Đình chỉ tài xế 7 ngày đối với các xe đội giá trong những ngày nghỉ lễ

02/05/2013 06:57
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Đình chỉ tài xế (đình tài) 7 ngày đối với một số xe tự ý đội giá trong những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5; trong ngày cao điểm nhất, bến xe Mỹ Đình phải tăng cường tới 254 xe, chủ yếu là các xe về Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An) để đáp ứng nhu cầu đi lại khi lượng người đổ về bến xe tăng đột biến trong những ngày này – đó là thông tin chúng tôi nhận được từ ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình.

Như thông tin Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 27/4, theo phản ánh của một số hành khách và khi ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình thì có thực trạng, một số tuyến xe đường dài như xe về Vinh đã tự ý đội giá lên cao gấp 2 – 2,5 lần so với ngày thường, xe về Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cũng tự cho mình “quyền” tăng giá vé lên 50.000 đồng/vé.

Mặc dù trước ngày lễ, theo ông Nguyễn Mạnh Tiến – Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết thì các nhà xe cũng đã kí cam kết với ban quản lý bến xe sẽ không tăng giá trong những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5.

Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lượng khách đổ về các bến xe tăng đột biến.
Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lượng khách đổ về các bến xe tăng đột biến.

Sau khi nhận được phản ánh về việc giá vé bị “đội” lên cao khiến nhiều hành khách bức xúc, ban quản lý bến xe Mỹ Đình đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản, đình chỉ hoạt động một thời gian với hành vi trên của một số xe.

Riêng với xe 36B – 00189 thuộc Công ty TNHH Khánh Duy (Thanh Hóa), sau khi báo chí đưa tin “các phụ xe ở đây một mặt chèo kéo hành khách, mặt khác cũng giải thích rất cặn kẽ cho khách hàng lý do xe mình tăng 50 nghìn/vé so với ngày thường”, ban quản lý bến xe đã tiến hành lập biên bản và đình tài 7 ngày vì lái phụ xe tự ý thu thêm của khách 50nghìn/vé ngoài quy định so với giá vé Nhà nước.

Ngoài ra, các xe: 37B - 00379 chạy tuyến bến xe Mỹ Đình – Vinh, thuộc doanh nghiệp Hùng Cúc (Nghệ An); 37B - 00031 thuộc Công ty TNHH Hạ Vinh (Nghệ An) cũng bị đình tài 7 ngày vì thu vé giá cao so với quy định của Nhà nước.

Ông Tiến cho biết, đây là lần đầu tiên sau khi ông về quản lý bến xe Mỹ Đình xảy ra hiện tượng các nhà xe tự ý tăng giá vé lên cao. Giải thích nguyên nhân của việc này, ông Tiến nói: Hầu hết các tuyến xe đường dài, hành khách đã đặt vé từ cách đó một tuần. Với những chỗ còn thừa, các phụ lái xe mới chèo kéo và “ép giá” khách hàng.

Lượng khách tăng cao khiến bến xe Mỹ Đình phải tăng cường thêm gần 300 xe để đảm bảo nhu cầu đi lại của khách trong những ngày nghỉ lễ.
Lượng khách tăng cao khiến bến xe Mỹ Đình phải tăng cường thêm gần 300 xe để đảm bảo nhu cầu đi lại của khách trong những ngày nghỉ lễ.

Đây cũng là lần đầu tiên sau khi ông Tiến về quản lý bến xe, trong ngày cao điểm (ngày 27/4), bến xe Mỹ Đình phải tăng cường tới 254 xe để giải tỏa hành khách, mà chủ yếu là xe về Thanh Hóa, Vinh. Sự đông đúc ấy càng tạo điều kiện cho nhà xe tại các tuyến này mặc nhiên “hét” giá.

Ngày 27/4, thêm một địa điểm thu hút đông hành khách bắt xe về là Quảng Ninh. Vì, “Carnaval Hạ Long” với chủ đề “Sắc màu Quảng Ninh – Hội tụ và lan tỏa” được tổ chức tại đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào lúc 20h ngày 27/4/2013.

Chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Tiến từng nhận định: Thời gian nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài. Hơn nữa, lại rơi vào đầu mua hè, các nơi nghỉ mát khai trương, bãi biển khai trương, các nơi vui chơi giải trí cũng khai trương… nhiều khách đi từ Hà Nội về các tỉnh rồi khách đi từ các tỉnh về Hà Nội, nên đông cả hai chiều khiến lượng người tại bến xe tăng đột biến trong những ngày này.

Việc đình chỉ và đình tài một số xe tự ý tăng giá vé cao hơn so với quy định của Nhà nước, theo ông Tiến cũng là nhằm “cảnh báo” cho các tuyến xe khác cũng có hành vi tương tự.

Trong giờ cao điểm, mật độ giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ của Thủ đô lại đông đúc và tắc nghẽn hơn mọi ngày.
Trong giờ cao điểm, mật độ giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ của Thủ đô lại đông đúc và tắc nghẽn hơn mọi ngày.

Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho biết: Nếu bán vé tại bến thì sẽ không xảy ra tình trạng tăng giá. Vì vé giao cho bến là theo quy định của Thông tư liên tịch số 129 ban hành năm 2010 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ tài chính. Còn việc khách mua vé tại điểm đỗ xe và mua trực tiếp với nhà xe và có tình trạng giá tăng lên 2 – 2,5 lần như báo chí phản ánh, thì thiệt thòi đó trước hết thuộc về hành khách.

Ở đây, hành khách đã không tự bảo vệ được mình. Nếu họ vào bến mua vé thì sẽ không có tình trạng mua vé có mức giá cao hơn giá vé của đơn vị phát hành.

Ông Liên khẳng định, đây cũng là hai mặt của vấn đề. Nếu khách hàng vào bến mua vé thì bến sẽ xuất trình vé chính thức theo giá cước đã được Nhà nước cho phép. Còn việc mua vé bên ngoài thì giá vé là việc thỏa thuận giữa hành khách và chủ xe.

Để xảy ra điều đó, bản thân hành khách cũng chưa tuân thủ theo đúng quy định của Bộ giao thông vận tải là khi đi xe phải vào bến mua vé. Có như thế, hành khách sẽ được bảo vệ quyền lợi: có chỗ ngồi, bán đúng vé, chạy đúng giờ, đúng tuyến…

Trước đó, đề cập đến việc giá cước vận tải tăng vào đúng dịp nghỉ lễ khi mà nhu cầu đi lại cao, trả lời trên báo chí, ông Bùi Danh Liên cho rằng, doanh nghiệp tăng giá vào kỳ nghỉ lễ là không hay lắm nhưng bản thân họ cũng không còn chịu được khi giá xăng dầu liên tục “nhảy múa”.

Nhìn nhận vào thực tế, trả lời trên một tờ báo mạng, ông Liên cũng cho biết: Suốt một thời gian dài giá xăng dầu tăng nhưng các đơn vị vận tải ít khách nên không tăng giá vé, chịu thua lỗ. Nay tăng giá vé để bù lỗ thời gian vừa qua.

Huệ Nguyễn