Dân sành cà phê không tin... "Cà phê thật"

18/03/2013 15:05
Theo Đất Việt
Những người dân ở vùng đất cà phê Buôn Ma Thuật khẳng định: "... các sản phẩm cà phê được quảng cáo rầm rộ với những mỹ từ rất “kêu”, nhưng đến khi uống thử thì chất lượng cũng không đúng như họ quảng cáo! Tốt nhất là cứ thử rồi mới chọn loại nào mình thích".
Tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013, nhiều doanh nghiệp đã tung ra những chiêu quảng cáo nhằm thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm của mình là thật, hảo hạng. Tuy nhiên hiệu quả của những phương thức quảng cáo ấy được đến đâu thì các doanh nghiệp lại chưa lường tới được với dân sành cafe. Ông Hoàng Văn Bình (trú tổ 2, xã Ea H’leo, Đắk Lắk) chia sẻ: “Lễ hội cà phê năm nay có rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp cà phê tham dự, nhưng tôi đến đây ngoài việc tham quan còn muốn thử các sản phẩm cà phê độc đáo tại đây. Nói thật thấy các sản phẩm cà phê được quảng cáo rầm rộ với những mỹ từ rất “kêu”, nhưng đến khi uống thử thì chất lượng cũng không đúng như họ quảng cáo! Tốt nhất là cứ thử rồi mới chọn loại nào mình thích". Cũng chung quan điểm với ông Bình, chị Đoàn Thị Hải, một chủ doanh nghiệp từ TP.HCM lên tham dự lễ hội cũng cho biết: “Thấy quảng cáo trên tivi những loại cà phê với thương hiệu cả nổi tiếng lẫn chưa có tên tuổi, nhưng mình cũng muốn thử xem có thật là những sản phẩm này đúng như khi họ quảng cáo hay không! Thật ra mình cũng không mấy khi tin vào quảng cáo lắm, chủ yếu là mình tự lựa chọn theo cảm quan của mình!” Chính vì thế, các sản phẩm của cà phê Trung Nguyên, Thu Hà, Nescafe, Maccoffee và một số nhãn hiệu khác đã khéo léo tiếp thị bằng cách liên tục mời du khách thưởng thức cà phê miễn phí, cùng với sự tư vấn trực tiếp khi khách hàng đang cầm trên tay ly cà phê của mình. Cách thức quảng bá thương hiệu này đã gây được thiện cảm với khách hàng, khi họ vừa được thưởng thức cà phê đúng chất, vừa được chiêm ngưỡng quá trình chế biến và pha chế cà phê tận mắt để đảm bảo cà phê họ uống là thật.
Nhiều người tiêu dùng thường không lựa chọn cà phê từ sự quảng cáo, mà chủ yếu chỉ theo khẩu vị của mình.
Nhiều người tiêu dùng thường không lựa chọn cà phê từ sự quảng cáo, mà chủ yếu chỉ theo khẩu vị của mình.
Trao đổi với phóng viên ngay tại lễ hội, nhiều người nghiền cà phê đã chia sẻ kinh nghiệm về cách lựa chọn cà phê của riêng mình. Ông Nguyễn Mạnh Lý, một chủ vườn cà phê tại Krông Buk, Đắk Lắk cho biết: “Tôi trồng và uống cà phê đã nhiều năm nay rồi, nhưng tôi vẫn thích lựa chọn những hạt cà phê trong vườn nhà mình để uống thôi. Bột cà phê nguyên chất có màu nâu, đồng đều chứ không có màu đen thui như bột pha bắp rang, đậu nành rang cháy mà mấy quán cà phê vỉa hè hay bán!”. Nhiều khách hàng nghiền cà phê cũng cho biết rằng thường những quán cà phê lề đường, ngoài vỉa hè, hay những ly cà phê giá với kiểu cách kinh doanh chụp giật nên họ nhẫn tâm rang bắp, rang đậu nành, rang hạt muồng đen, gạo rang đến cháy khét và thêm nhiều phụ gia độc hại vào cho giống cà phê để bán cho người khác. Chính vì thế, nhiều người dân ở Tây nguyên khi thưởng thức cà phê đều có chung một sự khắt khe, họ yêu cầu cà phê pha phin nguyên chất khi pha ra phải có màu cánh gián chứ không phải màu đen, nước cà phê trong chứ không đục. Nhiều người có kinh nghiệm thưởng thức cà phê lâu năm cho biết, những năm trước 1990, khi cà phê nguyên liệu thiếu và đắt đỏ, nên hầu hết các cơ sở chế biến cà phê đã sử dụng bắp và một số loại hạt với giá thành rẻ mạt pha trộn vào để tạo ra một loại cà phê gia rẻ bán cho mọi người. Cùng với đó, để mỗi loại cà phê có hương vị riêng, nên một số cơ sở chế biến cà phê đã sử dụng những chất phụ gia khác như rượu, bơ, hạt cau, thậm chí cả nước mắm được cho vào cà phê nhằm làm cho vị cà phê của mình có sự khách biệt. Hiện tượng này kéo dài đã tạo nên gu cà phê bị pha tạp trên thị trường cà phê rang xay. Càng về sau, gu này càng khuyến khích các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng vào việc tìm kiếm các chất pha trộn rẻ tiền hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà không chú ý vào việc đầu tư cho công nghệ và kỹ thuật chế biến. Ông Tùng, chủ một quán cà phê trên đường Lê Duẩn, TP.Buôn Ma Thuột (gần nơi diễn ra Lễ hội cà phê năm nay) thẳng thắn thừa nhận: “Có nhiều loại cà phê giá rẻ chỉ bằng một nửa hay một phần ba so với các loại cà phê có tiếng khác, thời gian đầu vì ham rẻ nên tôi cũng sử dụng, nhưng sau thấy khách phàn nàn quá nên bỏ, chỉ sử dụng cà phê Trung Nguyên, Thu Hà, Mê Trang hoặc một số loại khác mà chính bản thân tôi kiểm nghiệm và thấy tin tưởng. Đến bây giờ thì quán tôi chỉ toàn khách quen, bởi họ đã tin tưởng vào khẩu vị mà tôi đã lựa chọn!” Ngay chính ông Tùng cũng cho biết cà phê thực sự có mùi thơm rất tự nhiên, nhẹ nhàng mà tinh tế, đó là thứ mùi dễ chịu khác với mùi cà phê “hương liệu” gay gắt nồng nặc thô thiển của cà phê có pha tạp chất. Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên của một hãng cà phê (yêu cầu không nêu tên) cho biết: “Với loại cà phê khi chế ra ly mà có màu đen sậm, thì hãy coi chừng có phẩm nhuộm công nghiệp trong nhuộm vải sợi, rất độc hại cho sức khỏe. Họ dùng phẩm nhuộm phân tán để tạo màu và hương cà phê chứ chẳng có cà phê gì hết. Hoặc nguy hiểm hơn là có chất tạo bọt Sodium Lauryl Sulfat người dùng mà không chú ý rất dễ mang bệnh vào người!” Các doanh nghiệp lớn hơn, kể cả doanh nghiệp có tên tuổi cũng sử dụng chất độn nhưng đang gian dối, không công bố hoặc công bố không chính xác, đầy đủ trên bao bì đóng gói. Trong khi đó những cách thức quảng cáo sản phẩm của mình lại luôn là cà phê sạch, cà phê thật khiến người tiêu dùng như bị “tung hỏa mù”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Đất Việt