"Đề án trụ sở Bộ GT 12000 tỉ đồng đi ngược lại chiến lược quốc gia"

03/05/2012 05:34
Trần Thiết
(GDVN) - “Vì chúng ta không biết chi phí cụ thể cho trụ sở như thế nào nên chúng ta không thể hoàn toàn nói Bộ GTVT làm như vậy là lãng phí. Nhưng xét về tổng thể thì tôi cảm thấy là chi phí này đi ngược lại chiến lược của một quốc gia, chiến lược của bộ máy quản lý quốc gia”. 
Ngược lại chiến lược của quốc gia

Những ngày qua, khi đề án liên quan đến kế hoạch xây dụng trụ sở của bộ GTVT được Bộ trưởng Bộ GTVT duyệt, đã có nhiều ý kiến xoay quanh nguồn vốn cho kế hoạch này. Để có cái nhìn toàn diện hơn, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển về vấn đề này.
Nói về số vốn cần cho việc xây dựng trụ sở của Bộ GTVT, tổng cục và các cục trực thuộc bộ, TS. Đinh Thế Hiển nói: “Khi ta nghe một số tiền lớn như vậy thì ai cũng sốc vì trụ sở được xây dựng bằng cả tỷ đô la và khi chia ra cho 3 năm thì cũng đến hàng triệu đô la. Tất nhiên, sự đánh giá này chỉ là quan điểm vì chúng ta không được xem chi tiết chi phí xây dựng trụ sở bởi vì đôi khi đó là nhà xưởng làm việc có những thiết bị làm việc… để cho công việc của Bộ GTVT. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Trong khi đó chúng ta thấy chi phí dành cho giao thông hàng năm là rất lớn nên tỷ lệ đó trên tổng chi phí đầu tư là không lớn nếu như không thuần túy là trụ sở mà còn là nơi làm việc mang tính trực tiếp phục vụ công việc cho quá trình đầu tư các dự án giao thông. Và vì chúng ta không biết chi phí cụ thể cho trụ sở như thế nào nên chúng ta không thể hoàn toàn nói Bộ Giao thông vận tải làm như vậy là lãng phí. Nhưng xét về tổng thể, tôi cảm thấy là chi phí này đi ngược lại chiến lược của một quốc gia, chiến lược của bộ máy quản lý quốc gia”.
Ông Hiển phân tích: “Cụ thể, xu thế của thế giới và Việt Nam là ngày càng giảm vai trò trực tiếp quản lý của bộ máy nhà nước mà chỉ còn bộ máy gián tiếp quản lý. Vai trò của các tổng cục sẽ được tích hợp lại để tránh quản lý chồng chéo. Và do đó, nhu cầu về văn phòng, trụ sở của bộ máy quản lý nhà nước của Bộ GTVT chắc chắn sẽ giảm đi.
Đồng thời các thiết bị truyền thông, hệ thống máy tính phục vụ cho công việc ngày càng thu hẹp các phòng làm việc. Đã từng có một công ty xây trụ sở rất lớn nhưng sau khi đi vào hoạt động thì họ bị thừa từ 50 – 60% về diện tích do có sự tiến bộ về công nghệ thông tin và phòng ban giảm đi rất nhiều. Và theo xu hướng đó thì nhu cầu về đầu tư xây dựng trụ sở phải nhỏ đi. Từ đó có thể thấy việc xây dựng trụ sở lớn của Bộ GTVT có gì đó chưa ổn xét về mặt chiến lược phát triển, quản trị nhà nước”.
“Còn xét về tình hình hiện nay, trong khi chính phủ đang yêu cầu thắt chặt các khoản chi phí gián tiếp – tức là những khoản chi phí không trực tiếp tạo ra hàng hóa, không trực tiếp giúp cho việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và tiết kiệm chi phí đầu tư nhà nước. Và Bộ GTVT đưa ra đề án đúng vào 3 năm bản lề của việc thắt chặt tiền tệ cho những đầu tư gián tiếp để đưa vào chi phí trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Rõ ràng là Bộ GTVT không uyển chuyển trong việc này, không có nỗ lực đưa một “kịch bản” khác đáp ứng với chiến lược bây giờ mà vẫn đưa một kịch bản theo kiểu phù hợp với bộ thôi. Có vẻ Bộ GTVT chưa thể hiện sự tích cực đối với chiến lược chung của chính phủ trong những năm bản lề của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế”. TS. Hiển phân tích thêm.

Bài toán Bộ GTVT đưa ra là quá đơn giản
Nói về sự hoạch định nguồn vốn của bộ GTVT, ông Hiển cho biết: “Bình thường, Bộ GTVT luôn nói thiếu nguồn vốn trong việc duy trì, bảo dưỡng, xây dựng các công trình giao thông. Chính vì từ việc thiếu đó nên bộ mới đề xuất thu gián tiếp qua các khoản lệ phí làm cho những đối tượng có thể không phải chịu trực tiếp chi phí đó vẫn phải thu.

Xét về tổng thể, Bộ GTVT chưa thực sự có một chiến lược chủ động và quyết liệt trong vấn đề giải quyết bài toán thâm hụt vốn và cho nền kinh tế. Bài toán bộ giao thông đưa ra là quá đơn giản. Việc tăng thu của bộ giao thông không dựa trên quy luật của kinh tế thị trường mà dựa trên các quyết định hành chính tức là qua các loại thuế phí. 
Như vậy, việc cân đối thu chi của Bộ GTVT chỉ làm khó thêm cho chính sách tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng giá trị sản xuất. Nếu chúng ta có một phương án vốn chủ động hơn tức là dựa vào sự phát triển kinh tế để ta thu dần dần - nuôi dưỡng nguồn thu tức là mức thu nhẹ thì các doanh nghiệp làm ăn có lãi, có lợi nhuận cao sẽ nộp thuế. Điều này dẫn đến thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế doanh nghiệp nhiều và cái đó sẽ quay trở lại cho chính phủ phát triển giao thông.

Còn cơ chế vốn hiện nay là cứ tăng phí giao thông thì các doanh nghiệp phải bán hàng hóa đắt lên. Khi hàng hóa đắt lên và làm hẹp thị trường khiến ngân sách nhà nước bị thu hẹp. Điều đó cho thấy chiến lược vốn của Bộ GTVT chưa mang tính thị trường, chưa đồng nhịp với đề án tái cấu trúc kinh tế. Nếu hoạch định hành chính như vậy thì quá đễ, ai cũng có thể làm được. Bộ thiếu thì thu và đến người dân thì người dân thu ở đâu? Thuế VAT, thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân giảm thì nguồn thu của ngân sách cũng giảm. Chính nguồn vốn dành cho giao thông cũng bị giảm”.

Vấn đề là quyết định của Quốc hội, Chính phủ
Khi được hỏi về sự phản đối của nhiều người dân đối với đề án này của Bộ GTVT trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Hiển nói: “Vấn đề không phải là dư luận có để yên hay không mà vấn đề là các chuyên gia tư vấn của chính phủ và Chính phủ có chấp nhận đề án này hay không rồi đến Quốc hội. Còn về người dân thì mỗi người có một quan điểm nhưng đó là từng cái nhìn của con người không chuyên nghiệp.

Chính phủ đang xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có việc giảm thâm hụt vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất và Quốc hội cũng đang giám sát vấn đề này trong đó có việc thắt chặt những lĩnh vực gián tiếp để đưa vốn vào khu vực trực tiếp sản xuất ra hàng hóa. Rõ ràng đề án này không phù hợp với đề án của chính phủ thì chắc chắn các chuyên gia tư vấn cho chính phủ và Chính phủ không thông qua. Bộ cũng nằm trong chính phủ và chắc chắn các vị trong ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cũng không thông qua trong bối cảnh hiện nay”. 
Trần Thiết