Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ thừa nhận xây căn cứ quân sự tại quần đảo Trường sa

18/04/2015 07:56
Đông Bình (nguồn Tin tức Trung Quốc)
(GDVN) - Thôi Thiên Khải tuyên truyền "lập trường Trung Quốc" trong vấn đề Biển Đông, thừa nhận xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa, lòe bịp "dịch vụ công"...
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Thôi Thiên Khải
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Thôi Thiên Khải
Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 17 tháng 4 dẫn trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, ngày 16 tháng 4 năm 2015, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã có mặt ở một cuộc hội thảo hợp tác an ninh quốc tế Trung-Mỹ do Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc tổ chức ở Washington để tuyên truyền toàn diện “lập trường của Trung Quốc” về vấn đề Biển Đông.

Theo Thôi Thiên Khải, lập trường này của Trung Quốc “không thay đổi trong mấy chục năm qua và trong tương lai cũng sẽ không thay đổi”.

Thôi Thiên Khải xuyên tạc và đe dọa: “Chúng tôi kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của mình, đồng thời đã giữ kiềm chế rất lớn. 

Yêu cầu Trung Quốc từ bỏ quyền lợi hợp pháp, khuất phục yêu cầu vô lý của một số bên là hoàn toàn không công bằng. 

Bất cứ ai không nên ảo tưởng có thể dùng ‘hiện trạng’ đơn phương áp đặt cho Trung Quốc, cũng không nên ảo tưởng có thể không ngừng xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc mà không gánh lấy bất cứ hậu quả gì”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, xâm lược một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1988, 1995…, cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012, đem giàn khoan và một lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014… - PV.

Trong tương lai, Trung Quốc vẫn có ý đồ xâm chiếm nốt các hòn đảo còn lại trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” vẽ bậy và phi pháp. Trung Quốc đang ra sức chế tạo tàu chiến, máy bay các loại phục vụ cho ý đồ này, đây là điều không nên ảo tưởng về Trung Quốc – PV.

Hình ảnh xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Gạc Ma và một số đá ngầm khác bị Trung Quốc cướp năm 1988, làm cho 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh
Hình ảnh xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Gạc Ma và một số đá ngầm khác bị Trung Quốc cướp năm 1988, làm cho 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh

Thôi Thiên Khải tuyên truyền: “Trung Quốc luôn nỗ lực thông qua đối thoại và đàm phán ngoại giao để giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, đã cùng với các nước ASEAN đưa ra ‘quan điểm song đôi’, quan điểm này phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế liên quan, được hầu hết các nước ASEAN ủng hộ. 

Trung Quốc và các nước ASEAN có lợi ích chung rộng rãi trên phương diện bảo vệ thịnh vượng, ổn định tổng thể của khu vực, những ràng buộc để chúng tôi đoàn kết mạnh hơn nhiều những bất đồng giữa chúng tôi”.

Về hoạt động lấn biển xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở một số đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Thôi Thiên Khải ngang nhiên cho rằng: “Điều này hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, không nhằm vào và cũng sẽ không ảnh hưởng tới bất cứ nước nào khác. 

Mục đích là để hoàn thiện chức năng liên quan của đảo đá, để cung cấp dịch vụ cho tàu thuyền qua lại của Trung Quốc, các nước láng giềng và các nước khác như tránh gió, hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, quan trắc dự báo khí tượng biển, dịch vụ nghề cá. Chúng tôi cũng rất coi trọng bảo vệ môi trường biển”.

Trên thực tế, Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Sách sử chính thống, bản đồ chính thức qua các triều đại Trung Quốc đã minh chứng cho điều này. Bắc Kinh không thể bác bỏ được di sản từ cha ông họ - PV.

Theo Thôi Thiên Khải: “Cơ sở quân sự trên đảo đá đều mang tính phòng ngự. Nếu những đảo đá này không có cả năng lực tự vệ thì làm sao cung cấp dịch vụ cho người khác? Nếu Trung Quốc không thể bảo vệ chủ quyền của mình thì làm sao có thể gánh vác nhiều hơn trách nhiệm bảo vệ ổn định của tình hình quốc tế? 

Tăng cường xây dựng năng lực của Trung Quốc ở Biển Đông đã cung cấp dịch vụ công cho các bên, cũng có lợi cho bảo vệ an ninh, ổn định và tự do hàng hải của Biển Đông”.

Như vậy, lời của Thôi Thiên Khải đã thừa nhận, Trung Quốc đang xây dựng phi pháp “cơ sở quân sự” ở quần đảo Trường Sa, đồng thời cho thấy, Trung Quốc đang viện cớ “cung cấp dịch vụ công” (ra vẻ tốt đẹp) để thực hiện ý đồ của họ. 

Trên thực tế, rất nhiều nước trong đó có Nhật Bản đang rất lo ngại về “dịch vụ công” của Trung Quốc, nhất là trong tình hình Trung Quốc vừa gia tăng tranh đoạt lãnh thổ vừa nói mồm “cung cấp dịch vụ công” - PV.

Trung Quốc đang xây dựng phi pháp sân bay, bến cảng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn: mạng Đài tiếng nói nước Đức)
Trung Quốc đang xây dựng phi pháp sân bay, bến cảng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn: mạng Đài tiếng nói nước Đức)

Thôi Thiên Khải tuyên truyền chính sách “hòa bình” của Trung Quốc: “Lập trường trên phải đặt ở khuôn khổ lớn của chính sách ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc để hiểu. 

Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập, tự chủ và chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, điều này quyết định bởi các mục tiêu và lợi ích, truyền thống văn hóa của chúng tôi, quyết tâm kiên trì đi con đường phát triển hòa bình của chúng tôi”.

“Trung Quốc luôn là người khởi xướng tích cực của hợp tác quốc tế, người ủng hộ kiên định của hòa bình thế giới. Sự thực chứng minh, Trung Quốc càng mạnh thì càng có thể gánh trách nhiệm quốc tế tốt hơn, đóng góp cho ổn định khu vực và toàn cầu. Bất cứ ai chỉ cần cùng chúng tôi nỗ lực cho xây dựng cộng đồng khu vực thì căn bản không cần lo ngại”.

Trên thực tế, Trung Quốc càng mạnh, họ càng tập trung cho tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng, ví dụ như những năm gần đây liên tiếp cho quân xâm nhập khu vực biên giới do Ấn Độ kiểm soát; 

Khác với trước đây, những năm gần đây, Trung Quốc đã mạnh bạo cho tàu cảnh sát biển, tàu chiến xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, thậm chí lãnh hải đảo Senkaku (do Nhật Bản kiểm soát) để tiến hành cái gọi là “tuần tra” - PV.

Ngoài ra, Trung Quốc càng mạnh càng thấy hung hăng, hăm dọa trên Biển Đông, cho quân xuống tận bãi ngầm James “tuyên bố chủ quyền, tuyên thệ chiến đấu”, càng ngày càng tập trung áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” lố bịch, thậm chí đòi hút dầu ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam v.v… Những bằng chứng là rất nhiều và không thể kể hết – PV.

Trung Quốc ra sức chế tạo tàu chiến để tranh đoạt biển đảo, trong đó có tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 (trong hình), tàu đổ bộ, tàu đệm khí, tàu ngầm...
Trung Quốc ra sức chế tạo tàu chiến để tranh đoạt biển đảo, trong đó có tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 (trong hình), tàu đổ bộ, tàu đệm khí, tàu ngầm...

Về “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”, Thôi Thiên Khải cho rằng: “Trung Quốc là một trong những nước gia nhập và phê chuẩn công ước sớm nhất, Trung Quốc hoan nghênh nhiều nước hơn trong đó có Mỹ gia nhập công ước. 

Điều cần làm rõ là, thứ nhất công ước theo dự tính ban đầu hoàn toàn không giải quyết tranh chấp lãnh thổ, điều này có trình bày rõ ràng trong lời tựa của công ước; thứ hai, công ước không trao quyền lợi cho bất cứ nước nào tiến hành đến gần trinh sát cường độ cao ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã không tôn trọng chủ quyền và quyền lợi biển của nước khác trên Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. 

Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp, không có bất cứ bằng chứng lịch sử và pháp lý thích hợp, rõ ràng nào, đã cướp đảo trong nhiều thời điểm, lại còn đòi chiếm luôn cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông. 

Đây là một sự thật về ý đồ, hành động bành trướng của Trung Quốc không thể chấp nhận được, bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển - PV.

Tại cuộc hội thảo này, Thôi Thiên Khải còn nói về quan hệ Trung-Mỹ, cho rằng: “Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chung trong việc ứng phó với các thách thức an ninh toàn cầu, hai nước và các nước khác cùng có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, ổn định của thế giới, làm cho thế giới an toàn hơn. 

Trao đổi và hiệp thương của hai nước trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu đang không ngừng sâu sắc thêm, góp phần để hai bên cùng xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Nhưng, so với nhu cầu, trách nhiệm và tiềm năng cùng ứng phó với các thách thức an ninh quốc tế, điều chúng ta làm còn lâu mới đủ, cần làm nhiều hơn, tốt hơn”.

“Then chốt Trung-Mỹ tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh toàn cầu là tư duy và quan niệm. Chúng ta cần thích ứng với tình hình mới của thế kỷ 21 hay cho rằng thế giới cần quản lý như thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20? 

Chúng ta tìm kiếm hợp tác cùng thắng hay tiếp tục đánh cờ trong trò chơi tổng bằng không? Chúng ta cần khởi xướng quan niệm an ninh mới chung, toàn diện, hợp tác, bền vững hay thông qua hy sinh lợi ích của người khác để tìm kiếm an ninh tuyệt đối? 

Chúng ta thông qua quan hệ đối tác có nền tảng rộng rãi để cùng hợp tác, ứng phó có hiệu quả các vấn đề toàn cầu có liên quan đến lợi ích chung hay vẫn cố giữ lấy đồng minh kiểu Chiến tranh Lạnh hẹp hòi, cuối cùng trái lại đã trói buộc tầm nhìn và sự lựa chọn của chúng ta, làm cho thế giới trở nên vụn vỡ, không an toàn hơn?”.

“Sự lựa chọn của Trung Quốc là rõ ràng, sẽ tiếp tục đi con đường phát triển hòa bình, thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập, tự chủ. 

Trung Quốc kiên định nỗ lực cùng Mỹ xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng. 

Chúng tôi hy vọng Mỹ cũng có thể đưa ra quyết định chính xác tương tự, không tiếp tục bị những lo ngại, nghi ngờ, sợ hãi vô căn cứ trói buộc tay chân, mà cùng Trung Quốc nỗ lực”.

Trên đây là toàn bộ những phát biểu có nhiều “mỹ từ” gây chú ý và quan ngại từ Thôi Thiên Khải – Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, quan chức ngoại giao nổi đình nổi đám với nhiều tuyên bố ngang nhiên mang “đặc sắc Trung Quốc”.

Tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ quy mô lớn để đánh chiếm đảo đá (ảnh tư liệu)
Tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ quy mô lớn để đánh chiếm đảo đá (ảnh tư liệu)
Đông Bình (nguồn Tin tức Trung Quốc)