Điểm sàn là gì, vì sao Bộ loại bỏ?

18/12/2016 08:18
Thùy Linh
(GDVN) - “Bỏ điểm sàn là chủ trương đúng bởi Bộ không nên quyết định thay mà hãy để các trường được tự chủ trong tuyển sinh”.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học năm 2017.

Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thực hiện “3 chung”, Bộ GD&ĐT bỏ quy định này. 

Điều kiện cần chung nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2017 là tốt nghiệp THPT.

Quy định này của Bộ khiến nhiều người lo lắng về chất lượng xét tuyển.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) đồng tình với quyết định “bỏ điểm sàn” của Bộ GD&ĐT. 

Bởi theo TS.Lê Viết Khuyến, trên thế giới nếu ai vượt qua được bậc học nào đó thì đều có quyền được đăng ký học ở bậc học cao hơn. Và quyền này có được chấp nhận hay không là do các trường quyết định. 

Thực chất của việc này cũng giống như “bỏ điểm sàn” mà Bộ đưa ra.  

Bỏ điểm sàn là chủ trương đúng bởi Bộ không nên quyết định thay mà hãy để các trường được tự chủ trong tuyển sinh”. (Ảnh: Báo VTC)
Bỏ điểm sàn là chủ trương đúng bởi Bộ không nên quyết định thay mà hãy để các trường được tự chủ trong tuyển sinh”. (Ảnh: Báo VTC)

Và GS.Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định bỏ điểm sàn là chủ trương đúng bởi Bộ không nên quyết định thay mà hãy để các trường được tự chủ trong tuyển sinh. 

GS.Lâm Quang Thiệp phân tích, thí sinh tốt nghiệp THPT đó đã là điểm sàn. Khi có bằng tốt nghiệp rồi thì việc có vào được Đại học hay không là tùy thuộc ở các trường.

Nhà trường được tự chủ nhưng phải chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, khi tuyển sinh, các trường phải công bố minh bạch điều kiện xét tuyển, theo tiêu chuẩn nào, điểm bao nhiêu để xã hội sẽ biết trường này có chất lượng thế nào.  

Vì chất lượng các trường hiện nay khác nhau nên những điều kiện đó phải công bố, không có chuyện nói thế này, tuyển thế kia  để xã hội đánh giá các trường còn cho con em học hoặc tuyển dụng
”, GS.Lâm Quang Thiệp nêu ý kiến. 

Điểm sàn là gì, vì sao Bộ loại bỏ? ảnh 2

Vì sao Bộ Giáo dục bỏ quy định “điểm sàn” Đại học?

(GDVN) - “Bộ GD&ĐT thấy việc đưa ra quy định ngưỡng điểm đầu vào chung cho tất cả các trường Đại học không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng".

Trao đổi thêm, PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: 

Theo tôi, nếu người học đã tốt nghiệp THPT là có đủ điều kiện để vào đại học nhưng để được vào trường đại học nào thì phải do chính trường đó có quy định riêng.

Bởi mục tiêu của các trường là tuyển đủ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Theo đó, trường có chất lượng cao sẽ có tiêu chuẩn yêu cầu cao hơn”. 

Ngoài ra, nếu năm 2016 thí sinh làm thủ tục đăng ký trong một thời gian quyđịnh sau khi có kết quả thi nhưng sau khi đăng ký rồi thì không được thay đổi nguyện vọng.

Thì năm 2017, dự thảo quy chế tuyển sinh quy định cho thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Nhưng sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định.

Sự thay đổi này, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: “Quy định như vậy một mặt giúp việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp gáp và mặt khác, giúp cho thí sinh có nhiều thời gian để suy nghĩ việc lựa chọn nguyện vọng phù hợp”. 

Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số thí sinh đã được hệ thống cung cấp khi đăng ký dự thi.

Nhờ phương thức điều chỉnh trực tuyến nên thí sinh không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường.

Điểm sàn là gì?

Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, được áp dụng từ năm 2004.

Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng.

Căn cứ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển và điểm thi của thí sinh, các trường đưa ra mức điểm xét tuyển. Điểm xét tuyển không được thấp hơn điểm sàn.

Như vậy, điểm sàn coi như điều kiện cần, còn điểm trúng tuyển là điều kiện đủ để thí sinh đỗ đại học, cao đẳng. Điểm trúng tuyển không được thấp hơn điểm sàn.

Năm 2016, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học là 15 điểm cho tất cả các khối A, A1, B, C, D; không có mức sàn cho cao đẳng.
Thùy Linh