Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13:

Đề xuất Chủ tịch UBND các tỉnh được quyền công bố dịch

29/05/2013 06:51
Ngọc Quang
(GDVN) - Thông tin này được ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) cho biết, sau phần trình bày Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức diễn ra chiều nay (28/5).

Về thẩm quyền công bố dịch (Điều 17), có ý kiến cho rằng, quy định giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố dịch trong phạm vi địa phương (điểm a khoản 2 Điều 17) là chưa phù hợp với thẩm quyền công bố dịch theo quy định của Công ước IPPC.

Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, việc quy định thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về BV&KDTV ở nước ta nhằm tăng cường tính chủ động của chính quyền địa phương để huy động kịp thời nguồn lực trong việc chống dịch.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thẩm quyền công bố dịch trong trường hợp dịch bệnh thuộc diện quy định tại điểm a khoản 1 xảy ra đồng thời ở nhiều tỉnh không liền kề.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trình bày trước Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, trong đó đề xuất Chủ tịch UBND các tỉnh được quyền công bố dịch.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trình bày trước Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, trong đó đề xuất Chủ tịch UBND các tỉnh được quyền công bố dịch.

Đối với vấn đề xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi, tiêu hủy, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (Điều 73, Điều 74, Điều 75), theo báo cáo của Chính phủ, trung bình mỗi năm có tới 10% mẫu thuốc BVTV nhập khẩu, 7% mẫu thuốc BVTV lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng; gần 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc vi phạm quy định về nhãn mác thuốc BVTV thuộc diện phải thu hồi.

Lượng hóa chất BVTV sử dụng liên tục tăng, năm 2005 là 35.000 tấn, năm 2008 là 110.000 tấn và thông thường lượng bao bì chiếm khoảng 10% lượng thuốc tiêu thụ. Như vậy, riêng năm 2008 đã thải ra môi trường 11.000 tấn bao bì các loại. Do vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo một số nội dung:

- Quy định rõ về các hình thức xử lý thuốc BVTV phải thu hồi, trường hợp nào được tái chế, trường hợp nào phải tiêu hủy…; bổ sung quy định về thuốc BVTV thuộc diện phải thu hồi (như thuốc BVTV giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc bị cấm sử dụng, thuốc bị đưa ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, thuốc BVTV do vi phạm bị thu hồi theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước).

Đồng thời, làm rõ “Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thu hồi thuốc BVTV” tại khoản 2 là cơ quan nào và “Cơ quan có thẩm quyền về BV&KDTV quyết định hình thức và thời hạn xử lý thuốc phải thu hồi” tại khoản 3 là Cơ quan có thẩm quyền về BV&KDTV ở cấp trung ương hay địa phương? (Điều 73).

- Làm rõ trách nhiệm xử lý, tiêu hủy thuốc BVTV vô chủ; làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan trong việc xác định chủ sở hữu thuốc BVTV phải xử lý tiêu hủy (Điều 74).

- Bổ sung quy định về việc xử lý thuốc BVTV thuộc diện bị thu hồi, tiêu hủy thuốc BVTV, thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải tuân thủ quy định về quản lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về hóa chất.

Về kiểm dịch thực vật, Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, các quy định về kiểm dịch thực vật trong dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, bảo đảm thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch trong thương mại quốc tế, trong dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định về: thời gian phân tích nguy cơ dịch hại (Điều 27)… Đồng thời, làm rõ điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đối với “các biện pháp xử lý khác trong lĩnh vực kiểm dịch” quy định tại điểm c khoản 1 điều 36 là gì?

Ngọc Quang