EU nên công nhận Crimea là một phần của Nga

26/03/2014 06:57
ĐINH GIANG
(GDVN) - Thật là lố bịch khi cho rằng cuộc trưng cầu ở Crimea là vô hiệu chỉ vì quân đội Nga hiện diện tại đó.
Trả lời phỏng vấn hãng thống tấn Itar-Tass, ông Pino Arlacchi, một thành viên của Nghị viện Châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu từ việc Liên minh châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ của Kiev.
EU nên công nhận thực tế Crimea là một phần của Nga
EU nên công nhận thực tế Crimea là một phần của Nga

Theo ông, Liên minh châu Âu đã vô tình tiếp tay cho một cuộc nổi dậy khi không nhận ra Ukraine là một quốc gia phức tạp với phần lớn dân số nói tiếng Nga và thân Nga. Vậy nên, châu Âu hiện giờ cần chấp nhận thực tế Crimea là một phần của Nga.

Ông cho biết, Châu Âu nên công nhận việc Crimea ly khai khỏi Ukraine như đã từng công nhận nền độc lập của Kosovo. 

Theo ông Arlacchi, thật là lố bịch khi cho rằng cuộc trưng cầu ở Crimea là vô hiệu chỉ vì quân đội Nga hiện diện tại đó. Ông nhấn mạnh, đa số người dân trên bán đảo đều ủng hộ việc tách Crimea ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Khi đề cập tới các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào Nga, ông cho biết các lệnh trừng phạt này sẽ tác động ngượctrở lại Châu Âu.

Ông cho biết, lập trường của Liên minh châu Âu cần phải khác so với Mỹ, Châu Âu không cần khăng khăng trừng phạt Nga, các biện pháp trừng phạt này hoàn toàn "ngớ ngẩn" và thực sự chống lại Châu Âu.

Arlacchi cho rằng EU không cần thắt chặt thêm nữa các biện pháp trừng phạt Nga. Châu Âu có đầy đủ lý do để hợp tác với Nga, hoàn toàn không có trở ngại gì để làm điều này. Trong khi đó, lập trường của Mỹ tương đối khác.

Thành viên của Nghị viện châu Âu khằng định, Mỹ mong muốn trở thành bá chủ thế giới và quốc gia nào phản đối điều đó sẽ trở thành kẻ thù của Washington. Ông chắc chắn rằng, căng thẳng  Nga - Mỹ sẽ ngày càng trầm trọng hơn
Theo ông, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng ở Kiev chính là biến Ukraine thành một nhà nước liên bang. Ông tin rằng, nếu Ukraine trở thành một nhà nước liên bang nằm giữa Nga và Liên minh châu Âu và theo đuổi một chính sách ngoại giao trung lập, thì cuộc  khủng hoảng sẽ có thể được giải quyết.
Theo ước đoán của Arlacchi, phần lớn người dân Ukraine đều phản đối gia nhập Liên minh châu Âu và đặc biệt là gia nhập NATO.
ĐINH GIANG