Để người dân phá rừng phòng hộ ở Đông Triều là do chủ rừng

07/07/2018 07:41
LÃ TIẾN
(GDVN) - Người dân không được biết diện tích rừng được giao là rừng phòng hộ, còn “chủ rừng” lúng túng trong việc quản lý và nhận lỗi khi để xảy ra việc chặt phá rừng.

Liên quan đến việc chặt phá rừng phòng hộ thuộc địa phận xã An Sinh, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), chúng tôi đã tìm đến các hộ dân được giao rừng để tìm hiểu bản chất của vụ việc.

Không biết là rừng phòng hộ   

Ông Vũ Trí Trường (sinh năm 1966, ở bản Vua Bà, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang) là một trong số nhiều hộ dân canh tác rừng từ năm 1991.

Đến khoảng năm 2005, các lực lượng Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Nam, Lâm trường tiến hành giao rừng cho gia đình ông canh tác theo Nghị định 327. “Khi giao rừng, cán bộ ép dân phải nhận”, ông Trường nói.

Ông Trường cho biết, gia đình ông được giao khoán hơn 30 ha rừng, trong đó có hơn 7 ha rừng trước đây tỉnh Bắc Giang quản lý được cắt về tỉnh Quảng Ninh quản lý. Diện tích rừng này thuộc địa bàn thôn Tân Tiến, xã An Sinh (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).

Rừng phòng hộ tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) bị phá tan, đốt trọc. (Ảnh: Lã Tiến)
Rừng phòng hộ tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) bị phá tan, đốt trọc. (Ảnh: Lã Tiến)

Sau khi nhận rừng, ông Trường vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng theo lịch sử, vẫn trồng keo, bạch đàn và quản lý bình thường.

Theo ông Trường, trước đây có tình trạng người dân đốt, chặt phá rừng để trồng lúa, trồng ngô. “Sau khi nhận rừng, chúng tôi phải đầu tư khoảng 30 triệu đồng để trồng, chăm sóc 1 ha rừng (trong thời gian 3 năm). Khi cây đến độ thu hoạch, chúng tôi lại khai thác để tận thu và trồng cây mới”, ông Trường nói.

Tuy nhiên, khi được hỏi, ông Trường không biết diện tích rừng thuộc tỉnh Quảng Ninh mà gia đình ông đang canh tác là rừng phòng hộ.

“Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn canh tác bình thường trên diện tích đất rừng được giao. Còn việc diện tích rừng này chuyển sang rừng phòng hộ do Quảng Ninh quản lý chúng tôi không nắm được”, ông Trường bộc bạch.

Ông Lê Văn Bích không biết diện tích rừng ông chặt phá là rừng phòng hộ. (Ảnh: Lã Tiến)
Ông Lê Văn Bích không biết diện tích rừng ông chặt phá là rừng phòng hộ. (Ảnh: Lã Tiến)

Tương tự, ông Lê Văn Bích (sinh năm 1964, cùng trú tại bản Vua Bà) có khoảng 8 ha rừng thuộc thôn Tân Tiến (xã An Sinh, thị xã Đông Triều) được giao theo hợp đồng giao khoán trồng rừng vào năm 2005.

Cũng như ông Trường, gia đình ông Bích trồng rừng từ năm 1991 và không để ý đến việc đâu là rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Ông Bích cho biết, ông cũng không được chính quyền, các lực lượng chức năng thông báo về việc diện tích rừng gia đình ông đang canh tác thuộc rừng phòng hộ.

Chỉ đến đợt khai thác cây (cách đây khoảng 3 tháng), khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra thì ông mới biết đó là rừng phòng hộ. Thời điểm đó, ông Bích đã chặt được hơn 2 ha rừng.

Không chỉ ông Trường, ông Bích, hầu hết các hộ dân khi được hỏi đều không hề biết từ bao giờ diện tích rừng các hộ đã nhận và canh tác nhiều năm trước được chuyển sang rừng phòng hộ.

“Chủ rừng” nhận sai

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kiên, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, ông mới về nhận công tác tại đơn vị này từ năm 2017.

Trước đó, năm 1992, công ty được giao quản lý toàn bộ diện tích rừng giáp với tỉnh Bắc Giang (lúc này là rừng sản xuất) thuộc khu vực thuộc thôn Chân Hồ, Tân Tiến (xã An Sinh, thị xã Đông Triều) để trồng keo, bạch đàn phục vụ khai thác mỏ.

Năm 2005, công ty tiến hành giao 60 ha rừng tại đây cho 10 hộ dân tổ chức trồng cây. Thời hạn giao theo 2 chu kỳ (15 năm/1 chu kỳ) từ 2005 đến 2020. Người dân sau đó đã tổ chức trồng cây bạch đàn, thông phủ kín diện tích được giao.

Đến năm 2007, toàn bộ diện tích rừng trên được Nhà nước qui hoạch thành rừng phòng hộ và đương nhiên theo qui định thì rừng phòng hộ sẽ được quản lý nghiêm ngặt.

Ông Kiên thừa nhận, việc để các hộ dân chặt phá rừng phòng hộ là sai phạm nghiêm trọng. “Chúng tôi có nắm được tình trạng chặt phá rừng phòng hộ nhưng công tác quản lý cũng như hướng xử lý lại gặp khó khăn, do có nhiều vướng mắc trong khi đơn vị lại không đủ thẩm quyền giải quyết”, ông Kiên nói.

"Chủ rừng" thừa nhận sai phạm trong việc chặt phá rừng phòng hộ. (Ảnh: Lã Tiến)
"Chủ rừng" thừa nhận sai phạm trong việc chặt phá rừng phòng hộ. (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Kiên cho rằng, nếu đúng quy định, Nhà nước phải mua lại rừng sản xuất của dân sau khi có quyết định chuyển diện tích rừng đó về rừng phòng hộ.

Theo ông Kiên, từ 10 năm qua, việc quản lý diện tích rừng sản xuất trở thành rừng phòng hộ này trở nên rắc rối khi theo hợp đồng ký với các hộ sản xuất là giao rừng theo 15 năm/1 chu kỳ thì đến thời điểm này vẫn còn từ 2 đến 3 năm nữa mới hết hạn.

Trong khi người dân đã đầu tư vốn, bỏ công sức chăm sóc từ khi còn là những cây con thì đến thời điểm thu hoạch, họ phải khai thác, không dễ gì mà thu hồi được.

Để người dân phá rừng phòng hộ ở Đông Triều là do chủ rừng ảnh 4Cận cảnh rừng phòng hộ ở Quảng Ninh bị phá tan, đốt trọc

“Qui hoạch thì cứ qui hoạch nhưng cho đến giờ chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ hướng dẫn cụ thể nào của tỉnh Quảng Ninh về hướng quản lý, hình thức khai thác tại đây ra sao.

Công ty cũng đã có văn bản gửi tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm nên chúng tôi rất lúng túng trong các giải quyết”, ông Kiên nói.

Ông Kiên cho biết thêm, do chưa hết hạn hợp đồng, mặt khác do giống cây cũ quá xấu buộc người dân trồng đi, trồng lại nhưng không năng suất nên đã chặt hạ để trồng giống cây mới phát triển tốt hơn, nhanh thu hồi vốn hơn.

Người dân cũng có đơn gửi xã, gửi công ty xin được chuyển đổi sang loại giống cây mới trước khi chặt hạ.

Theo ông Kiên, trước khi xảy ra tình trạng chặt phá rừng phòng hộ, công ty Lâm nghiệp Đông Triều có báo cáo tỉnh Quảng Ninh xin ý kiến chỉ đạo có được khai thác hay chuyển đổi.

Được biết, sau khi báo chí phản ánh, Tổng cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Chi cục kiểm lâm Quảng Ninh, Hạt kiểm lâm thị xã Đông Triều đã vào cuộc kiểm tra, đề nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc phá rừng phòng hộ trên địa bàn. Từ đó, có hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với các cán bộ, đảng viên.

Qua thống kê của lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn thị xã Đông Triều có khoảng 1.000 ha rừng phòng hộ giao khoán cho 400 hộ dân, trong đó có khoảng 460 ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã An Sinh hiện cho 10 hộ thuê.

Bước đầu kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có khoảng 62 ha rừng phòng hộ đã giao cho 10 hộ ở xã An Sinh bị chặt phá.

LÃ TIẾN