Đạn pháo xe tăng kiểu mới

29/09/2012 17:14
Theo QĐND
Các loại xe tăng chủ lực hiện đại được trang bị phổ biến 4 loại đạn pháo chính gồm: Đạn nổ phá; đạn xuyên động năng; đạn xuyên lõm; đạn tên lửa có điều khiển.
Các loại xe tăng chủ lực hiện đại được trang bị phổ biến 4 loại đạn pháo chính gồm: Đạn nổ phá; đạn xuyên động năng; đạn xuyên lõm; đạn tên lửa có điều khiển.

Từ thực tế trên chiến trường những năm gần đây, nhằm mở rộng khả năng tác chiến của xe tăng và đối phó hiệu quả hơn với các loại mục tiêu như máy bay bay thấp; nhóm phục kích sử dụng vũ khí chống tăng cá nhân... một số quốc gia như I-xra-en, Mỹ, Nga, Đức...

đã và đang nghiên cứu phát triển một số loại đạn pháo tăng mới (đạn nổ phá mảnh tác động dọc trục; đạn tấn công gần; đạn caset và đạn xuyên giáp với đầu nổ tự tạo thành) với các cỡ 105mm, 120mm, 125mm để đưa vào trang bị cho các loại xe tăng chủ lực như: Merkava; M1A1/A2; T-90 và Leopard 2.

Đạn nổ phá mảnh tác động dọc trục (đạn tạo dòng mảnh định hướng) là loại đạn pháo mà trong đầu đạn ngoài khối thuốc nổ mạnh (HE) còn bố trí ngăn chứa các phần tử sát thương chuẩn bị sẵn (GPE). Đó là các viên bi hình cầu, hình trụ hoặc khối đa giác sắc cạnh hoặc đinh nhọn... có khối lượng xác định, làm bằng thép hợp kim cứng.

Khi đầu đạn nổ trên đường bay sẽ tạo ra dòng các phần tử sát thương có hướng dọc trục đầu đạn với vận tốc từ 400m/s đến 500m/s để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất hoặc trên không. Ngòi nổ của đạn hầu hết là ngòi nổ không tiếp xúc, được điều chỉnh thời điểm phát nổ phù hợp với tình huống chiến đấu. Với khối lượng của khối GPE là 2,5kg; góc mở của trường mảnh định hướng là 100; đạn nổ cách mục tiêu 20m; vòng cung tạo mảnh 3,5m thì diện tích sát thương rộng 38m2 để tiêu diệt các mục tiêu có cấp độ bảo vệ khác nhau.

Xe tăng Leopard 2 đã và đang được trang bị các loại đạn kiểu mới. Ảnh: ST.
Xe tăng Leopard 2 đã và đang được trang bị các loại đạn kiểu mới. Ảnh: ST.

Đạn tấn công gần: Đây là loại đạn chuyên dùng để sát thương, tiêu diệt bộ binh và các tay súng chống tăng nằm bắn trong công sự hở khi xe tăng chiến đấu ở khoảng cách gần từ 200m đến 500m.

Viên đạn tấn công gần giống như các loại đạn pháo tăng khác nhưng bên trong chứa hơn 1000 viên bi thép hợp kim vonfam hoặc tungsten có độ cứng cao. Cụ thể, viên đạn dài 780mm, khối lượng 22,9kg (riêng đầu đạn nặng 11kg).

Sau khi đầu đạn được bắn ra khỏi miệng nòng pháo với vận tốc hơn 1.400m/s, ngòi nổ của đạn được điều chỉnh sẵn phát nổ ở cự ly từ 200m đến 500m để phóng hộp bằng nhôm chứa các viên bi thép ra khỏi đầu đạn.

Với vận tốc cao, chùm các viên bi bị văng về phía trước để sát thương mục tiêu. Đạn pháo tăng tấn công gần cỡ 120mm do quân đội Mỹ nghiên cứu phát triển đã được sử dụng thử tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan và I-rắc.

Đạn caset (APAM): Là loại đạn pháo xe tăng lưỡng dụng (còn gọi là đạn chùm), do Tập đoàn IMI của I-xra-en phát triển. Đạn sử dụng để tiêu diệt, sát thương đội hình bộ binh đang xung phong hoặc ẩn nấp, mai phục sau công sự sử dụng vũ khí chống tăng cá nhân; bắn máy bay trực thăng đang bay treo hoặc bắn phá công sự bê tông, tường dày của tòa nhà.

Hình dáng đạn APAM giống như một viên đạn pháo thông thường, nhưng có 6 mô-đun đạn con được xếp sát nhau trong đầu đạn. Phần đầu được lắp ngòi nổ không tiếp xúc kiểu điện tử. Phía sau là hạt nổ để tạo áp suất đẩy pit-tông về phía sau tác động vào chùm các đạn con làm nổ hạt nổ phía đuôi đạn, đẩy bung đế đạn và phóng rải các mô-đun đạn con.

Nhờ ngòi nổ kiểu áp điện, các đạn con bị kích nổ tạo các chùm mảnh văng với tổng khối lượng gần 5kg để sát thương mục tiêu ở phía dưới. Riêng kiểu đạn APAM cỡ 120mm có thể phóng rải tạo mảnh trên diện tích 50m x 20m. Đạn APAM cỡ 105mm đã được trang bị cho xe tăng M60 và các xe tăng trang bị pháo cỡ 105mm của I-xra-en. Đạn APAM cỡ 120mm được trang bị cho xe tăng Merkava và M1 Abrams.

Đạn xuyên giáp với đầu nổ tự tạo thành (EFP): Là một dạng đặc biệt của đầu đạn xuyên lõm được thiết kế để xuyên phá giáp dày đến 100mm ở khoảng cách 200m. Khi lượng nổ lõm của đầu đạn nổ cùng với lớp kim loại ốp trên bề mặt sẽ tạo ra lõi xuyên dạng hình chày. Khối lượng và năng lượng của chày phụ thuộc vào góc mở của kim loại ốp.

Để tạo thành chày xuyên đầy đủ góc này phải lớn hơn 1000 hoặc có hình chỏm cầu và độ dày của lớp kim loại phải dày hơn so với lớp kim loại của đầu đạn xuyên lõm.

Thông thường, khối lượng của luồng phụt đạn xuyên lõm chiếm 75% khối lượng kim loại ốp, nhưng ở đầu đạn EFP khối lượng của chày xuyên chiếm đến 95% khối lượng kim loại ốp. Sau khi bị nén, chày có đường kính bằng khoảng 1/4 đường kính ban đầu của đầu đạn và chiều dài gần bằng đường kính chày.

Vận tốc của chày đạt đến 2,5km/s, thậm chí đến 3,5-5,0km/s vượt đáng kể vận tốc của đạn xuyên động năng. Đầu đạn EFP được ứng dụng cho các loại đạn pháo, tên lửa và bom chống tăng chuyên dùng để tấn công vào nóc xe tăng của đối phương. Đầu đạn EFP thường được chế tạo ở dạng mô-đun đạn con gắn với thiết bị tự động phát hiện mục tiêu bằng ra-đa sóng milimet hoặc sen-sơ hồng ngoại.

Theo QĐND