Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi của giáo viên

18/06/2015 06:26
TS.LS Vũ Thái Hà
(GDVN) - NLĐ đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng LĐ từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện.

Tôi là viên chức giảng dạy tại một trường phổ thông công lập. Năm nay tôi 53 tuổi và đã có 30 năm liên tục đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Hiện tại, tôi bị bệnh và muốn về hưu trước tuổi. Đề nghị Phòng Tư vấn pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, tôi có được về hưu trước tuổi không? Nếu về hưu trước tuổi thì lương hưu hàng tháng của tôi được xác định như thế nào?

Nguyễn Thị Thu

Khoản 1, Điều 26 Nghị định 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi là Nghị định 152/2006/NĐ-CP) quy định về điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường như sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Tại Điều 27 Nghị định 152/2006/NĐ-CP quy định về trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi: Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện quy định tại Điều 26 Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1. Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên; 2. Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.

Về mức lương hưu hàng tháng, khoản 1, 2, 3 Điều 28 Nghị định 152/2006/NĐ-CP quy định: 1. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 26 Nghị định này, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 31 Nghị định này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. 2. Người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 27 Nghị định này, mức lương hưu hằng tháng được tính theo quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Nghị định này thì mức lương hưu giảm đi 1%. 3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như vậy, căn cứ các quy định trên, theo thông tin bà đã cung cấp, bà là viên chức giảng dạy tại một trường phổ thông công lập. Năm nay bà 53 tuổi và đã có 30 năm liên tục đóng BHXH. Do đó, bà sẽ được về hưu trước tuổi nếu bà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Thủ tục giám định mức suy giảm khả năng lao động được quy định tại Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 07/2010/TT-BYT của Bộ Y tế. Mức lương hưu hàng tháng của bà được xác đinh theo quy định đã trích dẫn ở trên.

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0913559944

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe.

TS.LS Vũ Thái Hà