Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Dân mạng “dậy sóng” với việc phạt nặng xe không chính chủ

10/11/2012 11:31
Nguyễn Huệ
(GDVN) - Hôm nay (10/11), CSGT CATP Hà Nội bắt đầu thực hiện phạt nặng xe không sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng.

Công an Thành phố Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Theo đó, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.

Chỉ sau ít giờ thông tin này được đăng tải trên một fanpage có tên Giao Thông Việt Nam đã làm dấy lên “làn sóng” của cư dân mạng facebook với 849 lượt chia sẻ, 555 lượt like, 1200 comment.

Chính sách mới của Bộ Giao thông Vận tải đã tạo nên làn sóng trong cư dân mạng.
Chính sách mới của Bộ Giao thông Vận tải đã tạo nên làn sóng trong cư dân mạng.

Rất nhiều ý kiến lo lắng của các thành viên mà chủ yếu là sinh viên vì thời gian từ khi họ biết thông tin tới khi Luật được áp dụng vào thực tế quá ngắn. Bạn có nick name Nấm Rơm bàng hoàng: “Bố em mua xe cho em, nhưng lấy tên của bố. Em mang ra Hà Nội đi ba năm nay. Trước ra đường chả lo nghĩ gì, nhưng giờ thì bắt đầu phân vân rồi. Mới hôm qua em đọc được thông tin, hôm nay áp dụng luôn nên em không biết thế nào bây giờ?”.

Bạn Ngốc Không Anh cũng tự đặt ra cho mình câu hỏi với tâm lý hoang mang: “Trời ạ… Thế thì xe của tôi sao đây? Nếu phạt thì sinh viên như bọn tôi chắc chỉ có nước ra đường mà ở thôi…”.

Cũng chung tâm trạng lo lắng như các thành viên của fanpage, nick name Thành Hoàng chia sẻ: “Chẳng thông báo gì, thực thi luôn thế này bọn em không chuẩn bị kịp các bác ạ. Thế này thì xe đứng tên phụ huynh, con cái đi có bị phạt không?”.

Bạn Pham Quoc Tam mếu máo: “Xe mình mua cách đây 15 năm mà bố đứng tên. Giờ bố mình mất rồi, mình chưa tìm được hướng giải quyết…”.

Không quá gay gắt, bạn Scvg Eclipse phân tích thực trạng đời sống của người dân Việt Nam để làm phép so sánh: “Hà Nội là nơi dân tứ xứ về làm ăn sinh sống, những nhà không có điều kiện họ chỉ có một cái xe để đi lại, kiếm sống. Mặt khác, mức sống của người dân Việt Nam đa phần chỉ ở mức trung bình, không thể có điều kiện sắm đến 2 - 3 cái xe máy. Nói đơn giản, đi ở cự li trung bình vài km cũng phải sắm 1 cái xe máy riêng ạ? Có hợp lí không???”.

Trong một bức thư của cư dân mạng gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải - Đinh La Thăng, chỉ sau ít giờ được đăng tải trên fanpage cũng nhanh chóng gây sự chú ý với cư dân mạng. 2352 lượt chia sẻ, 9236 lượt like, 2450 lượt comment là con số cập nhật sau 10 giờ bức thư này được đăng tải lên. Báo Giáo dục Việt Nam xin được trích đăng nội dung bức thư này:

Không ít người đã tỏ ra lo lắng khi thời gian Luật được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tới khi được thực thi quá ngắn.
Không ít người đã tỏ ra lo lắng khi thời gian Luật được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tới khi được thực thi quá ngắn.

“…Thưa bác, cháu hoàn toàn đồng ý với việc phải làm nghiêm việc sang tên đổi chủ này để các bác có thể quản lý được số xe đang lưu thông trên đường phố, nó sẽ giúp cho các bác thuận lợi hơn trong quá trình điều tra các vụ án, và hơn nữa việc sang tên đổi chủ sẽ làm giảm được thất thu thuế của nhà nước. Nhưng...

Nếu xét rộng ra, Việt Nam có 87 triệu dân, khoảng 30 triệu người có phương tiện giao thông là ô tô hoặc xe máy, nhưng trong số đó có bao nhiêu người không phải là chủ sở hữu của chiếc xe mình đang đi?

Sinh viên: 90% sinh viên chưa tự kiếm được đủ tiền để có thể mua 1 chiếc xe máy, chỉ là mượn tạm xe của bố mẹ để đi học, nếu sang tên đổi chủ thì sau này trả lại bố mẹ, lại sang tên lần nữa hay sao?

Người đi làm: Có rất nhiều người mua xe cũ để tiết kiệm tiền, có những chiếc xe đã qua 3 - 4 đời chủ, việc tìm lại chủ cũ là rất khó khăn để có thể sang tên, thậm chí có gặp thì chắc gì họ đã bỏ công đi làm thủ tục sang tên với mình. Ấy là còn chưa kể chủ cũ đã qua đời, bay ra nước ngoài, hoặc đơn giản là chiếc xe đăng ký ở miền Bắc, còn chủ đã bay vào miền Nam sinh sống, lúc ấy phải tìm họ thế nào?

Người lái xe thuê: Lái xe taxi dùng xe của công ty hay tự mua xe? Người lái xe tải đâu có tiền tỉ để mua 1 chiếc xe thùng? Người lái xe buýt tự mua xe và tự lái???

Còn rất nhiều trường hợp nữa mà chắc chắn không thể giải quyết ngay được. Bác thử nghĩ xem, nếu luật này được áp dụng vào ngày mai thì có bao nhiêu người sẽ biết đến luật, khi bị kiểm tra thì khác nào việc đánh úp người dân?

Kể cả tất cả đều có ý thức sang tên đổi chủ đi chăng nữa, liệu trong vài ngày họ có kịp làm thủ tục sang tên đổi chủ? Đồng nghĩa với việc ngày mai 10/11/2012 có hàng triệu người phạm luật giao thông trên đường…”.

Theo những thông tin mới nhất từ các thành viên của fanpage Giao Thông Việt Nam thì thời điểm này trên đường đã “ngập” bóng áo vàng của các chú Cảnh sát Giao thông. Bạn có nick name Anh Hoang cho biết ở “Cửa Nam, Nguyễn Khuyến bắt nhiều lắm”.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng Phòng CSGT TP. Hà Nội cho biết: "Đối với những trường hợp cho mượn, khi cho mượn xe thì chủ phương tiện phải giao cho người có đầy đủ giấy tờ để có thể điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật: Giấy phép lái xe, Bảo hiểm xe…”.

Đối với những người mượn xe thì cần phải có giấy ủy quyền của chủ phương tiện hoặc phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần phải có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh… Nhưng khi những người mượn xe vi phạm các quy định về luật giao thông thì vẫn bị xử lý như bình thường.

Đại tá Thắng cho biết, đối với những trường hợp khi lực lượng Cảnh sát Giao thông phát hiện người điều khiển phương tiện nói dối (mua xe mà chưa sang tên đổi chủ) thì sẽ bị phạt theo quy định mà không bị giữ xe. 

Đối với một số trường hợp vì lý do nào đó mua lại xe từ người khác mà chưa kịp làm thủ tục sang tên đổi chủ trong thời gian quy định thì sẽ nhắc nhở. Nếu vi phạm quá lâu rồi thì sẽ phạt.

Đại tá Thắng khẳng định: “Việc xử lý các phương tiện không sang tên đổi chủ hiện nay là cần thiết nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế của nhà nước, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, xử lý tai nạn giao thông nhanh chóng. Đồng thời người dân cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông”. 
Nguyễn Huệ