"Đủ căn cứ khởi tố vụ án lái xe cẩu gây mất điện toàn miền Nam"

23/05/2013 10:32
Hoàng Lực
(GDVN) -  “Có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can với lái xe cẩu vi phạm an toàn giao thông, an toàn lưới điện quốc gia gây hiệu quả nghiêm trọng yêu cầu chủ phương tiện đền bù thiệt hại gây ra…” – TS.LS Trần Đình Triển nhận định.
Liên quan đến sự cố mất điện trên diện rộng tại miền Nam xảy ra trong chiều hôm qua. Đại diện ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia (EVN-NPT) đã lên tiếng cho biết nguyên nhân vụ việc và khẳng định sự cố này đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
Về nguyên nhân sự việc này ông Minh cho biết, do xe cẩu trồng cây ở khu vực TP Bình Dương mới đã vi phạm khoảng cách ở cột 1072 và cột 1073, làm nhảy các tổ máy phát điện trên đường dây 500kV từ Di Linh đi Tân Định. Do vậy, tải của đường dây này phải chuyển sang các đường dây khác. Tuy nhiên, vì khu vực miền Nam tải rất cao nên tiếp tục gây nhảy ở hai đường dây còn lại. Do đó, sự cố đã gây mất điện toàn bộ khu vực miền Nam.
Tiến sĩ, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân
Tiến sĩ, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân
Đánh giá hậu quả, thiệt hại kinh tế sau vụ việc này ông Minh khẳng định: “Đây là sự cố bất khả kháng nên gây thiệt hại rất lớn về kinh tế”. Trước thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn vi phạm của lái xe cẩu và trách nhiệm các đơn vị gây ra sự cố mất điện toàn bộ khu vực miền Nam diễn ra trong chiều qua, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh Tiến sĩ, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân.
Nhận định trên khía cạnh pháp lý sau sự cố mất điện toàn khu vực miền Nam chiều qua TS.LS Trần Đình Triển cho biết: “Đây là hành vi đã đủ căn cứ khởi tố vụ án vi phạm về trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng” Theo TS.Luật sư Triển nếu cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ án này sẽ có nhiều yếu tố tăng nặng hình phạt do mức độ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Ở đây trách nhiệm pháp lý thuộc về chủ xe cơ giới, nhưng cần phân định rõ trách nhiệm lái xe và chủ xe cơ giới là khác nhau. “Lâu nay chúng ta thường quy kết trách nhiệm cho riêng lái xe là việc vận dụng luật không đúng. Trong quy định của Bộ Luật Dân sự thì chủ xe, hoặc nếu xe đó là thuộc doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường về những thiệt hại tổn thất do phương tiện đó gây ra” – TS.LS Trần Đình Triển cho biết. Ở khía cạnh khác giữa doanh nghiệp, chủ xe với lái xe sẽ có sự phân định rõ trách nhiệm. Có như vậy  mới gắn kết trách nhiệm chủ xe cơ giới và lái xe gắn kết trách nhiệm khi xảy ra các sự cố. Về cách xử lý những vi phạm của các đơn vị liên quan TS.LS Trần Đình Triển khẳng định: “Với mức độ vi phạm xảy ra gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia có thể khởi tố vụ án với lái xe vi phạm về trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, yêu cầu chủ xe (cá nhân, doanh nghiệp – pv) phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp về sự cố vừa qua”.
"Sự cố tương tự cũng đã từng xảy ra ở đường dây 220kV, tuy nhiên với đường dây 500kV đây là lần đầu tiên xảy ra. Thực tế, chỉ cần khoảng cách khoảng 4m là đã xảy ra phóng điện, gây mất điện" - Ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia (EVN-NPT) - Tiền phong
Tuy nhiên việc đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ là số tiền rất lớn mà khó có doanh nghiệp, cá nhân  thức nào phải chịu trách nhiệm nhưng “Phải buộc trách nhiệm để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung và yêu cầu mọi người phải có ý thức chấp hành luật lệ giao thông đặc biệt với các chủ xe, lái xe cơ giới khác” – TS.LS Trần Đình Triển nhấn mạnh. Khung hình phạt cho chủ xe cơ giới vi phạm trong sự việc vừa qua, theo TS.LS Trần Đình Triển phải căn cứ vào hành vi cố ý hay do không hiểu biết của lái xe cũng như căn cứ vào mức độ vi phạm để đưa ra khung hình phạt. Về trách nhiệm của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) mà cụ thể ở đây là Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia (EVN-NPT). Theo vị Phó TGĐ EVN-NPT, sau sự cố mất điện 30 phút EVN-NPT đã tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên phải sau hơn 3 tiếng đồng hồ miền Nam với có điện trở lại nhiều ý kiến cho rằng EVN-NPT đã chậm trễ trong việc xử lý, khắc phục hậu quả. Theo TS.LS Trần Đình Triển do đây là sự cố hãn hữu và xảy ra trên phạm vi rộng nên để tìm ra nguyên nhân ngành điện lực phải rò tìm từng khu vực dẫn đến thời gian khắc phục kéo dài. “Cũng khó quy trách nhiệm cho ngành điện vì đây sự cố bất ngờ tuy nhiên cần xem xét khả năng phản ứng khắc phục sự cố, trách nhiệm với công việc nhiêm vụ được giao trong việc đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia của EVN” – TS.LS Trần Đình Triển cho hay.

Tờ Tiền phong ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia (EVN-NPT) cho biết: "Khi sự cố xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Do đó, theo dự đoán, thiệt hại xảy ra sẽ rất lớn. Tuy nhiên, để đưa ra một con số cụ thể là rất khó. Vì cùng một KW sản lượng, nếu cung ứng cho bên sản xuất mà vì mất điện phải phá sản phẩm, sẽ khác với việc chỉ cháy một cái bóng đèn. Do đó, muốn biết chính xác thiệt hại lại phải căn cứ vào việc bán điện." -

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hoàng Lực