Dự thảo luật về Hội vẫn còn những điều gây phiền hà

26/10/2016 07:42
Diệu Linh
(GDVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật cần chỉnh lý theo hướng quy định rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho các hội hoạt động, đóng góp cho đất nước.

Hôm nay (25/10), Quốc hội đã dành thời gian cả ngày để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về Hội. Nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc ra đời dự án luật về Hội, tuy nhiên cần phải điều chỉnh nhiều nội dung để phát huy tốt nhất năng lực của các hội trong tiến trình hội nhập với thế giới.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban hành Luật về hội là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong việc thành lập, hoạt động hội.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo này còn thiên nhiều về góc độ quản lý nhà nước, về thủ tục hành chính về hội, chưa thể hiện đầy đủ tính xã hội nhân văn sâu sắc về quyền lập và tham gia hoạt động hội của công dân để thật sự tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Một số quy định về điều kiện thành lập hội, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký, công nhận điều lệ ở các Điều 11, Điều 14... còn có thể sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong việc thực hiện quyền lập hội và vô hình chung đã hạn chế quyền này của công dân.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật về hội lần này vẫn chỉ là luật khung, quy định có tính nguyên tắc, chưa đủ cụ thể để thực hiện, vì vậy đề nghị cần phải luật hóa các quy định trong các văn bản có liên quan như: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; Thông tư số 03/2014/TT-BNV của Bộ Nội vụ, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ... để việc điều chỉnh của Luật được cụ thể hơn, tránh trường hợp sau khi được ban hành, phải có văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, khi nói về quyền lập hội thì cần phải hiểu đó là quyền tự do lập hội của công dân, quyền này có ý nghĩa quan trọng đối với thức đẩy quyền con người (quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa) cũng như đối với sựu phát triển của quốc gia.

Vì vậy, dân chủ sẽ khó bảo đảm nếu không mở rộng tự do lập hội và phải bảo vệ quyền này bằng luật pháp.

Đó là xu thế tất yếu và càng bức thiết hơn khi Việt Nam hội nhập thế giới. Vì vậy, cần bổ sung tại Điều 1 Phạm vi điều chỉnh, Điều 5 Nguyên tắc tổ chức và hoạt động hội cụm từ “tự do” để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 như sau: “Luật này quy dịnh về quyền tự do lập hội của công dân Việt Nam; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội”.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội: “Tự do, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Như vậy, phạm vi  điều chỉnh của luật này nên tập trung về quyền tự do lập hội. Các quy định cụ thể, có tính chất nội bộ của hội, liên quan đến hội viên, đại hội... nên quy định trong Điều lệ của từng hội sẽ phù hợp hơn.

Các quy định về thủ tục hành chính, quản lý nhà nước cũng hết sức mềm, tránh những quy định khiên cưỡng không đáng có, tạo cảm giác quy định về nội dung quản lý nhà nước chiếm ưu thế hơn so với nội dung quy định về quyền tự do lập hội của công dân.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, khoản 5 của Điều 8 dự thảo quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” là không tạo điều kiện cho các hội, nhất là các hội lâu nay thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, phát triển khoa học, công nghệ, theo kịp sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.

Trong quá trình hội nhập hiện nay, nếu vì lý do nào đó mà cấm giao lưu với mọi thành phần nước ngoài, loại trừ cả người Việt Nam ở nước ngoài thì trái với tinh thần Hiến pháp, gây bất lợi cho khối đoàn kết toàn dân tộc, làm thiệt hại về kinh tế cho đất nước.

Vì vậy, Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cân nhắc bỏ điều này hoặc dự thảo lại theo hướng gọn, tính đến yếu tố thực tiễn, đặc biệt trong đó xem xét lại các khoản 4 và khoản 5.

Phát biểu tại Quốc hội sáng nay, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn), đoàn  Hà Tĩnh phân tích: “Hiện nay hoạt động hội, rất nhiều tổ chức hội được các tổ chức nước ngoài để nâng cao trình độ hội viên, gia nhập quốc tế, ngoại giao nhân dân để làm rất nhiều yếu tố. Trong đó có những hội lợi dụng việc này, chúng ta đủ hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, pháp luật để xử lý.

Từ đây, chúng ta lại ngăn chặn, trong luật những điều chúng ta không quản lý được thì tiếp tục ngăn chặn, điều này chúng tôi không đồng tình. Mối liên kết, mở rộng quốc tế để tạo điều kiện để hội và người dân tiếp cận với thế giới từ trong sinh hoạt hội đến sinh hoạt kinh tế - xã hội, chính trị và tất cả những yếu tố thì chúng ta mới chống lại được thế lực thù địch, hòa nhập được. Điều này còn hạn chế”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh). ảnh: trung tâm thông tin Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh). ảnh: trung tâm thông tin Quốc hội.

Có chung quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) phân tích: “Theo Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế trong đó có nêu rất rõ phải chủ động hội nhập quốc tế, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách, cá nhân khai thác hiệu quả tiềm năng xã hội của các tầng lớp nhân dân bao gồm cả các cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Hội chữ thập đỏ không thể không liên kết và không nhận tài trợ nước ngoài được và của rất nhiều hiệp hội khác. Nếu như mình chỉ có một điều nếu có nhu cầu thì Chính phủ phải cho phép, như vậy rất phiền hà.

Trong lúc đó chúng ta hoàn toàn yên tâm ở chỗ trong điều cấm chúng ta đã nêu rất rõ việc cấm.

Cấm làm phương hại chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích nhà nước, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức. Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền trái với chính sách pháp luật Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Như vậy, những cái gì xấu, những cái gì mình lo lắng đã cấm rồi. Tôi đề nghị bỏ Điều 5 này rất hợp lý và rất nhiều ý kiến đã có ý kiến”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). ảnh: quochoi.vn

Đối với quyền và nghĩa vụ của hội (Điều 22), Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng quy định chưa phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp là phát huy nhân tố con người và vai trò của các tổ chức xã hội trong việc giám sát và phản biện xã hội.

Từ đó, đề nghị bổ sung quy định quyền giám sát, phản biện xã hội của hội.

Bên cạnh đó, Điều 23 quy định nghĩa vụ của hội lại quá nặng nề và không phù hợp về nghĩa vụ phải ban hành quy chế đạo đức nghề nghiệp của hội, gây khó khăn cho hội, nhất là với những hội nhỏ, hội thành viên.

Về vấn đề này, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho rằng: “Theo tôi phải tin tưởng giao quyền và cơ chế thì mới hy vọng phát huy được vai trò của hội trong quản lý hội viên, từ đó mới bớt được gánh nặng cho quản lý nhà nước và tăng hiệu quả.

Trên thế giới, chúng ta có thể học tập các mô hình, những hội nghề nghiệp thí dụ như Luật sư đoàn, Y sỹ đoàn, Dược sỹ đoàn, Hội kế toán, Hội kiến trúc sư muốn hành nghề thì phải là hội viên và được tổ chức hội xét cấp giấy phép và bị rút khi vi phạm.

Trên thực tế, tôi cũng làm việc với cương vị Phó giám đốc Sở y tế TP.Hồ Chí Minh khi cấp chứng chỉ hành nghề, khi giám sát trong quá trình thực hiện hành nghề của người hành nghề, chúng tôi nhận thấy nếu có tổ chức hội tham gia với kiến thức về chuyên môn thì có tính thuyết phục, tăng được khả năng quản lý của nhà nước hơn là lực lượng thanh tra, cũng như lực lượng chuyên viên thì càng lúc lại càng mỏng theo đúng như tinh thần tinh giản biên giảm chế.

Ở Việt Nam cho tới nay chúng tôi nhận thấy mới chỉ có Đoàn luật sư là được phần nào theo cơ chế này, đã phát huy hiệu quả.

Vì hội không có quyền thực tế cho nên dẫn đến có nhiều hội ít hoạt động, hầu như chỉ là nơi tập hợp người về hưu và chưa phát huy được sức mạnh".

Diệu Linh