Đóng tiền học thêm hay tiền an toàn phí?

03/12/2019 06:31
Lê Mai
(GDVN) - Để “an toàn”, học sinh đành đi học thêm; tiền học phí học thêm “vô tình” thành tiền “an toàn phí” cho con đến lớp mà phụ huynh phải đóng.

Lên thành phố công tác, được cậu học trò cũ đón thầy về nhà chơi; thấy cháu bé học lớp 7 buổi chiều ở nhà không đi học, thấy lạ so với năm ngoái nên hỏi mẹ nó “Sao Tý hôm nay không đi học thêm hả con?”. 

Mẹ bé nói nhỏ “Năm ngoái em không biết “bài” nên làm tội thằng bé, ngày nào cũng đi học; sáng học chính khóa, chiều học thêm chính khóa, tối lại học thêm ở nhà cô giáo; chẳng kịp ăn, ngủ. 

Cả năm lớp sáu không tăng nổi 1 kg, chiều cao chỉ tăng chưa được 2cm. Hoảng quá, hè này em cho cháu nghỉ toàn tập ở nhà nội, cháu lên được hơn 2 kg, tăng chiều cao đúng 2cm. 

Năm nay, lúc đầu định chuyển trường, cho cháu học trường quốc tế cho đỡ áp lực; chị bạn cùng công ty bày cho “bài” nên em không chuyển trường cháu nữa”. 

Tôi liền hỏi “Bài chi rứa con?”. Mẹ bé liền rào đón “Con nói, thầy đừng tự ái nghen”.

“Ừ, bài chi hay rứa, con cứ nói, thầy già rồi, tự ái chi, thầy coi vợ chồng con như con cái trong nhà mà”. 

“Hihi, có chi mô thầy, con cứ đăng ký cho cháu học thêm bình thường; năm bữa, nửa tháng chi đó cho cháu đi học một buổi; tiền học thì cứ đóng đầu tiên nên nhà trường chẳng nhắc nhở gì. 

Các thầy cô dạy buổi tối, cháu không đi học, nhưng tháng nào con cũng đến “quan hệ”, nên cũng ổn. Cháu đi học cũng “bình an”, chẳng có ai nặng, nhẹ nữa; đầu năm đến nay, thấy cháu phổng phao hẳn thầy ạ.  

Còn chuyện học, cháu tự học qua mạng, kiến thức cũng tốt; con không đặt nặng điểm số, chỉ cần cháu đạt trung bình, miễn là thấy cháu hạnh phúc”. 

Các phụ huynh phải có "bài" để đối phó với vấn nạn dạy thêm. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Các phụ huynh phải có "bài" để đối phó với vấn nạn dạy thêm. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Đóng tiền học thêm hay tiền "an toàn phí"?

Câu chuyện của mẹ cháu bé vừa kể không mới, đó là “bài” của phụ huynh “mua an toàn” cho con đi học. Không ít trường học tổ chức “dạy thêm chính khóa”; để đạt “doanh thu” họ “vận động khéo léo” nên 100% học sinh tham gia; lớp chính khóa như thế nào, lớp học thêm như thế đó. 

Việc không phân lớp theo năng lực của học sinh đã vi phạm thông tư 17; giáo viên dạy “phụ đạo” dạy xuất phát từ điểm nhận thức của học sinh yếu kém, gây tâm lý coi thường, chủ quan, chán học cho học sinh có năng lực tốt hơn; đây cũng là “cơ sở” để giáo viên tiếp tục “kéo” học sinh học thêm ca ba tại nơi mình dạy thêm ngoài nhà trường; học sinh suốt cả ngày chỉ quay cuồng trong việc học; thể chất, tinh thần không phát triển bình thường được.

Nhiều giáo viên gây áp lực trong tiết dạy, “hỏi xoáy, đáp xoay” để “mời” học sinh đi học thêm; ra đề kiểm tra, câu hỏi miệng theo kiểu “Không học thêm thầy, đố mày giải được”. Những “độc chiêu” của nhà trường, giáo viên “động viên” học sinh đi học thêm như thế, bản chất là “bạo hành” tinh thần!

Để “an toàn”, học sinh đành đi học thêm; tiền học phí học thêm “vô tình” thành tiền “an toàn phí” cho con đến lớp mà phụ huynh phải đóng. Cùng một đơn vị kiến thức, phụ huynh phải đóng nhiều lần tiền cho con. 

Giaỉ pháp nào để giảm áp lực cho học trò? 

Đủ lý do để dạy thêm, chớ đổ cho sách giáo khoa quá nặng
Đủ lý do để dạy thêm, chớ đổ cho sách giáo khoa quá nặng

Để dạy thêm trong trường có hiệu quả, nhà trường phải thực hiện nghiêm túc Thông tư 17, phân loại học lực học sinh; chỉ dạy phụ đạo thêm với học sinh yếu kém; bồi dưỡng với học sinh khá giỏi. 

Các cấp quản lý phải đình chỉ công tác ban giám hiệu không phân lớp dạy thêm theo năng lực, trong dạy thêm trong trường. 

Với dạy thêm ngoài nhà trường, thực hiện đúng Thông tư 17; giáo viên dạy thêm không được dạy đối tượng học trò chính khóa; tránh tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm, mớm đề kiểm tra… gây áp lực cho gia đình, xã hội. 

Với phụ huynh, không nên “kỳ vọng” con mình là “thần đồng”; đừng vì áp lực điểm số, vô tình gây sức ép, tạo tâm lý “chán học”, “chán sống” nơi con trẻ; tuyệt đối không so sánh con mình với “con nhà người ta”. 

Cuộc đời mỗi người, thành công hay không, không phụ thuộc vào điểm số ngày đi học; điểm số chỉ là kết quả học tập, không phải kết quả cuộc đời.

Không nên buồn lo khi kết quả học tập chưa cao; con trẻ có thể năng lực học tập văn hóa chưa tốt, nhưng năng lực khác vượt trội. 

Hãy để con trẻ được hạnh phúc, được tận hưởng tuổi thơ, được phát triển thể chất và tinh thần tự nhiên; vừa học, vừa chơi; học tập là học cả đời, tự học là yếu tố quan trọng nhất để học tập thành công.

Lê Mai