc có câu: Sự thẳng thắn là cơ sở để hiểu biết nhau. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam có lập trường riêng đối với vấn đề Biển Đông; Trung Quốc cũng có lập trường riêng về vấn đề này. Hai bên không thể áp đặt lập trường của mình với nước khác. Vấn đề Biển Đông là vấn đề khó khăn, phức tạp, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Tôi cho rằng muốn giải quyết vấn đề này, hai bên cần nắm chắc nguyên tắc, tôn trọng lẫn nhau, kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình vì ổn định và sự phát triển của mỗi nước cũng như toàn khu vực, không làm phức tạp thêm tình hình. Chính phủ hai nước có trách nhiệm làm cho nhân dân mỗi bên hiểu rõ quan điểm của mình trong cách thức giải quyết, chỉ rõ cần làm thế nào để giải quyết một cách hiệu quả và đúng đắn. Không thể để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước. Tôi hy vọng, hai bên sẽ xử lý và giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hai bên đã thương lượng với nhau, giải quyết tốt vấn đề đường biên giới trên đất liền. Cần phát huy những kinh nghiệm đó để cùng nhau giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại.
Đoàn cựu chiến binh Trung Quốc thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh nguồn QĐND
Đoàn cựu chiến binh Trung Quốc thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh nguồn QĐND
Đối với các thông tin chính thống về lập trường của Đảng, Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán chúng tôi có nhiệm vụ đưa tin một cách đúng đắn và kịp thời. Đây cũng là trách nhiệm của tôi trên cương vị Đại sứ. Trong tương lai, công tác này phải tăng cường hơn nữa.PV: Một câu hỏi riêng tư. Đại sứ và gia đình có đón Tết ở Việt Nam hay không? Việc đón Tết của gia đình Đại sứ có điều gì đặc biệt, nhất là trong bữa cơm ngày Tết, gia đình Đại sứ có các món cổ truyền của Việt Nam như bánh chưng không?
Đại sứ Khổng Huyền Hựu:
Tôi ở Việt Nam, vì vậy sẽ đón Tết hoàn toàn theo phong tục tập quán của Việt Nam. Tôi rất hy vọng có thể trải nghiệm niềm vui đón Tết ở Việt Nam. Cho dù Bắc Kinh và Hà Nội chênh nhau một giờ, nhưng đó không phải là trở ngại. Tết Nguyên đán là nét văn hóa của cả hai dân tộc chúng ta, đây là dịp để nhân dân hai nước tìm hiểu, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau.
PV:Ngoài các tấm gương tiêu biểu của các cựu chuyên gia, cựu chiến binh, học giả, thanh niên trong và ngoài quân đội… ở hai nước đã được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân, vẫn còn rất nhiều tấm gương, rất nhiều sự việc tiêu biểu cho tình hữu nghị Việt – Trung còn chưa được đề cập. Trên cương vị là Đại sứ, đồng chí có thể tạo điều kiện cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân tiếp tục đi sâu tìm hiểu đời sống nhân dân Trung Quốc, các doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn thành đạt và tham gia các hoạt động xã hội vì lợi ích cộng đồng hay các gương sáng trong quân đội Trung Quốc…?

Đại sứ Khổng Huyền Hựu:
Chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân viết về mọi mặt sinh hoạt của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong quân đội Trung Quốc. Trên thực tế, những thông tin về các chủ đề này rất phong phú.
Trong 62 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, có rất nhiều câu chuyện  cảm động về tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Tôi hy vọng báo chí, đặc biệt là Báo Quân đội nhân dân, sẽ phát hiện và đăng tải những câu chuyện đó. Những câu chuyện, tấm gương đó sẽ giúp nhân dân hai nước thêm hiểu và gắn bó với nhau. Cá nhân tôi, trên cương vị Đại sứ, tôi sẽ làm hết sức mình vun đắp tình hữu nghị Việt Trung.PV: Xin cảm ơn đồng chí Đại sứ!

Theo QĐND