Độc lập, chủ quyền không được tôn trọng, Tổ quốc sẽ bị giày xéo

09/04/2016 15:51
Ngọc Việt
(GDVN) - Khi vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia không được tôn trọng thì lợi ích dân tộc không bao giờ đảm bảo, Tổ quốc sẽ mãi bị kẻ khác giày xéo.

Ngày 9/4 Sputnik đưa tin, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đang có chuyến công du đến Azerbaijan, sau khi đã có mặt tại Armenia, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia này tại Nagorno-Karabakh.

Vùng đất tại Nam Caucasus tái diễn chiến tranh sau hơn 20 năm tạm thời yên ắng. Cuộc xung đột trở nên bùng phát dữ dội trong những ngày đầu tháng 4/2016 bởi những cuộc tấn công qua lại giữa hai bên.

Thủ tướng Nga đã nhấn mạnh sứ mệnh của mình: "Nguyện vọng của chúng tôi rất giản đơn. Để có hòa bình, để đạt được thỏa thuận bền vững sẽ đảm bảo sự phát triển bình thường của cả hai quốc gia, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bình thường của cả khu vực.

Chúng tôi cũng thấy mình là một phần không thể tách rời của khu vực, do đó điều này đối với chúng tôi là vô cùng quan trọng".

Hình ảnh trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP.
Hình ảnh trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP.

Sau khi kết thúc Chiến tranh Nagorno-Karabakh 1988 - 1994, đại diện chính phủ Armenia và Azerbaijan đã tiến hành đàm phán hòa bình về tình trạng của khu vực.

Cộng hòa Nagorno-Karabakh ra đời nhưng chưa được công nhận là một quốc gia độc lập. Thực thể chính trị này được thành lập từ một phần lãnh thổ của Cộng hòa Azerbaijan, nhưng phần đông dân số lại là người Armenia.

Nay cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh vấn đề Nagorno-Karabakh lại xảy ra và có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia vốn từng là “anh em một nhà” này. Điều đó cho thấy hoà bình cho mảnh đất này, thậm chí cho cả khu vực này không dễ dàng có được. Tại sao vậy?

Lợi ích dân tộc là không thể đánh đổi bởi bất cứ thứ lợi ích nào khác

Ngược dòng lịch sử, sau khi đánh bại chính quyền thân Anh tại khu vực Nam Caucasus vào năm 1919, Liên Xô đã quyết định sát nhập Karabakh vào lãnh thổ Armenia nhưng lại bị sự phản đối của Azerbaijan.

Vì những toan tính chính trị mà quên mất lợi ích của các dân tộc, Liên Xô lại quyết định sát nhập Karabakh vào Azerbaijan năm 1921 và thành lập tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan vào năm 1923 trong khi 94% dân số là người Armenia.

Có thể thấy quyết định này của Liên xô là một quyết định không hợp lý, do vậy người Armenia liên tục phản đối tính hợp lệ của của nó trong những thập kỷ tiếp theo dưới chính quyền Xô Viết.

Độc lập, chủ quyền không được tôn trọng, Tổ quốc sẽ bị giày xéo ảnh 2

Sức mạnh nhược tiểu

(GDVN) - Cường quốc có sức mạnh của cường quốc, tiều nhược có sức mạnh của tiểu nhược. Sức mạnh của quốc gia, dân tộc là lòng yêu nước của nhân dân, là tính ưu việt...

Khi Cải tổ và Công khai được phát động bởi Tổng bí thư Mikhail Gorbachev, thì vấn đề độc lập và lợi ích dân tộc tại Nagorno-Karabakh trở thành vấn đề nóng bỏng. Ngày 20/2/1988 cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan đã nổ ra.

Trong lịch sử chính trị thế giới, việc chia tách, sáp nhập các thực thể chính trị diễn ra rất nhiều và cũng từ đó hình thành nên nhiều thực thể chính trị mới, nhưng chưa có một sự chia tách, sáp nhập nào như việc Liên Xô thực hiện tại vùng Nagorno-Karabakh.

Trong việc tạo ra một thực thể chính trị đặc biệt tại vùng đất này, ý nguyện của nhân dân hai quốc gia Armenia và Azerbaijan bị đặt dưới những lợi ích chính trị của lực lượng cầm quyền.

Nhân dân là chủ thể của lịch sử, lợi ích của nhân dân nằm trong sự thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi vậy, khi lịch sử được viết nên bởi lực lượng cầm quyền và lợi ích của nhân dân không được tôn trọng, thì sẽ không thể có sức mạnh của Tổ quốc, cũng như không thể có độc lập đối với bất cứ thực thể chính trị nào, dù nó có ra đời hay tồn tại bao lâu đi chăng nữa.

Có thể thấy rằng, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh ngày hôm nay, cuộc chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan hiện nay là cái giá mà nhân dân hai đất nước, hai dân tộc phải trả cho những sai lầm trong lịch sử.

Máu của người dân Armenia và Azerbaijan đã và đang đổ xuống không phải vì nền độc lập cho dân tộc, vì lợi ích của dân tộc, trong đó có gia tộc, gia đình và bản thân họ.

Bởi lẽ, hiện nay người ta không thể khẳng định đứng về ai, về phía nào là đứng về phía chính nghĩa. Gần một thế kỷ tồn tại nhưng Nagorno-Karabakh không thể được xác định thuộc về quốc gia nào thì sẽ mang lại hoà bình cho người dân các dân tộc lãnh thổ này, tại khu vực này.

Hậu quả của việc xem nhẹ lợi ích dân tộc trong những quyết định sai lầm của lực lượng cầm quyền là vô cùng tệ hại.

Những người, những tác nhân của sai lầm lịch sử ấy nay đã là người thiên cổ hay họ cũng chỉ tồn tại trong ký ức xa xăm, nhưng hậu quả mà họ gây ra cho lịch sử dân tộc thì thế hệ con cháu của họ đang phải gánh chịu.

Lợi ích của nhân dân Armenia và Azerbaijan đã bị lãng quên trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters.
Lợi ích của nhân dân Armenia và Azerbaijan đã bị lãng quên trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters.

Có thể nhận định rằng, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh nói riêng, và cuộc xung đột tại vùng Nam Caucasus nói chung không thể được kết thúc nếu những người trong cuộc không xem lợi ích của nhân dân là nền tảng cho mọi quyết định của họ.

Người ta từng thống nhất kết thúc chiến tranh bằng việc cho ra đời thực thể chính trị là Cộng hòa Nagorno-Karabakh, nhưng lại không xem ý nguyện của người dân đang sống tại vùng đất này là nền tảng cho sự tồn tại của thực thể ấy.

Căn nguyên của vấn đề là mâu thuẫn lợi ích dân tộc không được giải quyết, mà họ chỉ giải quyết trên mâu thuẫn chính trị giữa các lực lượng cầm quyền, vì vậy xung đột không thể chấm dứt.

Vậy mới thấy, mọi sự toan tính chính trị mà quên đi lợi ích dân tộc đều là những quyết định sai lầm trong điều hành và quản lý xã hội. Lực lượng cầm quyền phải xem lợi ích dân tộc là nền tảng cho việc nắm giữ và thực thi quyền lực của mình.

Lợi ích dân tộc không thể đánh đổi bằng những thứ lợi ích nhỏ nhen khác thì xã hội sẽ luôn ổn định và mãi yên bình.       

Chỉ có độc lập dân tộc mới đảm bảo được lợi ích dân tộc

Độc lập, chủ quyền không được tôn trọng, Tổ quốc sẽ bị giày xéo ảnh 4

Thein Sein xuất gia, nỗi lòng canh cánh

(GDVN) - Nếu NLD và phe quân đội không nhanh chóng hoà thuận, trở thành “người một nhà” thì “một Ai Cập hậu Mubarak” có thể diễn ra tại Myanmar.

Cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan không chỉ là mẫu thuẫn lợi ích giữa hai dân tộc, hai quốc gia mà nó đã trở thành nơi thể hiện sức mạnh và sự ảnh hưởng của nhiều thực thể chính trị, nhiều quốc gia mẫu thuẫn, thậm chí đối đầu nhau.

Nghĩa là người dân Armenia và Azerbaijan ngã xuống trong cuộc chiến không những trả giá cho sai lầm của lịch sử mà còn vì những toan tính của những người ngoài cuộc.

Từ lâu, Nga được xem là chính quyền hậu thuẫn cho Armenia trong cuộc xung đột, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đứng sau chính quyền Azerbaijan.

Trước khi cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh diễn ra vào năm 1988, thì giới quan sát cho rằng thái độ của Liên Xô đối với vùng đất này là cách bày tỏ thiện chí của chính quyền Xô Viết để cố giữ quan hệ tốt với chính quyền Atatürk của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Khi Liên Xô tan rã, dẫn đến việc các quốc gia thành viên tuyên bố độc lập thì Azerbaijan đã hướng về Thổ Nhĩ Kỳ - kẻ thù truyền kiếp của nước Nga. Và trong số 3 quốc gia của vùng Nam Caucasus thì chỉ có Armenia mang lại hy vọng là một đồng minh đáng tin cậy của Nga ở khu vực này, theo tài liệu của Oxford University.

Sau khi cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh kết thúc cùng lúc với quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng dần được cải thiện, nhất là khi Tổng thống Putin nắm quyền.

Vì vậy cuộc xung đột giữa hai quốc gia láng giềng Armenia và Azerbaijan cũng không quá căng thẳng, dù vẫn vẫn có những mâu thuẫn nhưng không bùng phát thành những cuộc xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, khi “sự kiện 17 giây” xảy ra, xung đột Nga – Thổ đã bị đẩy lên ở mức cao khi hai bên liên tục cáo buộc nhau và trả đũa lẫn nhau.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Azerbaijan Artur Rasizade bàn bạc về việc chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Sputnik.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Azerbaijan Artur Rasizade bàn bạc về việc chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Sputnik.

Cuộc chiến Nga – Thổ đã không chỉ dừng lại ở vùng Trung Đông hay Bắc Phi, mà có thể lan tới những vùng lãnh thổ, những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hai lực lượng quân sự hùng mạnh này.

Và đúng như vậy, cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan xảy ra trên vùng nóng Nagorno-Karabakh đã có những tác động không nhỏ bởi những kẻ ngoài cuộc chính là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi nhận thức được rằng ông Dmitry Medvedev có hiểu biết sâu sắc về vấn đề này, hiển nhiên chúng tôi muốn giải quyết một cách hòa bình, nhưng là giải pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc quốc tế", Thủ tướng Azerbaijan Artur Rasizade cho biết, theo Sputnik.

Điều đó cho thấy, việc giải quyết vấn đề xung đột tại Nagorno-Karabakh cũng như cuộc chiến hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan không chỉ đơn thuần là ý muốn của người trong cuộc, mà nó phụ thuộc rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính quyết định, vào người ngoài cuộc là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do vậy chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến Azerbaijan, sau khi đã có mặt tại Armenia, không chỉ mang tính chất của một nhà trung gian hoà giải nhằm mang hoà bình đến Nagorno-Karabakh, mang lợi ích đến cho hai dân tộc Armenia và Azerbaijan.

Độc lập, chủ quyền không được tôn trọng, Tổ quốc sẽ bị giày xéo ảnh 6

Thương dân, dân lập đền thờ

(GDVN) - Mọi thủ đoạn chính trị thấp hèn đều không thể chiến thắng được niềm tin của nhân dân. Và khi có được niềm tin nhân dân thì mọi thủ đoạn đều trở nên vô hiệu.

Sự xuất hiện của ông Medvedev tại khu vực chiến sự này là tìm ra giải pháp tốt nhất cho hai dân tộc nhằm đảm bảo lợi ích tối đa của Nga tại khu vực này.

Còn trước đó, ngày 3/4 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã tuyên bố hậu thuẫn cho đồng minh Azerbaijan:

“Chúng tôi cầu nguyện cho những người anh em Azerbaijan sẽ giành ưu thế trong các vụ đụng độ như thế này với thương vong ít nhất. Chúng tôi sẽ ủng hộ Azerbaijan tới cùng trong cuộc xung đột giữa nước này với Armenia”.

Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại không có quan hệ ngoại giao với Armenia, theo Reuters. 

Như vậy là lợi ích của hai dân tộc Armenia và Azerbaijan đã bị lãng quên trong quá khứ bởi những toan tính chính trị, khi người ta áp đặt việc giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh mà không dựa trên ý nguyện của nhân dân hai quốc gia này.

Nay độc lập dân tộc của người dân Armenia và Azerbaijan lại không được tôn trọng trong việc tìm ra giải pháp hoà bình cho vùng đất phải gánh chịu hậu qủa của “sai lầm lịch sử” gần một thế kỷ qua.

Chính quyền Armenia và Azerbaijan đã không được toàn quyền giải quyết vấn đề của đất nước mình trong quá khứ, nay họ cũng không thể độc lập giải quyết sự việc nếu không phù hợp với lợi ích của những quốc gia khác mà họ chịu sự ảnh hưởng.

Khi vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia không được tôn trọng thì lợi ích dân tộc không bao giờ đảm bảo, Tổ quốc sẽ mãi bị kẻ khác giày xéo lên sự thiêng liêng.

Cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh như một sự thức tỉnh cho những lực lượng cầm quyền, những chính quyền vì những lợi ích nhỏ nhen mà quên đi lợi ích và độc lập dân tộc thỉ hậu quả sẽ khôn lường. Không những họ phải trả giá mà các thế hệ con cháu cũng phải gánh chịu hậu quả, vì vậy, đây được xem là những bài học không thể lãng quên. 

Ngọc Việt