Đối phó Trung Quốc: Philippines mua máy bay, ký hiệp định quân sự

11/04/2014 07:57
Đông Bình
(GDVN) - Báo Nhật cho rằng, Philippines mua máy bay chiến đấu của Hàn Quốc, tăng cường sức mạnh quân sự và tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc chế tạo
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc chế tạo

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 10 tháng 4 đưa tin, là nước đang đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Philippines đang tăng cường quân bị và quan hệ với đồng minh.

Gần đây, Philippines đã ký kết hợp đồng mua 12 máy bay chiến đấu của Hàn Quốc, đồng thời sẽ ký kết hiệp định quân sự với Mỹ, có kế hoạch thông qua đây để đối phó Trung Quốc. Đối với Mỹ, nước đang thúc đẩy quay trở lại châu Á, hiệp định quân sự có ý nghĩa mang tính chiến lược.

Theo bài báo, vào ngày 28 tháng 3 năm 2014, Chính phủ Philippines đã ký hợp đồng mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 do Hàn Quốc sản xuất, trị giá 18,9 tỷ peso (tương đương 2,6 tỷ nhân dân tệ), trong đó 2 máy bay có thể bàn giao trong năm 2015. Máy bay chiến đấu FA-50 dài 13,13 m, rộng 9,45 m, cao 4,85 m, tốc độ tối đa đạt 1,5 Mach.

Chính phủ Philippines đang cấp kinh phí 75 tỷ peso để thúc đẩy hiện đại hóa quân bị, trong tương lai sẽ còn mua radar phòng không của Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin cho biết, "sẽ nhanh chóng nâng cao tính năng trang bị".

Máy bay vận tải C-130 Philippines
Máy bay vận tải C-130 Philippines

Được biết, Quân đội Philippines hiện nay còn chưa có máy bay chiến đấu, thực lực quân sự ở khu vực tương đối yếu. Philippines trước đây từng có quân Mỹ đồn trú, nhưng cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, trước năm 1992 quân Mỹ đã rút đi.

Do các nguyên nhân như bất ổn chính trị và đình trệ kinh tế, đến nay Philippines vẫn không thể bảo đảm đủ chi tiêu quân sự, nhưng áp dụng biện pháp đối phó Trung Quốc đang được tăng cường.

Hiệp định quân sự mới với Mỹ sẽ được hoàn tất trước hạ tuần tháng 4, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm châu Á, trong đó có Philippines. Nếu hiệp định quân sự mới được ký kết, trên các phương diện như sử dụng chung căn cứ quân sự, hoạt động của quân Mỹ sẽ gia tăng.

Đối với vấn đề này, Trung Quốc đang tăng cường cảnh giác. Vào cuối tháng 3 năm 2014, tàu thuyền Trung Quốc đã ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines có ý định vận chuyển vật tư cho bãi Cỏ Mây.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành phê phán đối với vấn đề này, cho rằng "thúc giục Trung Quốc kiềm chế hành vi khiêu khích".

Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công
Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công

Tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore ngày 7 tháng 4 đã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhắc nhở Trung Quốc: "Trên thế giới, anh không thể tùy tiện dùng phương thức vũ lực, uy hiếp, đe dọa để phân chia lại biên giới quốc gia, xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước khác, bất kể là đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay nước lớn ở châu Âu".

Điều này cũng có thể liên hệ với sự cảnh báo gần đây của cựu Thủ tướng Singapore về tham vọng của Trung Quốc, cho rằng, Trung Quốc đang có ý đồ "định nghĩa lại quy tắc biển", lấy "dấu chân Trịnh Hòa đi phương Tây" làm "chứng cứ lịch sử" đòi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.

Theo báo Nhật, đáp lại các động thái trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, họ có chủ quyền (bất hợp pháp) đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang gây sức ép về mặt kinh tế đối với Philippines. Công ty khai thác mỏ lớn nhất của Philippines là Philex Mining ngày 7 tháng 4 cho biết, hoạt động tham vấn với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã chấm dứt. Nghe nói, liên lạc với phía Trung Quốc đã gián đoạn.

Binh sĩ Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận đổ bộ liên hợp
Binh sĩ Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận đổ bộ liên hợp

Theo tờ "Nihon Keizai Shimbun", việc khai thác khí đốt ở Biển Đông là không thể thiếu trong chính sách năng lượng của Philippines, nhưng, chỉ dựa vào doanh nghiệp tư nhân của Philippines thì rất khó xoay xở được nguồn vốn khai thác.

Hoạt động tham vấn trên với tính chất là một cách để giải quyết vấn đề lãnh thổ cũng được trông đợi, vì vậy sự gián đoạn tham vấn đã tác động đến chính quyền Philippines.

Đông Bình