Đám cưới không phải là nơi phô trương sự giàu sang!

10/03/2012 07:40
Cao Tuân
(GDVN) - Một loạt "siêu" đám cưới được tổ chức. Các đại gia tung bạc tỷ phô trương sự giàu có của mình, công chúng cũng đã được dịp bàn tán, khen chê...

Những ngày gần đây, vấn đề nóng nhất được người dân quan tâm nhiều vẫn là hàng loạt những đám cưới “siêu sang” được tổ chức. Những "kỷ lục" được lập ra với đoàn rước dâu siêu xe cả trăm chiếc, và sự có mặt của các siêu ca sĩ Việt Nam và hải ngoại…


Siêu đám cưới tại Hà Tĩnh khiến sư luận xôn xao
Siêu đám cưới tại Hà Tĩnh khiến sư luận xôn xao

>>Xem cận cảnh dàn siêu xe trong đám cưới của đại gia đất Thái Nguyên

>>Điểm lại những đám cưới kỷ lục, đình đám nhất Việt Nam


Khủng hơn, đám cưới tại Cần Thơ, thiếu gia cưới vợ cũng bằng đoàn siêu xe toàn Rolls-Royce Phantom, Bentley Flying Spur Speed, Ferrari F430, trong đó chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý 3333 trị giá hàng vài chục tỷ đồng. Bà chủ cưới vợ cho con, cũng là nữ đại gia miền Tây Phạm Thị Diệu Hiền chi tiền không tiếc tay, thậm chí còn “dọa” mượn máy bay của “bầu Đức” để rước dâu cho con trai.
Nhiều người cho rằng, đám cưới bây giờ không còn là nghi lễ thiêng liêng, trang trọng của tình yêu đôi lứa nữa mà thực chất là nơi để người ta khoe của, cách vung tiền hoang phí của các bậc thượng lưu, giàu có?. 
Để dư luận xã hội có cái nhìn toàn cảnh nhất về sự việc ở góc độ tâm lý, Báo GDVN đã có cuộc trò chuyện cùng Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Vừa qua, bạn đọc phản ứng khen có, chê có về những đám cưới "đình đám" tại Cần Thơ, Hà Tĩnh, Thái Nguyên… Với góc độ là chuyên gia tâm lý, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này, liệu đó có phải là hiện tượng "chơi ngông" của các bậc đại gia, thượng lưu giàu có?

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Đám cưới là hình thức có trong văn hóa truyền thống lâu đời để mọi người chứng kiến lễ kết hôn của những đôi nam nữ. Mục đích của nó là công khai cho họ hàng, anh em và mọi người biết đến và cùng chung vui.


Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà: "Nhiều đám cưới bây giờ không còn là nét văn hóa đẹp truyền thống". (Ảnh Lê Mai)
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà: "Nhiều đám cưới bây giờ không còn là nét văn hóa đẹp truyền thống". (Ảnh Lê Mai)

Văn hóa cưới xin của dân tộc ta rất cao quý và giản dị. Tuy nhiên, vừa qua những đám cưới bạc tỷ được tổ chức đã để lại dư âm không tốt khiến mọi người kêu ca nhiều. Đám cưới mà quá cầu kỳ, phô chương là không nên vì nó không đúng truyền thống đạo lý của dân tộc ta.
Đặc biệt, ở một vùng quê miền Trung nghèo khó thì việc bà Liễu tổ chức đám cưới "hoành tráng" cho con trai như vậy là rất phí phạm và cần phải suy nghĩ lại!.
Phóng viên: Bà Liễu cho rằng, việc bà tổ chức đám cưới lớn như vậy là muốn bù đắp tình cảm cho con trai. Bởi vợ chồng bà ly hôn, bà thường xuyên xa nhà do công việc. Đây là dịp để bà dành sự quan tâm, tình cảm đặc biệt dành cho con trai và con dâu, ông nhận xét như thế nào về việc này?
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Đó là suy nghĩ hoàn toàn lệch lạc, sai trái dù là ngụy biện cho hành vi của mình. Bởi một người mẹ, tình cảm dành cho người con lớn hơn cả tiền bạc là tạo điều kiện để con trở thành một người thành đạt, sống hữu ích và cống hiến cho xã hội. 
Nói như bà Liễu, bà có thể tổ chức đám cưới cho con trai đến 50 tỷ đồng thì bà hoàn toàn có điều kiện lo cho cuộc sống của con trai đến cuối đời. Như vậy là hại con, người con sẽ sống ỷ nại và rồi rất có thể “nhàn cư vi lại bất thiện”. Và chắc rằng sau cái đám cưới tiền tỷ ấy, con trai và con dâu bà đều bị mang vạ bởi tai tiếng “khoe khoang” của cải nữa.
Phóng viên: Việc các gia chủ mời những ngôi sao nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung… tham gia trong tiệc cưới khiến dư luận bàn tán nhiều, có người đồng tình vì đây là dịp để người dân thưởng thức, có người cho rằng như vậy chơi chơi ngông. Ông có đồng tình với ý kiến này không?
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Theo tôi đám cưới nó là nghi lễ thiêng liêng lắm, không nên quá cầu kỳ, không phải đám cưới là nơi để mình thể hiện. Nếu gia dình bà Liễu giàu có, bà ấy có nhiều việc làm để nâng cao đời sống người dân thiết thực hơn. Ví dụ như bà xây nhà hát ở địa phương hay tổ chức những cuộc diễn văn nghệ và mời các ca sỹ tham gia để làm từ thiện. Như vậy chẳng phải rất ý nghĩa và vẫn được người dân địa phương cảm kích, ca tụng và sẽ hay hơn rất nhiều không. 

Nhưng đó là suy nghĩ của mỗi người, có thể ngay lúc đó bà ấy chưa nghĩ ra ngay được, nhưng sau câu chuyện này có lẽ không chỉ bà Liễu và rất nhiêu người lắm của nhiều tiền khác nữa sẽ suy nghĩ lại việc mình làm và nên làm để không phải hoang phí tiền của nữa mà họ vẫn hưởng trọn niềm vui, con cái họ vẫn hạnh phúc và chẳng phải nghe những lời ra tiếng vào về cách mình làm...
Xin trân thành cảm ơn Nhà tâm lý học, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa!
Cao Tuân