Đại tá Trung Quốc: Việt Nam cần 2 loại vũ khí Mỹ uy hiếp láng giềng?!

20/08/2014 13:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Việt Nam không bành trướng hay phô diễn sức mạnh cơ bắp như ai nên không có chuyện Việt Nam uy hiếp láng giềng, nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền.
Đỗ Văn Long.
Đỗ Văn Long.

Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey đang là tâm điểm chú ý của truyền thông Trung Quốc với những bình luận đầy ác ý và xuyên tạc. Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19/8 cho biết, chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long, một đại tá Trung Quốc đã bình luận trên truyền hình quốc gia CCTV về chuyến thăm này.

Nội dung được Bắc Kinh chú ý nhất trong chuyến thăm Việt Nam của tướng Martin Dempsey là khả năng Mỹ nới lỏng hoặc bãi bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Theo ông Long, Việt Nam sẽ tranh thủ đề nghị mua một số vũ khí tấn công của Mỹ, từ đó để tạo ra  mối uy hiếp với lực lượng hải không quân của "các quốc gia xung quanh"?! Bình luận này của Đỗ Văn Long phải chăng muốn tạo ra hình ảnh một Việt Nam "hiếu chiến" và biến Việt Nam thành "mối đe dọa" với các nước láng giềng?

Dư luận thừa hiểu trong các bên yêu sách ở Biển Đông, thì duy chỉ có Trung Quốc là hung hăng gây hấn, bất chấp thủ đoạn, bẻ cong luật pháp quốc tế nhưng miệng vẫn thao thao nói lời chính nghĩa, rao giảng hòa bình. Nếu nói về các mối đe dọa trên Biển Đông thì dã tâm bành trướng và các hoạt động phi pháp của Trung Quốc với sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng hiện nay mới là điều đáng lo ngại nhất, không chỉ với Việt Nam mà với cả khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. 

Việt Nam không bành trướng hay phô diễn sức mạnh cơ bắp như ai nên không có chuyện Việt Nam uy hiếp láng giềng, nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông và sẽ sẵn sàng đáp trả thích đáng những kẻ nào xâm lược - PV.

Theo Đỗ Văn Long, Mỹ cấm vận xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam từ năm 1984, nhưng vài năm trở lại đây lệnh cấm này đã dần được nới lỏng, đặc biệt là quyết định của chính quyền Tổng thống Bush năm 2007 cho phép tùy tình hình có thể bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, duy chỉ có vũ khí hủy diệt thì bị hạn chế.

Đỗ Văn Long cho rằng Việt Nam sẽ cần 2 loại vũ khí của Mỹ, một loại vũ khí trang bị để tập trung bảo vệ lợi ích của Việt Nam, một loại có tính uy hiếp với lực lượng hải - không quân của "các nước xung quanh", chủ yếu là vũ khí tấn công. 

Tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện ngày càng thường xuyên trên Biển Đông, phô trương sức mạnh cơ bắp và uy hiếp, đe dọa láng giềng. Đặc biệt Trung Quốc kéo cả tàu chiến máy bay ra khu vực giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện ngày càng thường xuyên trên Biển Đông, phô trương sức mạnh cơ bắp và uy hiếp, đe dọa láng giềng. Đặc biệt Trung Quốc kéo cả tàu chiến máy bay ra khu vực giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Cụ thể hơn, viên Đại tá này cho rằng Việt Nam đang mong muốn có được các vũ khí hải - không quân và trang bị lưỡng thê đổ bộ. Hiện tại đại bộ phận trực thăng của Việt Nam đang sử dụng là UH-1 có từ thời Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam. Nếu mua được trực thăng vũ trang tấn công A-10 hay Apache AH-64 thì năng lực tác chiến tầm thấp của Việt Nam sẽ được nâng cao đáng kể, khả năng trinh sát các mục tiêu ở Biển Đông cũng gia tăng nhanh chóng.

Ngoài ra Việt Nam đặc biệt cần các loại tàu, xuồng có tính năng tác chiến đổ bộ như tàu lưỡng thê đổ bộ lớp Wasp hoặc các loại xuồng đổ bộ khác. Có được những vũ khí này thì năng lực bảo vệ lợi ích của mình và khả năng tấn công của Hải quân Việt Nam sẽ phát triển mạnh. Ngoài ra Việt Nam có thể mua radar, thông qua hoạt động trinh sát phạm vi rộng để nâng cao khả năng kiểm soát, trinh sát Biển Đông từ trên cao.

Nguyễn Tông Trạch, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc thì cho rằng quan hệ hợp tác quân sự Việt - Mỹ ấm lên là dấu hiệu Mỹ can dự sâu hơn vào Biển Đông.

Ông Trạch cho rằng Mỹ đã tự mâu thuẫn khi nói rằng không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông, trong khi lại đang tìm cách trở thành "bên thứ 3 ở Biển Đông". Nguyễn Tông Trạch và các học giả Trung Quốc cố lờ đi 2 thực tế, một là ngay từ năm 2010 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi đó đã tuyên bố Mỹ có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông nên không thể nói Mỹ là người ngoài ở Biển Đông như ý muốn chủ quan của Bắc Kinh; 

Thứ 2, việc Mỹ can dự vào Biển Đông để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình không liên quan gì đến lập trường trung lập "không nghiêng về bên nào" của Mỹ, vì đó là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau - PV.

Xung quanh quan hệ Việt - Mỹ, Nguyễn Tông Trạch bình luận, Mỹ đang muốn nắm chặt lấy Việt Nam để tiện can dự sâu hơn vào Biển Đông. Ông Trạch cho rằng thực lực quân sự và kinh tế của Việt Nam thuốc top đầu của Đông Nam Á, Việt Nam lại có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng trấn thủ Đông Nam bán đảo Đông Dương. Quan hệ Mỹ - Việt trở nên thân thiết là chỉ dấu cho thấy Mỹ sẽ còn can thiệp sâu hơn nữa vào Biển Đông.

Hồng Thủy