Gặp người kéo cờ trong Ngày Độc Lập

02/09/2013 07:05
Theo VOV
(GDVN) - 68 năm đã trôi qua, cho đến giờ bà Lê Thi vẫn nhớ như in niềm vinh dự đặc biệt đó.
Tại buổi lễ “Tuyên ngôn Độc lập” 2/9/1945 diễn ra ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa), quê ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bất ngờ nhận được nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc. Khi ấy bà chỉ thấy lo lắng, cốt sao để hoàn thành nhiệm vụ. Sau này bà mới thấy đó là niềm vinh dự đặc biệt, niềm tự hào khi được chọn là người kéo ngọn cờ độc lập trong thời khắc lịch sử trọng đại ấy.
Bà Lê Thi năm 19 tuổi
Bà Lê Thi năm 19 tuổi
Theo lối cầu thang gỗ của ngôi nhà cổ trên phố Ngô Quyền, Hà Nội, chúng tôi lên căn phòng ấm cúng của gia đình bà Lê Thi - người thiếu nữ năm nào kéo cờ trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945.
Căn phòng nhỏ đầy ắp những kỷ vật của một thời tuổi trẻ với đồng đội. Bà khoe với chúng tôi tấm ảnh chụp chung với cô du kích người Tày, bà Đàm Thị Loan, người cầm lá cờ cho bà Thi kéo ngày hôm ấy.
Câu chuyện diễn ra cách đây 68 năm, nhưng khi bà nhắc đến, cảm xúc tràn về như mới diễn ra ngày hôm qua vậy. Bà bồi hồi nhớ lại, ngày đó, bà dẫn đầu đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh đề nghị bà lên kéo cờ. Khi ấy, bà run lắm nên vẫn đứng yên. Cuối cùng khi cán bộ xuống giục thì bà mới quyết định đi lên kéo cờ. 
Bà Thi kể lại: “Chúng tôi là đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm được đứng hàng đầu, vì chúng tôi đi sớm hơn. Tôi đứng chờ ở ngoài, không đứng trong hàng ngũ. Bất ngờ Ban tổ chức yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Mọi người nhìn vào tôi vì tôi đứng ngoài. Tôi đi lên lễ đài, tôi gặp một chị mặc quần áo Tày, hai chị em dắt tay nhau lên chân cột cờ. Lần kéo cờ trước Quảng trường Ba Đình đó tôi thấy sự việc quá trọng đại nên thấy sợ lắm. Khi kéo thì tim đập thình thịch. Khi cờ lên đỉnh cột tôi mới thấy nhẹ nhõm”.
Trong câu chuyện bà không giấu nổi niềm vui khi vinh dự có mặt trong ngày độc lập của Tổ quốc. Vẫn còn đó không khí của hàng ngàn người, không ai bảo ai cùng nhau đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hòa cùng dòng người đó, đoàn phụ nữ Cứu quốc trong trang phục màu trắng, đi giày ba ta, cầm gậy hòa vào cùng với các đoàn công nhân, thanh niên, công giáo, giáo viên...vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh!
Khi Bác Hồ bước lên lễ đài, tất cả đều im lặng, nhất loạt cùng đứng lên nghiêm trang nhìn Bác Hồ ra mắt quốc dân đồng bào. Đó cũng chính là lần đầu tiên bà Lê Thi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật bất ngờ khi bà thấy Bác thật giản dị và gần gũi.
Bà Thi nhớ lại: “Khi Bác đọc tuyên ngôn, bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”, mọi người ở dưới giơ tay đồng thanh: Rõ ạ, rõ ạ, rõ ạ... Khi Bác đọc xong bản tuyên ngôn độc lập, Bác bảo chúng ta xin thề giữ gìn nền độc lập, lúc đó mọi người giơ tay xin thề!... đó là lời thề tâm huyết. Từ hôm đó về tôi làm cán bộ phụ nữ để đi vận động nhân dân ủng hộ quân đội quyết giữ gìn nền độc lập theo lời Bác dặn”.
Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào Cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm Phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc... Đến năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.
Mặc dù tuổi cao nhưng bà Lê Thi vẫn ham mê với niềm vui nghiên cứu, viết sách và viết báo
Mặc dù tuổi cao nhưng bà Lê Thi vẫn ham mê với niềm vui nghiên cứu, viết sách và viết báo
Giờ đây, khi tuổi đã cao, bà Lê Thi vẫn tìm niềm vui trong công việc nghiên cứu, viết sách. Bà chia sẻ, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn muốn cống hiến cho xã hội những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm tháng học tập và chiến đấu mà mình đã trải qua.
Bà bày tỏ: “Tôi mong muốn truyền thống của cha ông ta được tiếp nối. Thế hệ trẻ phải thấy được trách nhiệm của mình, đó là đưa đất nước tiến lên trong thời bình, cần nắm chắc những thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới để vận dụng vào Việt Nam một cách tốt nhất trong điều kiện của đất nước. Tôi nghĩ những vấn đề này phải trông vào thế hệ trẻ”.
Trời Hà Nội vào thu, mát mẻ và trong xanh hơn. Không khí ấy khiến bà Lê Thi như trẻ lại. Trẻ lại vì bà được sống với những ký ức tươi đẹp của Ngày độc lập đầu tiên của đất nước, nhất là khi bà vinh dự được là người kéo lá cờ vinh quang của Tổ quốc tung bay trong thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Theo VOV