Đưa "lưỡi bò" ra trọng tài quốc tế, Trung Quốc càng né càng bị áp lực

21/02/2013 13:01
Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)
(GDVN) - "Bất cứ điều gì xảy ra từ thời điểm này (sau khi Trung Quốc chính thức từ chối tham gia vụ kiện - PV), nó sẽ càng làm gia tăng áp lực buộc Trung Quốc phải làm rõ yêu sách của mình, những (cái gọi là) căn cứ lịch sử và pháp lý để biện minh cho đường lưỡi bò 9 đoạn"
Chuyên gia Singapore về Biển Đông, Ian Storey
Chuyên gia Singapore về Biển Đông, Ian Storey

Tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 21/2 đưa tin, Philippines khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện đường "lưỡi bò" phi pháp và những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông ra Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển, bất chấp việc Bắc Kinh từ chối tham gia.
Sở dĩ Trung Quốc đợi đến phút chót, trước thời hạn 21/2 chỉ 2 ngày mới tuyên bố chính thức không tham gia vụ kiện này cùng Philippines là nhằm hoãn binh và tìm cách thuyết phục Philippines "hồi tâm chuyển ý" quay về quỹ đạo "đàm phán tay đôi" mà Bắc Kinh luôn kêu gọi. Mặt khác, nếu quá thời hạn 30 ngày kể từ khi Philippines nộp đơn kiện và thông báo cho Trung Quốc tham gia, nếu Bắc Kinh không chính thức trả lời thì Manila sẽ được phép tự do thúc đẩy vụ kiện mà không cần có sự tham gia hoặc đồng ý từ phía Trung Quốc. Mặc dù Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã chính thức trả lời, Bắc Kinh phản đối và không tham gia vụ kiện, nhưng Philippines vẫn khẳng định rõ quyết tâm theo đuổi vụ kiện này, một tình huống đang được "theo dõi chặt chẽ một cách lo lắng", theo Bưu điện Hoa Nam. Từ chối tham gia vụ kiện này tức là Trung Quốc đã từ chối để chọn cho mình một trong 5 thành viên của Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển và điều này cũng sẽ không cho phép Bắc Kinh có quyền bác bỏ  bất kỳ phán quyết nào trong tương lai của Hội đồng trọng tài một cách hợp pháp.  Theo thủ tục, trình tự quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc cũng đã ký kết tham gia, Manila sẽ có 2 tuần để kiến nghị với Chủ tịch Tòa án quốc tế về Luật Biển bổ nhiệm một thẩm phán đại diện cho Trung Quốc. Chủ tịch Tòa án quốc tế về Luật Biển hiện nay là một nhà ngoại giao kỳ cựu người Nhật, Shunji Yanai, trong khi Trung Quốc có một thẩm phán nằm trong tòa án này còn Manila đã lựa chọn một thẩm phán người Đức, Rudiger Wolfrum. Thủ tục tương tự sẽ được triển khai nếu như cả hai bên không thể thống nhất được 3 thành viên của Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sau khi Hội đồng này được thành lập, các tiến trình, thủ tục tố tụng sẽ được bắt đầu và nó có thể kéo dài 3 đến 4 năm. Tiến sĩ Ian Storey, chuyên gianghiên cứu về Biển Đông tại Viện Đông Nam Á học thuộc Singapore nhận định: "Chắc chắn là Philippines phải có dự đoán về khả năng Trung Quốc không tham gia vụ kiện và vẫn xác định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này." "Bất cứ điều gì xảy ra từ thời điểm này (sau khi Trung Quốc chính thức từ chối tham gia vụ kiện - PV), nó sẽ càng làm gia tăng áp lực buộc Trung Quốc phải làm rõ yêu sách của mình, những (cái gọi là) căn cứ lịch sử và pháp lý để biện minh cho đường lưỡi bò 9 đoạn", chuyên gia Ian Storey cho biết.

Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)