Đòi lại chủ quyền Hoàng Sa bằng cách nào?

30/11/2011 11:13
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - Hàng loạt các trang báo đều đăng tải những bài viết giá trị, nêu lên các chiến lược để chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền Hoàng Sa
Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông bao gồm tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và đường chữ U (đường lưỡi bò). Việc đặt trọng tâm Hoàng Sa trong số những tranh chấp này để đòi lại Hoàng Sa, mà vẫn có thể giải quyết được các tranh chấp khác, đòi hỏi một chiến lược đồng bộ và tổng thể.  

Hàng loạt các trang báo đều đăng tải những bài viết giá trị, nêu lên các biện pháp, chiến lược để chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền Hoàng Sa.

Đòi lại Hoàng Sa: Thực hiện Công khai - công luận – công pháp
 
Bước đầu tiên trong việc đòi lại Hoàng Sa là để cho toàn dân thấy được sự thật và tạo điều kiện cho người dân tham gia sự nghiệp này.

Tờ Tuổi trẻ khẳng định: việc thực hiện chiến lược 3C: Công khai - Công luận - Công pháp đối với tranh chấp biển Đông là một trong số những việc cần thiết.

Các bạn trẻ Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm hiểu các hiện vật về Hoàng Sa tại Bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn. Ảnh TT
Các bạn trẻ Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm hiểu các hiện vật về Hoàng Sa tại Bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn. Ảnh TT
Đó là cần công khai hiện trạng tranh chấp biển Đông nói chung và Hoàng Sa bị cưỡng chiếm nói riêng, đồng thời công khai lập trường của các bên, công khai các sự kiện nghiêm trọng xảy ra cho toàn dân biết.  Việc công khai hiện trạng Hoàng Sa đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm ngày 25-11-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc này tại Quốc hội.

Từ đó, sử dụng công luận, mà cụ thể là báo chí - truyền thông, nói cho toàn dân và nhân dân thế giới biết sự thật về tranh chấp biển Đông, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông.

Trong cuộc đấu tranh này, vũ khí hòa bình nhưng sắc bén là công pháp, tức luật pháp quốc tế, các án lệ, Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông...
 
Phải gắn Hoàng Sa với tranh chấp biển Đông

Nếu muốn đòi lại Hoàng Sa, một điều cơ bản là không bao giờ được bỏ qua Hoàng Sa trong các cuộc đàm phán trên biển Đông, mà phải gộp Hoàng Sa vào “tranh chấp trên biển Đông” trên các diễn đàn song phương, khu vực và quốc tế. Tờ Tuổi trẻ đặt vấn đề.

Muốn Trung Quốc vừa chấp nhận đàm phán về Hoàng Sa, Trường Sa, vừa đàm phán về đưỡng chữ U, Việt Nam chẳng những phải dựa vào ASEAN mà còn dựa vào Thượng đỉnh Đông Á.

TS Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu Hoàng Sa - tặng phiên bản An Nam đại quốc họa đồ cho tộc họ Phạm Văn ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Bản đồ này xuất bản năm 1838 có vẽ chính xác tọa độ Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: TT
TS Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu Hoàng Sa - tặng phiên bản An Nam đại quốc họa đồ cho tộc họ Phạm Văn ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Bản đồ này xuất bản năm 1838 có vẽ chính xác tọa độ Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: TT
Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đối trọng Trung Quốc khi xây dựng Thượng đỉnh Đông Á, nhằm đưa vấn đề biển Đông, trong đó có vấn đề Hoàng Sa, vào chương trình nghị sự trong tranh chấp trên biển Đông.

Chỉ thông qua Thượng đỉnh Đông Á, các bên liên quan mới có thể buộc Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp trên biển Đông, trong đó có tranh chấp Hoàng Sa, ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ - International Court of Justice).

Đưa vào Quy tắc về ứng xử trên biển Đông

Theo luật quốc tế, ICJ chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp một khi tất cả các bên trong tranh chấp công nhận thẩm quyền của tòa cho chính tranh chấp đó. Sự công nhận này có thể thực hiện theo ba cách. Tờ Tuổi trẻ tiếp tục phân tích.

Thứ nhất, sự công nhận có thể bằng một tuyên bố đơn phương. Theo điều 36, quy chế ICJ, một quốc gia là thành viên của quy chế này có thể tự nguyện ra một tuyên bố đơn phương công nhận thẩm quyền xét xử của tòa. Tuyên bố này có giá trị bắt buộc và có hiệu lực đối với bất kỳ quốc gia nào khác cũng có tuyên bố chấp nhận như vậy. Hệ thống các tuyên bố này đã tạo ra một nhóm các quốc gia công nhận thẩm quyền xét xử của ICJ đối với bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa các quốc gia đó với nhau.

Từ đó, về nguyên tắc, bất kỳ nước nào trong nhóm này cũng có quyền đưa một hay nhiều quốc gia trong nhóm ra trước ICJ. Các tuyên bố có thể chứa các bảo lưu nhằm hạn chế thời hạn của tuyên bố hoặc loại trừ một số loại tranh chấp. Các quốc gia đăng ký tuyên bố này với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Hiện Trung Quốc và cả Việt Nam chưa đưa ra tuyên bố này.

Cách thứ hai để có thể khởi kiện ra ICJ là thông qua một thỏa thuận đặc biệt: Việt Nam và Trung Quốc cùng ký một thỏa thuận đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước ICJ. Hiện hai bên chưa đạt được một thỏa thuận như vậy.

Cách thứ ba: Thông qua một điều khoản gọi là compromissory clause trong một hiệp ước. Hiện có trên 300 điều ước quốc tế chứa điều khoản này, theo đó các bên cam kết trước là sẽ chấp nhận thẩm quyền xét xử của ICJ nếu có tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng điều ước đó. Cách này dù rất khó nhưng là phương thức khả thi nhất trong số ba cách thức được nêu.

Để có được thỏa thuận này, Thượng đỉnh Đông Á là khuôn khổ thuận lợi nhất mà Việt Nam cần phải vận dụng. Thỏa thuận đó có thể là một điều khoản trong Quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC) mà các bên liên quan đang xây dựng trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Hệ thống hóa bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa
 
Trong cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc và bảo vệ quần đảo Trường Sa, việc hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng “quần đảo này là vô chủ vào thời điểm VN xác lập chủ quyền” và “VN thực thi chủ quyền liên tục” là hai vấn đề mấu chốt.

Trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã giới thiệu một bộ sưu tập gồm hàng trăm bản đồ của Việt Nam và nước ngoài thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh bản đồ, ông Đầu còn sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử cũng như là tác giả của nhiều bài báo khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Việc hệ thống hóa các bằng chứng, nằm rải rác khắp nơi, là điều vô cùng quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa với thanh niên tại TP.HCM - Ảnh: TN
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa với thanh niên tại TP.HCM - Ảnh: TN
Những bằng chứng đó bên cạnh những tài liệu “cổ xưa” , còn là những tư liệu thời Việt Nam Cộng hòa

Những tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa, trong đó có các tuyên bố phản đối chính thức sau sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm Hoàng Sa năm 1974, là những bằng chứng quan trọng cho chính nghĩa Việt Nam.

Một nguồn tư liệu sống dồi dào mà lâu nay chúng ta ít đề cập, đó là những con người bằng xương bằng thịt. Họ là những binh sĩ, kỹ thuật viên dân sự Việt Nam Cộng hòa từng chiến đấu và làm việc tại Hoàng Sa. Đó là những bằng chứng hùng hồn cho chủ quyền Việt Nam, cũng như là bằng chứng tố cáo hành động phi nghĩa và phi pháp của Trung Quốc.

Sách về biển đảo: trước mắt và lâu dài

Gần đây, đã xuất hiện nhiều tác phẩm cung cấp cho người đọc những tư liệu giá trị về Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đáp ứng nhanh nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của độc giả. Tờ Sài gòn tiếp thị đưa tin.

Những đầu sách về chủ đề biển đảo là rất cần thiết.

Những đầu sách về chủ đề biển đảo là rất cần thiết.
Có thể kể đến những cuốn sách của nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề nóng này như cuốn sách Người Việt với biển do Nguyễn Văn Kim chủ biên (NXB Thế Giới), tác phẩm Biển Đông và hải đảo Việt Nam (NXB Tri Thức, 7.2010) do câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình và NXB Tri Thức tổ chức tại TP.HCM.  

Trong tháng qua, tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Trẻ cũng vừa ra mắt bạn đọc bốn quyển có thể góp vào ngăn sách Biển Đông trên tủ sách mỗi gia đình: Biển Đông yêu dấu của PGS.TS Trần Ngọc Toản, cuốn Hoàng Sa Trường Sa – hỏi và đáp của TS Trần Nam Tiến, cuốn bút ký Có một con đường mòn trên biển Đông của nhà văn Nguyên Ngọc, cuối cùng là Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

 
Hải Hà (tổng hợp)