Để cái chết hồi sinh sự sống

03/03/2017 14:10
Thủy Phan
(GDVN) - Với suy nghĩ sau khi mình chết đi, sự sống của mình sẽ được hồi sinh dù trong một cơ thể khác, các em đã cầm bút viết vào tờ đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Cuộc sống sẽ thêm một lần ý nghĩa

Hiến tạng, ghép tạng đã mở ra nhiều cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Đằng sau đó, câu chuyện của những người hiến tạng khiến ai cũng xúc động với quan niệm sống: "Hiến tạng để chết đi rồi vẫn có ích, để thân xác này không còn là cát bụi".

Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Ngọc Hải Hà - Hai sinh viên trường Đại học Quảng Bình tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Ngọc Hải Hà - Hai sinh viên trường Đại học Quảng Bình tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Chúng tôi gặp hai sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng (Khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử) và Trần Ngọc Hải Hà (Khoa Sư phạm Ngữ văn) của trường Đại học Quảng Bình trong một ngày đầu xuân.

Giữa cái lạnh đến tê tái, chúng tôi như được sưởi ấm khi nghe những chia sẻ ấm áp của Hùng và Hà, hai trường hợp ít ỏi tại tỉnh Quảng Bình đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết với mong muốn : “Để cái chết có ý nghĩa hồi sinh sự sống”.

Nguyễn Mạnh Hùng đến từ mảnh đất Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ở quê em, việc hiến tặng mô, tạng là một điều chưa từng có và đối với nhiều người, đó còn là một điều rất “khủng khiếp” bởi quan niệm “chết phải toàn thây” đã ăn sâu vào trong tâm trí mỗi người dân.

Vì vậy, để đi đến quyết định này, Hùng đã trải qua biết bao đêm trằn trọc suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng và không thể tránh được sự phản đối của gia đình.

Hùng tâm sự: “Nhiều năm trước, em đã từng tìm hiểu việc hiến tặng mô, tạng, hiến xác cho y học. Khi đó, em nghĩ sau này em đủ trưởng thành em sẽ làm như vậy.

Cho đến khi đọc được thông tin kêu gọi của Bộ Y tế, em đã không ngần ngại đăng ký. Thế nhưng để đi đến quyết định này, em cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều”.

Mỗi lần nhìn thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng, Hùng lại thấy quyết định của mình là đúng đắn.
Mỗi lần nhìn thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng, Hùng lại thấy quyết định của mình là đúng đắn.

Không chỉ vậy, khi đem ý định này tâm sự với gia đình, Hùng đã vấp phải sự phản đối từ bố mẹ. Mới đầu, bố mẹ Hùng đã khá sốc, nhưng rồi dần dần họ cũng hiểu ra và hoàn toàn tôn trọng, ủng hộ quyết định của con trai.

“Bố em đã nắm tay em nhắn nhủ rằng, ba mẹ không thể ở bên con mãi mãi được. Người sẽ gắn bó với con suốt đời là vợ con sau này. Do vậy, lúc nào con tìm được người gắn bó với mình cả đời, con phải chia sẻ thẳng thắn và làm thế nào đó để nhận được sự đồng thuận từ vợ con”, Hùng kể. 

Cho đi là còn mãi

Cũng như Hùng, cô sinh viên trẻ Trần Ngọc Hải Hà cũng đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết.

Ở trường, Hà thường xuyên tham gia vào các câu lạc bộ thiện nguyện thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Từ đó, em phần nào thấu hiểu được ý nghĩa nhân văn khi sự sống được hồi sinh bởi những tấm lòng nhân ái.

Hà kể, em từng có một người bạn thân qua đời khi tuổi còn rất trẻ vì không may mắc bệnh hiểm nghèo. Bạn ấy mất đã mang theo bao ước mơ, hoài bão còn dang dở.

Nhiều lúc Hà nghĩ, nếu ngày trước bạn em cũng như nhiều bệnh nhân may mắn khác được ghép tạng thì biết đâu hôm nay, bạn ấy đã có thể được sống, được thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Sự ra đi của người bạn thân đã ám ảnh Hà suốt những tháng ngày sau đó.

Năm học lớp 11, khi xem được một chương trình truyền hình về tấm gương hiến tạng cứu người, trong Hà đã lóe lên một suy nghĩ, đến khi đủ 18 tuổi, em sẽ đăng ký hiến tạng phục vụ y học. Tháng 6/2016, Hà đã đặt bút viết vào tờ đơn đăng ký hiến mô, tạng.

“Dù em đã nghĩ tới điều này từ rất lâu, nhưng đến lúc thực hiện em cũng đã phải mất cả một tuần để suy nghĩ rồi mới đi đến quyết định cuối cùng.

Nhưng bây giờ, khi cầm trên tay tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, em luôn thấy mình đã quyết định đúng.

Ai rồi cũng phải chết và rồi cũng trở về với cát bụi. Cuộc sống sẽ thêm một lần ý nghĩa khi dù chết đi rồi nhưng vẫn mang đến sự sống cho những người còn cơ hội được sống.

Nếu ai cũng có suy nghĩ rằng, sau khi mình chết đi, sự sống của mình sẽ được hồi sinh dù trong một cơ thể khác, thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn và sẽ có biết bao bệnh nhân được cứu sống”, Hà chia sẻ.

Được biết, ở trường cả Hùng và Hà đều là những thành viên tích cực của CLB Giọt hồng, đồng thời là thành viên CLB Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện Quảng Bình.

Trong những năm tháng học tập tại trường, các em đều là những sinh viên năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động xã hội, các phong trào tình nguyện, hiến máu cứu người.

Ngoài Hùng và Hà, còn có em Hoàng Trung Đức (sinh viên năm 3, khoa Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Quảng Bình) cũng đã tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết.

Tương lai còn ở phía trước nhưng có một điều chắc chắn rằng, ngọn lửa nhân văn mà các em đang thắp lên đã và đang được truyền lại cho chính những người thân, bạn bè của các em.

Thủy Phan