"Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học"

20/11/2016 06:48
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Đối với người thầy, cần sống và làm việc sao cho xứng với sự vinh danh ấy cũng là một đòi hỏi lớn, đặc biệt trong xã hội hiện nay.

LTS: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Trần Trí Dũng có đôi điều bàn về nghề dạy học.

Theo thầy, trước những thách thức đòi hỏi mới, người thầy càng phải rèn luyện nhiều hơn nữa để xứng với sự vinh danh của toàn xã hội.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Thế kỷ XXI mà chúng ta đang sống là thể kỷ phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động đến đội ngũ trí thức, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo hiện đang đứng trên bục giảng ngày nay. 

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", câu nói ấy có thể được hiểu nôm na là, hơn một chữ cũng là thầy, hơn nửa chữ cũng là thầy, hay học được một chữ cũng là học thầy và học được dù chỉ nửa chữ cũng là học thầy. 

Câu nói này không nói nên vai trò, vị thế của giáo viên mà chỉ nói về đạo của người học, nghĩa là cần phải tôn trọng những người dạy mình. 

Vì thế, nếu ở câu nói này mà hiểu theo nghĩa, hơn người khác để dạy dù một hay "nửa chữ" cũng là thầy thì không được, vì làm thầy trong thời đại ngày nay là một sự đòi hỏi không hề đơn giản.

Trong thời đại mới, người thầy càng phải tu dưỡng nhiều hơn để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Trong thời đại mới, người thầy càng phải tu dưỡng nhiều hơn để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. (Ảnh: Tuoitre.vn)

"Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý", câu nói này thể hiện sự vinh danh xã hội đối với nghề dạy học - làm thầy. 

Nhưng đối với người thầy, cần sống và làm việc sao cho xứng với sự vinh danh ấy cũng là một thách thức lớn, đặc biệt trong xã hội đang có sự đòi hỏi cao và có nhiều biến động phức tạp như hiện nay. 

Thời ngày xưa, các thầy đồ dạy chữ là những người không được qua đào tạo, nhưng ở các thầy đó đã có một sự đúc kết, trải nghiệm và chiêm nghiệm trong cuộc sống.

Và tiếng lành đồn xa, học trò nhiều khi đến tận nhà mà theo học. Và việc dạy học trong những ngày ấy, được gọi là gieo chữ là vì vậy.
       
Trong thời đại ngày nay, theo yêu cầu của sự chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, để được làm thầy thì phải qua đào tạo một cách có hệ thống và bài bản. 

Theo đó, đã là thầy thì ít nhất phải hơn học trò một "cái đầu". Thầy giáo phải là người hoàn bị về tri thức và văn hóa.

Trong cuộc sống, thầy giáo phải biết trăn trở với thời cuộc, nhạy cảm trước các thông tin đa chiều để từ đó cập nhật và cung cấp cho học trò những tri thức mới nhất, hợp thời nhất mà không thể đi sau và lạc hậu.

Đâu đó có một câu nói: "Dạy có nghĩa là học hai lần".

Vì thế, thầy giáo là phải luôn trau dồi kiến thức, vững chắc kiến thức cũ nhưng phải hoàn thiện cập nhật thêm những kiến thức mới, để từ đó phát huy khả năng sáng tạo và đi trước thời cuộc.

Trong giảng dạy phải luôn trăn trở để tìm ra những tri thức mới, những phương pháp dạy mới.

Phải đặt người học là vị trí trung tâm của việc truyền giảng, từ đó xây dựng giáo án và nội dung bài học. 

Mọi sự đánh giá chủ quan, phiến diện đều dẫn đến thất bại trong nghề dạy học. 

Nếu như chủ trương đặt ra đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn thì thầy cô giáo là một trong những nhân tố trọng tâm quyết định sự thành công của việc đổi mới ấy. 

Bởi lẽ, một hệ thống giáo dục và mọi quá trình giáo dục muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì người thầy giáo đóng vai trò quyết định. 

Ở đây, sự biểu hiện cụ thể và thể hiện bản chất của giáo dục vẫn là dạy và học. 

Thước đo cho hiệu quả của giáo dục vẫn là câu hỏi người học nắm được gì, phát triển nhận thức như thế nào, ứng dụng và thực hành trong công việc và cuộc sống ra sao. 

Trong giáo dục có một mệnh đề luôn đúng là: Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi, mặc dù có thầy giỏi có thể chưa chắc đã có trò giỏi.
 
Bởi lẽ, thầy giáo là người đi trước học sinh về mặt nhận thức, những kinh nghiệm lịch sử -  xã hội và những tri thức của nhân loại được thầy giáo truyền tải sao cho hiệu quả nhất đến học trò.

Người thầy giỏi biết cách khơi gợi sự học hỏi của học trò, kích thích sự ham mê hiểu biết, óc sáng tạo của học trò trong quá trình dạy học. 

Và học trò từ đó biết biến kiến thức và nhận thức của thầy giáo thành kiến thức và nhận thức của mình. 

Vì thế, muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi là vì vậy. 

Theo đó, người Trung Quốc có một câu nói: "Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi". 

Tuy nhiên, sự giỏi giang của học trò còn tùy thuộc vào tố chất của học trò đó, sự giáo dục trong gia đình, truyền thống gia đình, yêu tố di truyền và nhiều yếu tố khác nữa. 

Lẽ đương nhiên không phải học trò nào cũng có tố chất thông minh, sự sáng dạ, vì điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đôi khi còn liên quan đến yếu tố sinh học. 

Và sự học nhiều khi còn tùy thuộc vào ngoại cảnh, cơ sở vật chất kỹ thuật...

Vì thế, mặc dù có thầy giỏi nhưng chưa chắc đã có trò giỏi là vì vậy.                                                                      
Một trong những yêu cầu quan trọng quyết định hiệu quả dạy học là thầy giáo phải hiểu học trò, nắm được những yêu tố tâm sinh lý của học trò.

Đặc biệt, thầy phải yếu tố tâm lý và khả năng nhận thức của học trò mà định lượng nội dung giảng dạy. 

Học sinh luôn là đối tượng trung tâm của quá trình lĩnh hội và tiếp nhận kiến thức. 

Từ đó, tạo môi trường học tập tự nhiên, thân thiện, dân chủ và không khiên cưỡng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả giảng dạy và học tập. 

Đặc biệt, thầy giáo phải luôn gần gũi, thân thuộc mà không có khoảng cách đối với học trò. 

Dưới góc độ này, các thầy cô giáo được xem như những "kỹ sư tâm hồn" là vì vậy. 

Ở đây, có một câu nói thâm thúy của người Ba Tư: "Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc".
      
Quá trình dạy học còn được xem như là một nghệ thuật mà ở đó người dạy mang tâm hồn của một người nghệ sỹ. 

Theo đó, người thầy phải luôn năng động, linh động và sáng tạo trong cách giảng dạy. 

Chuẩn hóa và định lượng kiến thức một cách linh hoạt, biết được điểm dừng khi cần thiết mà không tham kiến thức, để dù chỉ là một tiết học nhưng luôn sinh động, phong phú trong cách hiểu. 

Để từ đó làm học sinh luôn cảm thấy hưng phấn khi tiếp nhận kiến thức, phấn khích khi được học tập. 

Và cũng từ đó kích thích sự tìm tòi, say mê mở rộng hiểu biết và sự sáng tạo nơi học sinh. Có một câu nói của Uyliam Batơ Dit: 

"Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn". 

Là thầy giáo, phải là người chuẩn mực và đại diện cho tri thức, nhưng không chỉ có vậy mà quan trọng hơn cả là sự chuẩn mực về đạo đức.

Trong cuộc sống thầy giáo phải luôn làm gương về cách sống và đạo đức để cho học trò noi theo.

Theo một câu nói của Usinxki: "Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn con trẻ mà không có gì thay thế được". 

Tiếc rằng, trong thời gian qua một số thầy cô đã có hành động bạo hành không chỉ đối với học sinh mà ngay cả với đồng nghiệp của mình ngay trước mặt học trò, điều đó đã làm xấu đi hình ảnh của nhà giáo trong con mắt nhân dân. 

Vẫn biết là là nhiều khi "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng những chuyện đó là không thể chấp nhận được trong ngành giáo dục. 

Karl Marx có một câu nói: "Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục". 

Vì thế, cùng với việc luôn học hỏi về chuyên môn, các nhà giáo cũng cần luôn rèn luyện tu và dưỡng về đạo đức, giữ gìn lối sống để không mất đi hình ảnh thiêng liêng trong con mắt của học trò. 

Nếu như "Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học"- Comenxki, thì các thầy cô giáo phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự tôn vinh ấy. 

Sự gương mẫu của các thầy cô luôn là vũ khí mạnh nhất chống lại sự băng hoại, tha hóa và tiêu cực của xã hội, là sự phản chiếu trong sáng nhất trong môi trường tu dưỡng của sự phát triển.  

Trong mọi thời đại xã hội, giáo dục luôn được xem là một nội dung quan trọng trong sự phát triển.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ghi nhận trong Hiến pháp. 

Trong một câu nói của tác giả Enrics người Mỹ: "Chỉ có quốc gia thu hút những cái đầu vĩ đại hoặc coi trọng giáo dục mới có thể trở nên giàu có". 

Vì thế, các thầy cô luôn cần giữ đúng vị trí và vai trò của mình.

Đặc biệt trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trên phạm vi toàn cầu ngày càng đòi hỏi không ngừng năng động, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, thích hợp với thời đại mới. 

Hơn bao giờ hết, giáo dục luôn được xem là vũ khí mạnh nhất để con người có thể sử dụng để làm thay đổi cả thế giới.

Trần Trí Dũng