Gần 100 người thương vong trong vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương

03/08/2014 15:15
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tân Hoa Xã ngày 3/8 đưa tin cho biết, 37 thường dân và 59 kẻ khủng bố đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng dao và rìu ở Tân Cương hồi tuần trước.

Cảnh sát Trung Quốc cũng đã bắt giữ 215 "kẻ khủng bố" và 12 dân thường khác cũng bị thương trong vụ tấn công xảy ra ngày 28/7 nhằm vào một đồn cảnh sát và trụ sở chính quyền địa phương quận Shache, thành phố Kashgar. 

Đây là một vụ tấn công đẫm máu nhất trong hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra ở Tân Cương thời gian gần đây. 

Ảnh minh họa. Nguồn Reuters.
Ảnh minh họa. Nguồn Reuters.

Trong bản tin ngày 3/8 Tân Hoa Xã cho biết, 35 người trong số các dân thường bị thiệt mạng là người Hán, hai người còn lại là người Duy Ngô Nhĩ. 

Sau khi tấn công các cơ quan chính quyền, nhóm khủng bố trên đã tới một thị trấn gần đó tấn công dân thường, đập phá xe hơi. 

"Băng nhóm này đã dựng các rào chắn để dừng xe đi ngang qua trước khi sát hại hành khách một cách bừa bãi và buộc người dân tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố của họ", Tân Hoa Xã dẫn lời một cảnh sát cho biết.

Đây là một vụ tấn công có "tổ chức và tính toán trước", liên quan tới nhóm khủng bố "Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan" (ETIM). Cảnh sát đã tịch thu nhiều vũ khí và khẩu hiệu thánh chiến tại hiện trường.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nước ngoài nghi ngờ khả năng của ETIM trong việc gây ra vụ tấn công quy mô trên. 

Trong khi đó, Dilxat Raxit - phát ngôn viên của tổ chức người Duy Ngô Nhĩ lưu vong cho biết có sự cách biệt "rất lớn" giữa con số thương vong do Trung Quốc đưa ra với con số tổ chức này thu thập được.

Raxit cũng cho rằng phản ứng bạo lực và sự tiếp tục đàn áp, gồm khống chế đạo Hồi trong khu vực của Bắc Kinh chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn.

"Nếu Bắc Kinh không thay đổi chính sách đàn áp của mình, nó có thể dẫn đến nhiều cuộc đụng độ hơn", ông Raxit nói với Reuters.

Bắc Kinh cáo buộc phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là nguồn gốc gây ra tình trạng bạo lực trong khu vực này và đang lan rộng ra nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc. 

Hôm 2/8, Bí thư Tân Cương Trương Xuân Hiền cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch "trấn áp khủng bố" không khoan nhượng tại Tân Cương. 

Hôm 1/7, chính quyền Tân Cương cho biết, Jume Tahir - người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo Id Kah ở Kashgar đã bị sát hại bởi "ba tên côn đồ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tôn giáo cực đoan". Tahir là một giáo sĩ Hồi giáo thân Bắc Kinh được cho là có "mối quan hệ đặc biệt với các cơ quan an ninh của Trung Quốc"./.

Nguyễn Hường