Đột nhập lãnh địa lâm tặc

22/09/2011 07:37
Theo ĐOÀN TUẤN/Công an TPHCM
Gỗ lậu được buôn bán tràn lan và công khai ngay trên địa bàn xã Krông Ana, ở đây có nhiều “ông trùm” buôn gỗ với quy mô lớn.
Vườn quốc gia Yok Đôn, thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk được xem là rừng đặc dụng lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên và cả nước. Với hệ sinh thái đa dạng, đây là nơi cư ngụ của nhiều loài động-thực vật quý hiếm cần được bảo vệ như: voi châu Á, chim đại bàng, chim yểng cùng nhiều cây gỗ quý: hương, lim, cẩm, trắc...

Tuy nhiên, thời gian gần đây rừng quốc gia Yok Đôn chịu sự tàn phá ác liệt của lâm tặc. Nhiều cánh rừng nằm trong khu bảo tồn chỉ còn là cái xác bởi việc truy tìm gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã và các hoạt động mua bán sản vật rừng diễn ra công khai suốt ngày đêm.
PHÁ NÁT RỪNG QUỐC GIA

Từ TP. Buôn Ma Thuột theo tỉnh lộ 1, chúng tôi tìm đến vườn quốc gia Yok Đôn thuộc huyện Buôn Đôn, nơi đây nổi tiếng trong cả nước bởi các hoạt động du lịch liên quan đến voi. Bản Đôn không chỉ là điểm đến du lịch lý tưởng với dòng Sêrê Pốk hùng vĩ và những chú voi ngộ nghĩnh, giờ đây “buôn voi” cùng với các buôn Trí A, Trí B, Ema... thuộc xã Krông Ana đang là điểm nóng về nạn phá rừng.

Lâm tặc ngày đêm bàn tán về việc “làm thịt” rừng. Họ miên man nói về địa điểm có nhiều gỗ quý, cùng chia nhau tiền sau mỗi chuyến đi rừng... Các phương án đã được bày sẵn là lúc lâm tặc bắt đầu cuộc khai thác trái phép ngày này qua ngày khác, mặc cho rừng quốc gia đang cạn kiệt.
Hoạt động của lâm tặc không ngừng nghỉ bất kỳ thời gian nào trong ngày. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào các buổi sáng, kẻ phá rừng theo từng tốp cưỡi “ngựa sắt” đi sâu vào rừng quốc gia tìm gỗ quý như: hương, cẩm, lim, căm xe...

Họ dùng cưa máy ngang nhiên đốn hạ cây rừng, xẻ thành từng thớ vuông giấu lại chờ đêm xuống kéo nhau vào vận chuyển. Đường vào rừng quốc gia Yok Đôn có các chốt kiểm lâm canh giữ, nhưng không hiểu sao lâm tặc vẫn có thể ngang nhiên đi vào mà không gặp phải sự kiểm tra của cán bộ kiểm lâm.
Sau khu tượng nhà Mồ (khu mộ voi) có một con đường đất dẫn vào rừng, băng qua con suối nhỏ, chúng tôi theo chân một lâm tặc tên H. đến khu rừng nằm ngay phía sau trạm kiểm lâm số 6 và chứng kiến tận mắt cảnh phá rừng. Tại đây, nhiều cây gỗ hương bị hạ gục không thương tiếc; tiếng cưa máy vang lên cùng với âm thanh của lâm tặc tạo nên những cảnh tàn phá thật khốc liệt.

Chỉ trong chốc lát, một cây hương có đường kính gần 1m đã bị đốn gục giữa rừng hoang. Nhựa hương chảy loang khắp thân cây và mặt đất, màu của nhựa hương đỏ thắm và có mùi thơm đặc biệt làm chúng tôi rất xót xa. Cây rừng đổ xuống, lâm tặc bắt đầu cắt các phần thân có giá trị, xẻ thành những khúc có hình vuông, phần ngọn bỏ lại nằm nghiêng ngả trên đất rừng.

Cách đó không xa, nhiều gốc hương có đường kính lớn đã bị “khai tử” từ lâu, nhựa hương quện lại, thâm đen lô nhô trên mặt đất. 
Tiếp tục tìm đến tiểu khu 474 và 475, chúng tôi phát hiện hàng loạt gỗ hương có đường kính lớn bị đốn. Trong đó có cây hương khoảng 1,3m, dài 15m đã xẻ ra thành thớ vuông và nhiều cây khác có đường kính từ 30 - 60cm cùng nằm ngổn ngang. Càng đi sâu vào rừng, cảnh tàn phá rừng ác liệt hơn; từng nhóm lâm tặc gặp nhau chào hỏi, nói cười rộn cả một khu rừng. 
Một cây hương cổ thụ bị đốn hạ
Một cây hương cổ thụ bị đốn hạ

Ngày đốn cây, đêm về lâm tặc lại kéo nhau vào rừng kiếm những khúc gỗ đã được giấu đem về tiêu thụ. Đêm rừng tĩnh mịch chỉ còn lại ánh đèn yếu ớt cùng tiếng vận chuyển gỗ, ở phía xa thỉnh thoảng lại có tiếng lâm tặc gào thét chửi bới.

Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi thấy cảnh lâm tặc cùng xe và gỗ ngông nghênh lượn lờ trên tỉnh lộ 1, đoạn từ cầu 19 về các buôn thuộc xã Krông Ana. Từng đoàn xe chở gỗ lậu nối đuôi nhau ngang nhiên phóng vun vút trên đường vào sáng sớm và chiều tối khiến nơi đây trở thành cung đường khiếp đảm cho nhiều người dân đi lại.
Gỗ lậu được buôn bán tràn lan và công khai ngay trên địa bàn xã Krông Ana, ở đây có nhiều “ông trùm” buôn gỗ với quy mô lớn. Chỉ cần nghe thông tin lâm tặc đã vận chuyển gỗ về lãnh địa, chúng kêu các chiến hữu cùng giấy bút, thước đo và các xe chuyên dụng đến tận nơi thực hiện các cuộc mua bán thật nhanh chóng.

Mặt hàng mà bọn chúng ưa thích là những loại gỗ có đường kính lớn và thực sự là gỗ quý, dù xấu hay đẹp chủ gỗ đều thu mua. Sở dĩ lâm tặc săn lùng ráo riết các loại gỗ như hương, lim, cẩm... vì hiện nay trên thị trường các loại gỗ này đều có giá trị rất cao.

Theo đó, nếu tính về cân nặng thì 1kg gỗ hương đem bán có giá 3 ngàn đồng, tính theo khối - nếu là hàng mặt, lõi đẹp, đường kính trên 1m giá trị lên tới vài chục triệu đồng. Còn đối với loại gỗ như cẩm thì vô giá vì khan hiếm và khó tìm.
Lâm tặc đo gỗ tại nhà dân
Lâm tặc đo gỗ tại nhà dân

Để che giấu các hoạt động buôn bán gỗ lậu, chủ gỗ sẵn sàng bỏ tiền mua những chiếc xe hơi đời cũ; thậm chí có nhiều chủ còn mua xe khách loại 14 chỗ, đem tháo ghế để lấy chỗ chứa gỗ được nhiều hơn. Trên địa bàn này có rất nhiều “đại ca” gỗ mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã có thâm niên và kinh nghiệm buôn bán gỗ từ chục năm trở lên.

Lúc đầu, những người này cũng là lâm tặc, sau đó có một chút vốn liếng đã móc nối khắp nơi để có chỗ tiêu thụ gỗ lậu. Trong hoạt động buôn bán cũng thường xuyên xảy ra va chạm giữa các “đại ca” vùng gỗ. Hiện lượng gỗ quý trong rừng đã cạn kiệt, khai thác khó nên việc xảy ra tranh giành lãnh địa và chèn ép lẫn nhau là thường xuyên.

Chủ gỗ không ngần ngại bỏ tiền chiêu dụ các đàn em có máu mặt, rồi thực hiện nhiều cuộc quyết đấu để cướp mối và tạo thương hiệu cho mình. Theo lời kể của một người dân tên N.V.B, ở Bản Đôn có nhiều “ông trùm” gỗ lậu bao gồm: T.V, T.P, H.K, L.A..., giữa họ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Chỉ cần biết đối thủ có ý định chiếm mối mua gỗ của mình thì y như rằng nhóm kia sẽ kêu gọi đồng bọn để dằn mặt hoặc triệt đường làm ăn của đối phương. Tình trạng tranh giành, cãi vã, chửi bới và đánh nhau giữa các chủ lâm tặc khiến người dân khiếp sợ.

Cuộc chiến giữa các “đại ca” vùng gỗ kéo theo hoạt động phá rừng ngày càng nghiêm trọng. Cạnh tranh thì giá gỗ được đẩy lên cao sẽ kích thích lâm tặc ngày đêm “xẻ thịt” rừng.
BẾN LÂM SẢN TRÊN SÔNG

Sông Sêrê Pốk mùa nước nổi, lòng sông rộng mênh mông, nhiều chỗ khúc khuỷu, nước sông chảy xiết có thể cuốn phăng bất cứ thứ gì. Ở hai bên sông lộ ra những vùng đất nham nhở bên cạnh các tán cây lớn phủ trùm là nơi trú ngụ và vận chuyển gỗ lậu của bọn lâm tặc.

Mặc cho nước lớn mưa nguồn, lâm tặc vẫn ngang nhiên bơi lượn, thám thính trên các khúc sông. Đêm đến, rừng Buôn Đôn im lặng đến rùng mình, chỉ còn lại tiếng nổ phành phạch của xuồng máy bơi lượn dọc khúc sông chở trên mình đầy ắp gỗ lậu.

Khi thuyền cập bến, tiếng xuồng máy lặng dần, còn lại những bóng người lố nhố ở các bờ sông chờ vận chuyển gỗ.
Phía trên bến, lán trại và nhà chật cứng các vật dụng phục vụ cho phá rừng: dây thừng, dây cáp, ròng rọc, cưa máy cho đến các đầu máy nổ cỡ lớn cùng nhiều máy cày, xe tải nhỏ... chỉ để kéo và chở gỗ từ lòng sông lên mặt đất. Ở nhiều bến, lâm tặc sẵn sàng nối các đường dây cáp qua sông rồi vận chuyển gỗ từ bên bờ này sang bờ bên kia. Nếu bị phát hiện chúng lại trở về với phương án dùng xuồng máy đưa gỗ về bến tập kết.
Bến sông Sêrê Pốk
Bến sông Sêrê Pốk

Dọc sông Sêrê Pốk đoạn chảy qua khu du lịch Bản Đôn ngang nhiên tồn tại nhiều bến gỗ như: Ma Do, Me Soạn, Trí A, Trí B... làm người dân sống trong vùng “lâm tặc” rất bức xúc.

Đêm về, dòng Sêrê Pốk trở nên náo nhiệt, các hoạt động vận chuyển, cưa xẻ gỗ cùng tiếng nói cười của lâm tặc làm cho không khí nơi đây nhộn nhịp hẳn lên. “Chợ đêm” tại các bến sông này diễn ra ngay từ chập tối cho tới sáng hôm sau không ngừng nghỉ.

Chúng tôi có mặt tại bến Trí A và tận mắt thấy cảnh vận chuyển gỗ lậu, từng đoàn người cùng các phương tiện rầm rầm kéo từng khúc gỗ lên khỏi lòng sông, đôi lúc vang lên những tiếng chửi tục chát chúa của chủ lâm tặc. Mặc dù ban đêm chợ gỗ hoạt động rất rầm rộ nhưng đến mờ sáng thì bến sông chỉ còn lại xuồng máy, những mảnh gỗ bị “xẻ thịt” nằm ngổn ngang cùng nhiều vết trượt lộ ra trên mặt đất bởi những khúc gỗ bị kéo.

Phải tinh mắt, chúng tôi mới phát hiện dưới lòng sông vẫn còn nhiều khúc gỗ chưa kịp vận chuyển được giấu lại.
Vận chuyển gỗ trên sông Sêrê Pốk
Vận chuyển gỗ trên sông Sêrê Pốk

11 giờ đêm, trên các nẻo đường của tỉnh lộ 1 rất ít xe qua lại. Thỉnh thoảng nghe tiếng máy nổ từ các bến sông vọng lên, từng chiếc máy cày ì ạch chở đầy gỗ. Đi từ cổng chính vườn quốc gia Yok Đôn hướng về huyện Buôn Đôn, chúng tôi phát hiện phía trước có một xe máy cày chở đầy gỗ đã được xẻ thành khối vuông vô tư vượt trạm kiểm lâm gần Tòa án huyện Buôn Đôn.

Từ trung tâm thị trấn Buôn Đôn về Bản Đôn lên cầu 19 thuộc buôn Ema, đoạn đường này sôi động hơn vì đây là nơi bìa rừng; có nhiều xe tải, xe máy cày, xe thồ chở gỗ ngang nhiên đi trên đường mà không gặp phải bất cứ sự kiểm tra nào của lực lượng chức năng. 
Để phục vụ cho các hoạt động phá rừng được thuận lợi và nhanh chóng, tại các buôn của xã Krông Ana xuất hiện những lò độ xe cho lâm tặc phá rừng. Chúng tôi có mặt tại buôn Giang Lành và tìm đến một lò độ xe ngay điểm vào khu du lịch thác Bảy Nhánh.

Ở đây có nhiều loại xe khác nhau được đem đi độ. Từ những chiếc xe yếu ớt qua cuộc đại tu, xe của lâm tặc trở thành con “chiến mã” có thể cày ải trên đất rừng vô tư mà không sợ hỏng hóc. Ngoài ra, ở Bản Đôn còn có các tiệm chuyên làm loại xe thồ dùng cho việc đi rừng. Các loại xe này đều rất cứng cáp, mỗi chiếc có giá 2 triệu đồng. 
Theo ĐOÀN TUẤN/Công an TPHCM