Đề xuất cấm xe ôtô 5 ngày trong tuần không khả thi một chút nào

24/04/2012 06:41
Độc giả Cường Nguyễn (Hà Nội)
(GDVN) - "Nếu cấm ô tô thì các thành phố sẽ tràn ngập xe máy mà xe máy cũng gây ra ùn tắc giao thông chứ không riêng gì ô tô, như vậy chắc chắn giao thông sẽ rất hỗn loạn và với việc thu phí theo đề xuất thì việc này còn tiếp tục tạo ra sự không công bằng..."
Ngay sau khi thông tin ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng”) gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”.

Bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên ông Tuấn đưa ra giải pháp 5x5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố. Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau của độc giả.

Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Thành Bình (Hà Nội) với nội dung phản biện để xuất của ông Mai Trọng Tuấn. Mời độc giả cùng theo dõi:

"Người dân chỉ được đi xe ôtô vào thứ 7 và chủ nhật?"
Thưa ông Mai Trọng Tuấn! Trong những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều những ý kiến, sáng kiến, hiến kế hết sức tâm huyết và đầy tính xây dựng của độc giả cả nước đưa ra nhằm đóng góp với các cơ quan chức năng trong việc giải bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay.  Tôi thường xuyên theo dõi rất kỹ những ý kiến, sáng kiến đóng góp đó, trong số đó có rất nhiều những ý kiến mà tôi cho rằng sẽ phát huy được tác dụng khi đưa vào thực hiện nhưng cũng có không ít những ý kiến, đề xuất mà tôi thấy rằng rất phi lý và phản khoa học. Một trong những đề xuất hết sức phi lý, thiếu thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế phát triển hiện nay mà tôi đang muốn nói đến ở đây chính là giải pháp 5x5, tức là thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và cấm xe ôtô 5 ngày trong tuần của ông Mai Trọng Tuấn, một cựu phi công mới đề xuất lên Chính phủ, Bộ GTVT, UBND các thành phố Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Tại sao tôi lại nói đây là một đề xuất phi lý, bởi trước hết, tôi xin được hỏi ông Mai Trọng Tuấn một câu hỏi là ông đã từng nghiên cứu hay tìm hiểu kỹ thông tin về đề án thu 3 loại phí giao thông mới được Bộ GTVT đề xuất chưa?. Nếu ông nghiên cứu kỹ rồi thì tôi mong muốn ông nên xem lại phần thực thi của các đề án thu phí này rồi xem, đề xuất giải pháp 5x5 có thực sự hợp lý không? và nên để hay nên rút về?.

Như theo tôi được biết, trong đề xuất của Bộ GTVT việc thu phí phương tiện ôtô cá nhân vào các thành phố trong giờ cao điểm sẽ được thực hiện thông qua các trạm thu phí và ở đây, nếu như trong đề xuất 5x5 của ông Mai Trọng Tuấn thì chắc chắn cũng sẽ phải lập trạm để cấm các xe ôtô vào thành phố. Vậy, tôi xin hỏi ông Tuấn, trong trường hợp này, thì theo ông chúng ta nên lập trạm nào trước, trạm cấm xe ôtô cá nhân vào nội đô hay trạm thu phí xe ôtô vào nội đô giờ cao điểm?. Thêm vào đó, thưa ông Tuấn, chắc chắn loại phí bảo trì đường bộ sẽ được thực thi bắt đầu từ ngày 1/6 này và giả sử sau đó, đề xuất 5x5 của ông cũng được lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đưa vào thực hiện thì có thực sự công bằng chăng (?). Khi mà, những phương tiện ôtô cá nhân dù đã hoàn thành việc đóng phí bảo trì đường bộ rất đúng hạn rồi sẽ phải "đắp chiếu" ở nhà đợi đến tối cho hết 5 giờ vàng trong ngày theo như đề xuất của ông mới có thể được ra đường lưu thông. Hay với "sáng kiến" cấm 5 ngày trong tuần thì chắc chỉ có thứ 7, chủ nhật, người dân mới được đưa xe ra sử dụng để đi chơi, đi thăm thú. Những chủ sử dụng phương tiện ôtô cá nhân ở các đô thị lớn sẽ vừa mất tiền đóng phí bảo trì đường bộ nhưng lại vừa không được sử dụng dịch vụ mà họ phải bỏ tiền ra trả. Như vậy là ngược với quy luật. Cũng theo như đề xuất thì sáng kiến 5x5 của ông Tuấn đưa ra có nói sẽ phải mất một vài năm chuẩn bị và nếu như nó được chấp thuận cùng với thời điểm đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông vận tải được tiến hành (hiện Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thông báo sẽ không thu khoản phí này trong năm nay). Điều này sẽ đồng nghĩa với việc một người dân ở nội đô sẽ phải đóng 20 - 50 triệu/ năm để hạn chế phương tiện ôtô cá nhân của mình và với số tiền đóng lớn như vậy nhưng chỉ để được sử dụng phương tiện cá nhân của mình có 2 ngày/ 1 tuần; 8 ngày / 1 tháng và 96 ngày / 1 năm. (đó là không rõ ông Tuấn có tính đến ngày lễ, Tết không(?)). Tôi không biết, ông Tuấn có sử dụng ôtô không nhưng nếu ông Tuấn có sử dụng một chiếc ôtô giá khoảng vài tỷ đồng để phục vụ công việc làm ăn, đã phải đóng hàng vài chục triệu tiền phí một năm để lưu thông mà lại bị áp chế theo đề án này thì liệu rằng, chính ông có chấp nhận được chăng (?). Và số tiền, công sức... bị thiệt hại từ việc không thể sử dụng ôtô để phục vụ công việc làm ăn này, liệu ông có chịu (?). Trước khi đưa ra đề án này, tôi nghĩ, ông Tuấn nên đặt bản thân mình vào chỗ của một người điều khiển xe ôtô và suy nghĩ. Và hai từ "đồng thuận" chắc lúc này ông sẽ hiểu rõ hơn.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)



Ngành công nghiệp ôtô sẽ đi về đâu? Một vấn đề từ đề án này mà chắc chắn nhiều người có thể thấy rõ, nếu được chấp thuận thì đây sẽ là một "đòn" duy nhất nhưng đánh "sập" toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Cái ngành mà chúng ta đã mất rất nhiều công, của để mong có được sự lớn mạnh đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tại sao vậy, bởi lẽ, khi đề xuất này được thực hiện sẽ không còn mấy ai muốn mua xe ôtô nữa khi không sử dụng được theo đúng công năng mà mình mong muốn. Xe không bán được, xuất ra nước ngoài thì giá cao hơn, cạnh tranh không được, vốn bị ứ đọng, vậy còn cách nào khác là các nhà sản xuất, lắp ráp phải "tạm thời ngừng sản xuất" và bi quan hơn chút nữa là "tuyên bố đóng cửa, phá sản"...
Hàng ngàn việc làm sẽ mất, ai sẽ lo cho những người công nhân (?), liệu ông Tuấn có lo được chăng (?). Và ông đã có phương án để giải quyết vấn đề này? Một hệ lụy xã hội rất lớn là điều đã có thể nhìn thấy trước. Đề án của ông Tuấn đưa ra, có thể thấy là đề án khuyến khích xe máy phát triển ồ ạt, như chúng ta đều biết, một thành phố văn minh không thể chỉ toàn xe máy. Sự phát triển giao thông công cộng đô thị không phương tiện cá nhân là văn minh nhưng là giải pháp, còn phương tiện công cộng phát triển song hành với ô tô là mới là đích đến của nhiều thành phố văn minh trên thế giới.  Hay nói cách khác nếu cấm ôtô thì trên đường sẽ tràn ngập xe máy mà xe máy cũng là loại phương tiện được xác định gây ra ùn tắc giao thông. Đặc biệt ở các đô thị lớn của chúng ta hiện nay, đại đa số phương tiện lưu thông trên đường của người dân vẫn là xe máy trong khi ý thức của người điều khiển xe máy thì còn nhiều điều đáng phải bàn. Vậy khi tiếp tục được khuyến khích thì chắc chắn xe máy sẽ gây hỗn loạn cho giao thông. Khi đó, tôi nghĩ rằng không những không cải thiện ùn tắc mà đây còn có thể là bước thụt lùi của tiện lợi, văn minh nhân loại. Tôi cũng xin được hỏi thêm một ý với ông Tuấn, trong đề án của Bộ GTVT đưa ra đã xếp loại hình xe taxi vào phương tiện cá nhân, phải đóng phí vậy với đề án 5x5 này của ông thì xe taxi có được xếp vào phương tiện cá nhân không? và nếu cấm phương tiện cá nhân thì có cấm loại hình xe taxi không?. Nếu có thì sự tiện lợi, văn minh mà người dân đáng lẽ được hưởng thụ sẽ lại tiếp tục bị ảnh hưởng, cấm đoán?. Khi vấn nạn bùng phát, đặc biệt với vấn nạn ùn tắc giao thông thì việc giảm thiểu, khắc phục nó phải được tìm hiểu và tính toán hết sức cụ thể cho từng giải pháp, từng bước xử lý. Không phải việc gì cũng có thể dùng hai từ "cấm đoán" là được, đặc biệt với các phương tiện giao thông, bởi ùn tắc giao thông đâu chỉ do một mình phương tiện gây ra mà còn do nhiều nguyên nhân khác.  Tôi nghĩ rằng, ý kiến của ông Tuấn đưa ra cũng rất nên được coi trọng, đánh giá cao, bởi đó đã thể hiện lên tâm huyết, ý thức của một công dân với đất nước, với xã hội. Nhưng việc đưa ra ý kiến phải khách quan, thực tế, xem xét trên nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau và trên hết phải có tầm nhìn chứ không nên chủ quan, duy ý chí, phi thực tế. Trên đây là vài lời chia sẻ và hơn thế là những ý kiến phản biện của tôi mong muốn được gửi tới ông Tuấn.  Xin cảm ơn ông, cảm ơn độc giả. Chúc ông luôn mạnh khỏe và sẽ tiếp tục có nhiều những sáng kiến mang tính hiệu quả hơn, thiết thực trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông và cho đất nước trong công cuộc phát triển.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả...
*Phần tít phụ do tòa soạn đặt * Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Cường Nguyễn (Hà Nội)