"Dân chủ lộn xộn" và giáo dục lịch sử

28/12/2015 10:17
Hồng Thủy
(GDVN) - Lòng yêu nước, tình yêu dân tộc và sự tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống đã được xác định là mục tiêu chính của hệ thống giáo dục chính thức Nhật Bản.

The Wall Street Journal ngày 27/12 đưa tin, Nhật Bản đang chuẩn bị triển khai trở lại việc giảng dạy các giá trị đạo đức truyền thống của đất nước vào trường học, khôi phục các giá trị đã bị xem nhẹ sau sự chiếm đóng của Hoa Kỳ hậu Chiến tranh Thế giới II.

Thủ tướng Shinzo Abe trong lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, ảnh: NPR.
Thủ tướng Shinzo Abe trong lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, ảnh: NPR.

Đây là một phần nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe và đồng minh được The Wall Street Journal xếp vào phe "bảo thủ" nhằm thúc đẩy chiến lược xây dựng một đất nước Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, tự hào hướng tới tương lai. Những quan điểm báo Mỹ xem là "cấp tiến" phản đối việc sửa đổi sách giáo khoa lịch sử và bắt buộc hát quốc ca trong các nhà trường.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã xây dựng các nguyên tắc giáo dục khuyến khích tinh thần yêu nước, yêu lịch sử Nhật Bản cũng như truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc, bao gồm cả tôn giáo Shito cổ đại, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp, sống tử tế và biết tự kiềm chế bản thân.

Hướng dẫn mới về việc giáo dục lịch sử, truyền thống trong các nhà trường cấp tiểu học và trung học Nhật Bản sẽ được bắt đầu thực hiện từ năm 2018. Nó được xây dựng trên cơ sở Huấn lệnh Giáo dục năm 1890 của Hoàng đế Meiji và đã được tích hợp vào sách giáo khoa.

Sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe được nhiều người dân Nhật Bản chào đón. Họ nhìn thấy mối liên hệ giữa các giá trị tự do cá nhân của phương Tây với tình trạng suy thoái đạo đức học đường trong giới trẻ Nhật Bản. Điển hình là tình trạng các vụ hành hung học đường, phạm pháp lứa tuổi vị thành niên và lộn xộn học đường ngày càng phổ biến.

Shigeki Kaizuka, một giáo sư từ Đại học Musashino ủng hộ chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe. Ông bình luận: "Giáo viên và học sinh trở nên bình đẳng, dẫn đến mất trật tự trong lớp học. Các lớp học đã trở nên hỗn độn, tạo môi trường cho các hành vi bắt nạt".

Các cuộc thăm dò cho thấy, đa số người dân Nhật Bản ủng hộ ý tưởng tăng cường giáo dục các giá trị truyền thống và lịch sử, đạo đức cho học sinh. Đạo đức được coi là chủ đề quan trọng nhất trong các trường học thời kỳ Đế quốc, mà trọng tâm là Huấn lệnh Giáo dục năm 1890.

Thủ tướng Shinzo Abe coi trọng việc giáo dục các giá trị lịch sử, đạo đức, truyền thống dân tộc trong học đường, ảnh: The Wall Street Journal.
Thủ tướng Shinzo Abe coi trọng việc giáo dục các giá trị lịch sử, đạo đức, truyền thống dân tộc trong học đường, ảnh: The Wall Street Journal.

Tài liệu này chứa một loạt các nhân sinh quan đạo đức Nho giáo, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tân tâm, trung thành với Hoàng đế, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì quốc gia, dân tộc. Sau Chiến tranh Thế giới II, chính quyền do nước ngoài dựng lên đã loại bỏ Huấn lệnh Giáo dục với lý do đây là nguồn gốc của sự tuân thủ vô điều kiện, xác tín luân lý giúp thúc đẩy chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản.

Năm 1947, chính phủ Nhật sau chiến tranh thông qua Luật Giáo dục cơ bản được thiết kế để tăng cường các giá trị dân chủ, tự do theo Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến. Tuy nhiên, việc hướng về các giá trị đạo đức truyền thống trong nhà trường vẫn là mục tiêu của "phe bảo thủ" Nhật Bản, theo cách gọi của The Wall Street Journal.

Một chương trình giảng dạy đạo đức đã được "làm dịu" so với Huấn lệnh Giáo dục 1890 đã được đưa trở lại nhà trường sau khi kết thúc sự chiếm đóng của nước ngoài vào năm 1958 và vẫn được duy trì đến hôm nay. Tuy nhiên nó chỉ có thời lượng một tiết học một tuần và không được tách riêng ra, cũng không có sách giáo khoa riêng.

Năm 2006 khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên, ông Shinzo Abe đã chủ trì soạn thảo phiên bản đầu tiên của Luật Giáo dục và mở ra cánh cửa cho sự trở lại của các giá trị truyền thống. Lòng yêu nước, tình yêu dân tộc và sự tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống đã được xác định là mục tiêu chính của hệ thống giáo dục chính thức Nhật Bản.

Tuy nhiên, những quan điểm phản đối ý tưởng này cho rằng đưa các giá trị truyền thống, đạo đức, lịch sử quay trở lại học đường là một sự "thụt lùi". Atsuko Tsuruta, một Giáo sư nghỉ hưu từng giảng dạy tại Đại học Sacret Heart ở Tokyo cho rằng, khi các trường học Nhật Bản nhấn mạnh sự tôn trọng đối với chính quyền và các quy định, luật lệ nó sẽ dẫn đến tình trạng "phục tùng".

"Nền giáo dục trước chiến tranh ca ngợi sự tuân phục như một đức tính, đặc biệt là đối với phụ nữ. Mọi người tránh bày tỏ ý kiến của họ. Phê bình đã không được khuyến khích", bà Tsuruta nhận xét. Vị giáo sư này bác bỏ quan điểm cho rằng thế giới học đường Nhật Bản ngày nay đang "hỗn loạn". Theo bà: "Đó là những ý nghĩa của dân chủ. Dân chủ là một cái gì đó lộn xộn."

Ngoài ra, cũng có những quan điểm phản đối chương trình này. Liên minh Giáo viên Nhật Bản phản đối chương trình giáo dục mới với lý do, đánh giá đạo đức truyền thống của học sinh sinh viên là buộc các giá trị này vào họ.

Hiroaki Akaike, người phát ngôn của tổ chức này cho rằng thay vì tập trung vào giảng dạy lòng yêu nước, chính phủ nên tập trung vào việc tạo việc làm cho thanh niên Nhật Bản.

Hồng Thủy