Dự báo thời tiết sai, dân mất người mất nhà, ai chịu trách nhiệm?

25/06/2015 09:15
Ngọc Quang
(GDVN) - Trong lịch sử, đã có những dự báo sai lệch về cơn bão ChanChu, cơn bão Linda khiến người dân ở các tỉnh ven biển chịu thiệt hại nặng nề.

Thông tin về cơn bão số 1 đang có xu hướng đổ bộ vào Quảng Ninh, Thái Bình đã khiến cho phiên thảo luận về dự án Luật khí tượng thủy văn chiều 24/5 "nóng" hơn. Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của những dự báo viên, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong trường hợp dự báo sai, gây ra thiệt hại cho đời sống của nhân dân.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) chỉ rõ, dự án luật chưa đề cập đến yêu cầu của chất lượng bản tin dự báo, trong khi đây là yêu cầu quan trọng nhất trong công tác phòng, chống thiên tai phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

“Trong xã hội đang có nhiều ý kiến về chất lượng dự báo, đặc biệt trong trường hợp dự báo sai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hoặc gây lãng phí trong công tác di rời dân ứng phó với bão, lụt.

Thí dụ, năm 2006 dự báo sai cơn bão Chanchu đã gây hiệu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của dự báo viên đối với các trường hợp phát ra bản tin dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm và xã hội hiện đang có nhiều ý kiến bức xúc về trách nhiệm khi dự báo sai”, ông Vẻ nêu quan điểm.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi dự báo sai lệch gây thiệt hại lớn cho người dân. ảnh: Dân việt.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi dự báo sai lệch gây thiệt hại lớn cho người dân. ảnh: Dân việt.

Ủng hộ quan điểm trên, Đại biểu Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa) nhận định, thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động rất lớn đến đời sống sản xuất kinh doanh của người dân và kinh tế đất nước nói chung. Thông tin không chính xác về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng như nhà ở công trình và tài sản của nhân dân, có khi thiệt hại đến tính mạng.

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cấm các hành vi lợi dụng hoạt động khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu để xâm hại quốc phòng, an ninh quốc gia và cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, với quy định cấm các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép thì chưa có sức thuyết phục cao.

Trong các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khác, khi họ phát hiện được những nguy cơ liên quan đến sự không an toàn về thủy chiều, về lưu lượng nước, về việc sạt, lở núi… tuy họ không đăng ký hoạt động khí tượng thủy văn, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, họ có quyền cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin thì tại sao chúng ta lại cấm?

Ông Luyến chỉ rõ: “Trong những năm vừa qua có một số lần dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có báo cáo giải trình tiếp thu, nhưng tôi thấy chưa thỏa đáng, chưa rõ.

Chúng tôi đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cá nhân cơ quan, tổ chức, trong trường hợp đưa tin hay cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân, của nhà nước và xã hội”.

Trong khi đó, Đại biểu Phạm Thị Phương (đoàn Hà Tĩnh) thì dẫn ra thí dụ dự báo sai về cơn bão Linda năm 1997 quét qua các vùng biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau, đã làm 3.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng chục nghìn tàu thuyền bị đắm và nói thẳng: “Tôi không đồng tình với cách giải trình của Ban soạn thảo, dự báo không chính xác hoàn toàn nhưng cũng không thể sai lệch nghiêm trọng, tính chính xác không phải là một con số cố định mà có sai số cho phép. Vì vậy, chúng ta không nên né tránh điều này”.

Theo Đại biểu Phương, cần bổ sung thêm những hành vi bị cấm là “Cấm cung cấp thông tin dữ liệu, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn sai lệch, không kịp thời, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân”.

Từ đó, bà Phương đề nghị: “Có những lúc không làm sai quy trình, kỹ thuật, nhưng đưa ra kết luận sai về trình độ chuyên môn thì cũng cần phải chịu trách nhiệm.

Theo tôi, cần phải có những quy định về tính chịu trách nhiệm, về năng lực trình độ chuyên môn gắn với vị trí công việc, có như vậy khoa học mới phát triển được và mỗi vị trí công tác mới chọn được những người làm đúng năng lực, đúng trách nhiệm của mình”.

Ngọc Quang