Đề xuất cho tù nhân được kết hôn, Bộ công an nên ủng hộ!

19/01/2015 06:24
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Bình luận về đề xuất cho tù nhân được kết hôn, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, không thể vì sợ người ta lợi dụng “quyền” đó mà cấm được.

Trong hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 diễn ra ngày 15/1, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giải đáp nhiều thắc mắc của đại diện các địa phương trong cả nước liên quan đến việc thực thi pháp luật.

Khi đó, đại diện Sở Tư pháp Gia Lai đã đề xuất các cơ quan chức năng cần cho người đang thi hành án tù giam được kết hôn.

Bộ Công an nên ủng hộ đề xuất này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưkởng Viện Chiến lược, Bộ Công an (Ảnh: NĐT)
Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưkởng Viện Chiến lược, Bộ Công an (Ảnh: NĐT)

Bình luận về đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nêu quan điểm: “Nên để cho các cơ quan, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Thanh niên, các nhà hoạch định chính sách…đóng góp ý kiến về việc này. Trong luật pháp Việt Nam không có quy định nào cấm người ở tù kết hôn kể cả tử tù. Do vậy, theo tôi, người ta có quyền kết hôn dù đang thi hành án tù giam”.

Tuy nhiên, tướng Cương cũng thừa nhận, về mặt pháp lý thuần túy là như vậy, nhưng thực tế lại khác. Hiện cũng chưa có quy định nào cho phép trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Từ đó, Thiếu tướng Lê Văn Cương đề xuất: “Nếu chưa có quy định về trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì giờ cần phải bổ sung.

Theo tôi nên đưa thêm quy định đó vào Luật hôn nhân và gia đình, Luật tố tụng hình sự vì đó là 2 bộ luật chi phối việc này. Cùng với đó phải ban hành nghị định chi tiết về nghĩa vụ, trách nhiệm của các lực lượng liên quan như công an, chính quyền địa phương…khi có chuyện xấu xảy ra và tôi nghĩ Bộ Công an cũng nên ủng hộ chủ trương đó”.

Đề xuất cho tù nhân được kết hôn, Bộ công an nên ủng hộ! ảnh 2Tướng công an: “Bộ Tư pháp có dám nhận quản lý trại giam không?”

(GDVN) - Về đề xuất nên chuyển trại tam giam, nhà tạm giữ cho Bộ Tư pháp quản lý, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đó là hướng suy nghĩ hợp lý. 

Trước những lo ngại về việc sẽ có tù nhân lợi dụng chuyện này để toan tính các mưu đồ khác, tướng Cương cho rằng, lo thì lo, nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Hãy để công an lo việc đó. Luật vẫn sẽ cho phép người đang thi hành án tù giam được tổ chức ăn hỏi, làm lễ cưới, mời họ hàng ăn cỗ cưới…bởi người Việt rất trọng các thủ tục, tập tục nhất là chuyện cưới hỏi. Còn nếu có sự cố xảy ra trong quá trình tù nhân làm lễ cưới, thì công an sẽ lo chuyện đó.

“Tôi nghĩ nếu quyền được đăng ký kết hôn của người đang thi hành án tù giam được đi vào thực tế, công an sẽ có thêm nhiều việc. Nhưng không thể vì sợ người ta lợi dụng “quyền” đó làm chuyện này kia trái pháp luật mà cấm được. Đừng để không làm được thì cấm. Chuyện lợi dụng hay không cũng chỉ là khả năng, luật không quy định khả năng”, tướng Cương nói thêm.

Cũng theo tướng Cương, người đang thi hành án tù giam muốn kết hôn, trước tiên họ phải báo cáo với giám thị - người quản lý trực tiếp về nguyện vọng của mình theo đúng luật hôn nhân và gia đình. Sau đó, giám thị sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp trên. Nếu họ thực hiện theo đúng luật thì nói gì thì nói cấp trên sẽ chấp thuận cho người ta. Cuối cùng, họ sẽ được tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn như thường còn làm như thế nào, ở đâu…lại là chuyện khác.

“Tù nhân đọc báo là cần thiết”

Phạm nhân được đọc báo, sách truyện khi học tập, lao động tốt (Ảnh: Infonet)
Phạm nhân được đọc báo, sách truyện khi học tập, lao động tốt (Ảnh: Infonet)

Ngoài đề xuất trên, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều đề xuất liên quan tới quyền của người đang thi hành án tù giam chẳng hạn: đề xuất lựa chọn báo Nhân dân và báo địa phương cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam đọc.

Bình luận về đề xuất này, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng đó là việc cần thiết. Ở nhiều nước trên thế giới, họ đã cho phép thực hiện điều này. Chẳng hạn, ở Thụy Điển, tôi thấy hầu hết các nhà tù của họ đều có thư viện, có thư viện thậm chí còn lớn hơn cả thư viện ở Viện Chiến lược (Bộ Công an).

“Nói như vậy để thấy rằng đúng ra ở trong trại giam còn phải có cả thư viện cơ chứ không chỉ các báo. Nếu không có nhiều báo thì ít ra cũng phải có các báo như báo Nhân dân, báo Pháp luật, báo Công an, báo Lao động…

Đề xuất cho tù nhân được kết hôn, Bộ công an nên ủng hộ! ảnh 4Trung Quốc di chuyển giàn khoan 981: Ẩn sau là ý đồ nguy hiểm khác

(GDVN) - Đó là ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) về việc Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan 981 về đảo Hải Nam.

Nếu được đọc báo, tôi tin rằng đó là việc góp phần giúp tù nhân cải tạo tốt hơn. Việc cung cấp thông tin thông qua các kênh phát thanh, truyền hình cũng rất cần thiết đối với người ở tù để họ không bị tách rời khỏi xã hội hiện nay. Đó cũng là cách giúp sau khi ra tù họ nhập cuộc nhanh hơn. Không thể nhốt người ta trong một chiếc thùng kín được. Tóm lại, theo tôi đó là việc nên làm bởi nó chỉ có tốt chứ không bao giờ xấu cả”, tướng Cương khẳng định.

Trước đó không lâu, nhiều người cũng tranh cãi về đề xuất đi tù vẫn phải được hưởng lương hưu.

Với đề xuất này, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc này còn tùy vào từng đối tượng tù nhân. Chẳng hạn, một người đã từng cống hiến 30 năm cho xã hội, nhưng do xô xát với hàng xóm…mà phạm tội thì họ vẫn đáng được hưởng lương hưu bởi chịu tù là hình phạt chính trị, xã hội mà người ấy phải chịu còn những đóng góp trong suốt 30 năm trước đó cho xã hội, giờ họ phải được hưởng chứ?!

"Thế nhưng, nếu trong 30 năm công tác đó, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng thì đó lại là câu chuyện khác, phải xem xét cụ thể chứ không thể theo mặt bằng chung được", tướng Cương nhấn mạnh.

PHONG NGUYÊN