Đến giờ, ai còn muốn và có thể bao che cho ông Trần Văn Truyền?

25/11/2014 06:51
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Quy trình xử lý vi phạm còn dài; thậm chí đại biểu cho rằng vụ ông Truyền có dấu hiệu tham nhũng cả bằng tiền và quyền lực!

Về chuyện vi phạm chính sách nhà đất của Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng đến giờ phút này có muốn cũng không ai có thể bao che cho ông Truyền được nữa.

Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vụ việc của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, theo ông còn điều gì cần phải làm rõ?

Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh)
Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh)

Theo tôi vấn đề cần phải làm rõ là nguồn gốc của khối tài sản đó. Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới chỉ liệt kê số lượng tài sản, nhà, đất của ông Truyền chứ chưa nêu rõ nguồn gốc của chúng. Tôi đề nghị phải làm rõ xem có hay không việc ông Truyền lợi dụng chức quyền, lấy tiền biếu xén để mua khối tài sản đó.

Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông có nghĩ ông Trần Văn Truyền tham nhũng không?

Tôi cho rằng ở vụ việc này có dấu hiệu tham nhũng. Sẽ có 2 khả năng, một là tham nhũng bằng tiền, hai là tham nhũng bằng quyền lực. Nếu không tham nhũng, vậy phải làm rõ làm thế nào ông ấy có được khối tài sản đó. Ngoài ra, cũng cần phải xem liệu có hay không chuyện ông ấy lạm dụng quyền lực để có được khối tài sản đó.

Có ý kiến cho rằng ai ở vị trí của ông Truyền cũng sẽ làm thế. Ông có nghĩ vậy không?

Đó là quan điểm hoàn toàn không chính xác. Nếu ai ở vị trí như của ông ấy mà cũng làm thế thì hỏng cả bộ máy rồi. Có như vậy hay không còn phụ thuộc vào bản chất của từng người.

Ngoài ra, có đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi “có bao nhiêu ông Trần Văn Truyền?”. Quan điểm của ông về việc này ra sao?

Thật khó để ước lượng, đưa ra câu trả lời phù hợp cho câu hỏi trên. Có thể còn có nhiều người như ông Trần Văn Truyền nữa, nhưng với tư cách đại biểu quốc hội, tôi không dám khẳng định con số đó là bao nhiêu vì nói phải có sách, mách có chứng cụ thể.

Tới đây, làm thế nào để phát hiện ra “các ông Trần Văn Truyền” đó, đặc biệt là ngay từ khi họ chưa nghỉ hưu thưa ông?

Tổ chức Đảng cần có giải pháp mới, rút ra bài học kinh nghiệm sau những vụ việc như thế này. Đường lối, chủ trương của Đảng hiện nay rất đúng rồi, nhưng vấn đề ở chỗ hiệu quả của những giải pháp đó tới đâu? Theo tôi, hiệu quả của giải pháp kê khai tài sản hiện nay chưa triệt để do chúng ta chưa quan tâm đúng mực đến việc kiểm soát tính chính xác của việc kê khai đó.

Vụ việc này do báo chí, người dân phát hiện ra, sau đó cơ quan giám sát mới vào cuộc. Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả của cơ quan giám sát? 

Biệt thự "khủng" của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: Tuoitre)
Biệt thự "khủng" của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: Tuoitre)

Thực tế, việc giám sát có nhiều hình thức. Một là từ phát hiện của người dân. Hai là từ các cơ quan chức năng và cuối cùng là từ cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan giám sát cũng từng phát hiện ra nhiều vụ việc lớn. Còn vụ ông Truyền chỉ là một trong những vụ do người dân, dư luận xã hội, báo chí phát hiện ra. Do vậy, nếu từ vụ việc này mà phủ nhận hiệu quả của cơ quan giám sát, tôi cho rằng không đúng.

Nhiều người vẫn băn khoăn có sự nể nang, né tránh thậm chí giơ cao đánh khẽ trong vụ việc này. Ông có thấy vậy không?

Hiện tại các cơ quan chức năng đã vào cuộc và theo như báo cáo ban đầu, có thể thấy họ rất thẳng thắn. Đến thời điểm bây giờ có muốn cũng không thể bao che được nữa bởi Quốc hội đã lên tiếng, tại các diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đã nhiều lần lên tiếng và nói rất gay gắt. Do vậy, không ai có thể bao che được hết, còn việc có giơ cao đánh khẽ hay không, đến giờ chưa thể nói được.

Tuy nhiên, các đại biểu quốc hội cũng đã yêu cầu làm rõ và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về vụ việc này để tăng thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, các cơ quan Nhà nước.

Từ ngày đương chức, ông Truyền đã phải kê khai tài sản hàng năm và có nhiều cơ quan giám sát việc kê khai này. Thế nhưng, khối tài sản “khủng” của ông Truyền vẫn “lọt” qua các khâu kiểm tra đó. Phải chăng có lỗ hổng lớn trong việc kê khai tài sản?

Có thể thấy việc kê khai tài sản hiện nay làm chưa nghiêm, có kê khai, nhưng không được thanh tra, kiểm soát do các cơ quan nhà nước chưa chủ động lắm và đó chính là lỗ hổng.

Muốn bịt kín lỗ hổng này cần triển khai nhiều biện pháp kiểm tra như: tổ chức lực lượng kiểm tra; lấy thông tin từ dư luận xã hội; kiểm tra từ cơ quan, địa bàn người đó công tác…thì mới phát hiện ra được sai phạm nếu có.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm và có kết luận. Tiếp theo các cơ quan chức năng phải làm rõ nguồn gốc tài sản, thu nhập thực sự của ông Truyền… Thậm chí, còn phải xem xét cả việc cấp nhà, cấp đất, bán nhà cửa không đúng quy định của pháp luật để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức làm việc đó.

“Theo chủ trương của luật phòng chống tham nhũng, quyết tâm chính trị của Đảng, không có vùng cấm nào cho bất cứ ai cả. Nói như vậy để nhân dân thấy rằng chưa phải cứ về hưu “hạ cánh” đã là yên”, ông Thảo nhấn mạnh

PHONG NGUYÊN