Địa phương đi trước trong nâng chuẩn giáo viên lại bị...tuýt còi

28/09/2019 09:51
TẤN TÀI
(GDVN) - Đưa ra chuẩn giáo viên cao hơn quy định của Bộ để khi nâng chuẩn thì không phải tốn kém đào tạo lại nhưng cơ quan thanh tra cho rằng như vậy là vi phạm.

Những bất cập về chính sách trong tuyển dụng và tiền lương cho giáo viên đã được nhiều cơ quan chức năng ở Đà Nẵng kiến nghị thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa thể điều chỉnh.

Do đó, sự đột phá của ngành giáo dục và nội vụ của địa phương này trong việc nâng chuẩn giáo viên đã bị cơ quan thanh tra “tuýt còi”.

Không tuyển giáo viên hệ trung cấp, cao đẳng là vi phạm

Mới đây, Thanh tra thành phố Đà Nẵng vừa có kết luận về việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục (tuyển giáo viên) tại hai quận Ngũ Hành Sơn và Hải Châu.

Đà Nẵng đi trước trong việc nâng chuẩn giáo viên nhưng lại bị cơ quan thanh tra "tuýt còi". Ảnh: AN
Đà Nẵng đi trước trong việc nâng chuẩn giáo viên nhưng lại bị cơ quan thanh tra "tuýt còi". Ảnh: AN

Qua đó, xác định có nhiều thiếu sót, vi phạm trong việc xác định hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để tuyển dụng.

Cụ thể, các quận của Đà Nẵng đã đưa ra chuẩn đầu vào cao hơn so với quy định hiện nay.

Điển hình là trong kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục quận Hải Châu năm 2018-2019 (được Sở Nội vụ phê duyệt) xác định hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo nhu cầu tuyển dụng là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học hạng IV (theo quy định yêu cầu trình độ chuyên môn trung cấp trở lên);

Nâng chuẩn trình độ hay bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên sẽ hiệu quả hơn?

Giáo viên trung học cơ sở hạng III (theo quy định yêu cầu trình độ chuyên môn cao đẳng trở lên).

Tuy nhiên, tại các kế hoạch tuyển dụng do quận đưa ra đều yêu cầu trình độ chuyên môn để thi vào các vị trí tuyển dụng là trình độ Đại học trở lên.

Thanh tra thành phố cho rằng, việc đặt ra yêu cầu trình độ chuyên môn cao hơn như vậy là chưa phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên được quy định tại ba thông tư liên tịch số 20, 21 và 22 giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hệ quả của sai phạm này là khi thực hiện kế hoạch tuyển dụng thì các đối tượng có trình độ trung cấp, cao đẳng đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn đối với hạng chức danh viên chức giáo viên hạng III, hạng IV theo quy định nhưng lại không được tham gia dự tuyển.

Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên có yêu cầu trình độ Đại học trở lên nhưng xếp vào ngạch lương viên chức hạng III, hạng IV (hệ số trung cấp, cao đẳng) là chưa phù hợp với chế độ tiền lương tương ứng với trình độ chuyên môn của viên chức.

Tuy nhiên, hệ quả của sự “đột phá” này là việc tuyển dụng trình độ Đại học nhưng trả lương hệ trung cấp, cao đẳng khiến cho nhiều giáo viên trúng tuyển không đến nhận công tác do mức lương bèo bọt.

Ngoài ra, địa phương này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở bậc tiểu học và mầm non.

Do đó, ngành giáo dục đã phải hạ chuẩn giáo viên từ Đại học xuống Cao đẳng trong việc thi tuyển giáo viên tại huyện Hòa Vang để giải quyết vấn đề trước mắt.

Đưa chuẩn cao để khỏi đào tạo lại

Trước đó, vào tháng 11//2018, tại buổi làm việc giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng và Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân Đà Nẵng), ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, hai Sở đã phối hợp để đưa ra chuẩn giáo viên cao hơn so với quy định  của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lộ trình nâng chuẩn 80.000 giáo viên mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Lý do mà Đà Nẵng áp chuẩn cao như vậy là để khi Bộ nâng chuẩn lên thì thành phố không phải bỏ công sức, tiền của đi đào tạo lại giáo viên.

Việc nâng chuẩn giáo viên vừa tốn kém kinh phí mà còn mất thời gian từ 5-10 năm mới hoàn tất việc nâng chuẩn.

Riêng Đà Nẵng với nguồn nhân lực tốt (hầu hết là sinh viên tốt nghiệp các Trường Đại học Sư phạm ra trường) nên thành phố mới đưa ra chuẩn giáo viên cao như vậy.

Theo điều 72 của Luật giáo dục năm 2019 quy định về chuẩn trình độ nhà giáo đang giảng dạy ở tất cả các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông sẽ nâng lên.

Cụ thể, có bằng Cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non và bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông...

Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Nhưng những địa phương đi trước trong vấn đề nâng chuẩn giáo viên đã thực hiện trước ngày Luật có hiệu lực vẫn sẽ bị “tuýt còi” bởi những quy định trong ba thông tư liên tịch 20, 21 và 22 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

TẤN TÀI