Dân Đường Lâm lại trả danh hiệu

27/09/2013 09:54
Theo Thanh Niên
(GDVN) - Sau 4 tháng kể từ lá đơn đầu tiên, hôm 25.9, người dân lại lần nữa viết đơn xin trả danh hiệu làng cổ Đường Lâm.

Khổ và buồn

Chiếc cầu thang cụt. Phần mái tôn úp dở dang thay cho một mảng mái bằng. Nhìn từ dưới lên, ngôi nhà của bà Hà Thị Khanh trông không giống một chỗ trú lâu dài. Nó nóng hầm hầm vào mùa hè, và thấm lạnh khi trời trở gió. Đó là ngôi nhà đã bị “cưa ngọn” khi vi phạm trật tự xây dựng của làng cổ Đường Lâm. Bà Khanh cũng chính là một trong những người đã ký tên vào lá đơn xin trả lại danh hiệu di sản văn hóa của ngôi làng này. “Quyết tâm giả lần thứ hai vì chúng tôi ở làng cổ này chúng tôi thấy khổ lắm”, bà Khanh nói.

Dân làng Mông Phụ đến nhà nhau, bàn việc trả lại danh hiệu làng cổ - Ảnh: Phương Thúy
Dân làng Mông Phụ đến nhà nhau, bàn việc trả lại danh hiệu làng cổ - Ảnh: Phương Thúy

Chuyện ở làng cổ khổ thế nào thì không chỉ bà Khanh nói. Khách du lịch đến thăm đi nghênh ngang ngoài đường làm bà và dân làng không có lối mà đi. Con cháu về làng ăn giỗ nếu không mua vé thì phải cử người nhà ra tận cổng đón. Xây một cái nhà vệ sinh cũng đủ người đến hỏi và đòi đập. Làm nghề nông, họ chỉ có vài sào lúa, vài sào ngô thì cũng cần chỗ để phơi. Chỗ phơi lấn chỗ ở thành ra phải xây cao lên, mà xây cao lên thì không được phép. Chưa kể, lợn gà cũng không có chỗ mà nuôi, phải ra chợ mua. “Từ ngày trả lại lần thứ nhất đến giờ không thấy tác động gì. Có cho họp thì toàn cán bộ họp với nhau. Cho nên chúng tôi quyết định trả lại làng cổ lần thứ hai để dân được tự do”, bà Khanh nói.

Còn theo ông Phan Văn Đối, danh hiệu di sản đã thay đổi toàn bộ đời sống làng ông. Chỉ nói về cái tên đã khác nhau. Làng ông vốn là làng Mông Phụ. Nhưng khi cùng với mấy làng nữa được di sản văn hóa dưới cái tên Đường Lâm thì làng ông mất tên. Người ta đến Mông Phụ mà vẫn gọi Đường Lâm. Tự dưng bị một cú sốc văn hóa là mất tên làng, ông và nhiều người buồn. “Bốn tháng rồi kể từ ngày gửi đơn trả danh hiệu lần thứ nhất, chưa có gì đâu. Hỏi các ông chờ đến bao giờ chứ. Chờ cả đời à. Phải có mốc để chúng tôi có tương lai mà chờ chứ. Nhân dân chúng tôi chờ giả lại danh hiệu, vì nó chả lợi ích gì cho chúng tôi. Chúng tôi trả lại” - ông Đối nói.

Điệp khúc chờ và xa dân

Trong khi dân không biết có phải chờ cả đời không, thì ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Đường Lâm - cho biết hội đồng thẩm định đã thông qua quy hoạch 1/2.000, và hiện đang trình Bộ VH-TT-DL xin thỏa thuận quy hoạch này. Song song với quy hoạch trên, Sơn Tây cũng đang trình quy định quản lý quy hoạch. Tháng 9 vừa rồi, quy định quản lý cũng đã được thông qua.

Lá đơn xin trả lại danh hiệu lần hai của dân Đường Lâm
Lá đơn xin trả lại danh hiệu lần hai của dân Đường Lâm

“Quy hoạch này chúng tôi đã thông qua tháng 8 vừa rồi. Dân góp ý trực tiếp. Có niêm yết 30 ngày tại nhà văn hóa của 5 thôn. Do vậy dân đồng tình về đồ án quy hoạch làng”, ông Sơn nói.

Về kinh phí, theo ông Sơn, phía Sơn Tây đã đề nghị Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí bảo tồn với nhà cổ. Nhà loại 3 loại 2 - 3 tầng khuyến cáo hạ tầng, nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ công tháo dỡ, vật liệu. Khi tháo dỡ dân thiếu đất sẽ có giãn dân. Nếu dân có nhu cầu xây loại 4, nhà nước hỗ trợ 30 - 50% kinh phí.

Như vậy, nếu quy hoạch trên được thông qua thì người dân sẽ có khả năng được quyền xây dựng để cuộc sống đỡ chật chội trong khi di sản vẫn giữ được cảnh quan. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm chủ yếu ở tiến độ, như người dân vẫn canh cánh, chờ đến bao giờ.

“Dự án quy hoạch làng cổ theo đề nghị lãnh đạo có nhiều phát sinh vì liên quan luật Di sản, luật Xây dựng... Chúng tôi đang cố gắng”, ông Sơn giải thích quy trình. “Sau đó sẽ còn phải làm dự án những ngôi nhà mẫu nữa. Rồi sau quy hoạch phê duyệt thì còn làm thêm quy hoạch 1/500 bằng sa bàn. Bất cứ người dân nào nhìn sa bàn cũng biết nhà mình được thế nào. Rồi có một dự án nữa là cơ chế cho làng cổ, đang xây dựng”.

Thủ tục sẽ phải chờ từng đó khâu. Nhưng chưa hết. Đất giãn dân hiện cũng còn chưa thuận. Đó là khu đồi Trung thôn Phụ Khang, chủ yếu là đất đồi trồng hoa màu, không trồng chuyên lúa. Theo ông Sơn, người dân đang chê khu đất đó xa làng cũ. Chưa kể, nếu ra đó còn phải đóng tiền sử dụng đất. Dù chính quyền cũng có ý định giãn tiền sử dụng đất ra, mỗi năm người dân sẽ chỉ phải đóng mấy chục triệu thôi, thì đó hẳn là một khoản lớn với người dân làm nghề nông.

Những nghi ngại trên, cùng với việc ông Sơn khẳng định đã công khai quy hoạch, còn người dân vẫn tiếp tục nói không được họp bàn cho thấy, ở Đường Lâm việc gần dân vẫn còn là câu chuyện dài kỳ.

Sẽ có nhà mẫu

Theo quy hoạch, nhà ở Đường Lâm được chia làm 4 loại.

Loại 1, loại 2 là các nhà cổ tùy theo niên đại sẽ được bảo tồn.

Loại 3 là nhà xây 2 - 3 tầng làm mất cảnh quan di tích - loại này sẽ được vận động để hạ thấp độ cao.

Loại 4 là nhà truyền thống, nhà cấp 4. Nhà loại 4 này trong khu vực 1 thì quy hoạch cũng mở ra việc cho xây dựng. Bộ VH-TT-DL đã thỏa thuận cho xây 7,5 m. Độ cao này thì có thể xây được thêm tầng lửng để đáp ứng người dân sống trong di tích và sẽ có nhà mẫu để đáp ứng cảnh quan làng cổ.

Theo Thanh Niên