Doanh nghiệp thâu tóm "đất vàng" CTCP Sứ Hải Dương có "sức khỏe" thế nào?

17/09/2015 15:14
Hải Ninh
(GDVN) - Dư luận đang nghi ngờ về năng lực “hạn chế” của doanh nghiệp muốn thâu tóm mảnh đất “đắc địa” nhất Hải Dương. Và, phải rất "liều" thì người ta mới "chọn mặt".

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, mới đây, tại cuộc họp của Lãnh đạo tỉnh Hải Dương do ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, đã nghe báo cáo của Sở Xây dựng về đề nghị của Công ty CP Sứ Hải Dương xin di chuyển Công ty và giao cho Công ty CP Thương mại và Vận tải Thái Hà để chuyển đổi khu đất thành khu đất ở đô thị.

Khu đất có giá trị lịch sử to lớn, niềm tự hào của người dân tỉnh Hải Dương sắm biến thành khu đô thị của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Hải Ninh
Khu đất có giá trị lịch sử to lớn, niềm tự hào của người dân tỉnh Hải Dương sắm biến thành khu đô thị của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Hải Ninh

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đã đồng ý chủ trương di dời Nhà máy sứ Hải Dương tại phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương đến vị trí mới tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Nhà máy hiện tại từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thành đất ở đô thị và đất thương mại, dịch vụ.

Chủ tịch tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo “Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc giao Công ty CP Thương mại và Vận tải Thái Hà lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu đất Nhà máy Sứ Hải Dương, bảo đảm đúng quy định pháp luật”.

Ngày 25/7/1962, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy sứ Hải Dương. Sau đó, Bác còn vào phân xưởng trang trí và viết lên chiếc bình sứ lịch sử… Ảnh tư liệu.
Ngày 25/7/1962, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy sứ Hải Dương. Sau đó, Bác còn vào phân xưởng trang trí và viết lên chiếc bình sứ lịch sử Ảnh tư liệu.

Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó chủ yế bức xúc: Vì sao một mảnh đất “đắc địa” nhất Hải Dương, có giá trị lịch sử trường tồn, niềm tự hào của người dân Hải Dương, là nơi Bác Hồ về thăm và gửi gắm những lời dặn dò… lại không được lãnh đạo tỉnh Hải Dương trân trọng, biến nơi này thành công viên trung tâm gắn liền với di tích lịch sử, thành điểm nhấn của cả tỉnh Hải Dương? Phải chăng mục tiêu kinh tế lại đang được đặt nặng hơn vấn đề giáo dục, lịch sử và ý nghĩa nhân văn? 

Khu đất "vàng" của tỉnh Hải Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Ninh
Khu đất "vàng" của tỉnh Hải Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Ninh

Vậy, Công ty CP Thương mại và Vận tải Thái Hà có tiềm lực như thế nào mà có thể “thâu tóm” được cả mảnh đất vàng có giá trị kinh tế và lịch sử bậc nhất của tỉnh Hải Dương?

Theo tìm hiều của phóng viên, Công ty CP thương mại và vận tải Thái Hà có địa chỉ tại Bích Nhôi, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương do ông Trần Đức Lanh làm giám đốc.

Nguồn tin riêng của phóng viên cho thấy, trước đó, vào ngày 10/7/2013, UBND tỉnh Hải Dương từng có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần thương mại và vận tải Thái Hà được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB theo đề nghị của UBND thành phố Hải Dương tại Văn bản số 583/UBND-GPMB ngày 04/7/2013 tại Dự án Khu dân cư May I Hải Dương.

Đến ngày 27/5/2014, Công ty Thái Hà được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu dân cư công nghiệp Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn. (Công ty Thái Hà được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 04121000468 ngày 08/12/2010, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 02/5/2012).

Cụ thể, Công ty Thái Hà được xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật trong thời hạn 18 tháng; Xây dựng hoàn thành công trình thương mại dịch vụ hỗn hợp trong thời hạn 30 tháng… Công ty Thái Hà khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng dự án, đảm bảo đúng tiến độ và đúng quy hoạch chi tiết được duyệt.

Ngoài những thông tin này ra thì tuyệt nhiên phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam không tìm thấy bất cứ các thông tin nào về tiềm lực tài chính, về những dự án mà công ty này làm chủ đầu tư hay thi công.

Chính vì vậy, rất nhiều người cho rằng, có quá nhiều "rủi ro” để giao cho doanh nghiệp "bí ẩn" này thực hiện một dự án khu đất vàng, có giá trị lịch sử to lớn của tỉnh Hải Dương.

Nhiều người cũng đề nghị, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cần xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân là biến khu đất lịch sử này thành quần thể công viên trung tâm, tượng đài Bác Hồ, điểm nhấn văn hóa - tâm linh của tỉnh Hải Dương...

Hải Ninh