Giá trị của niềm tin

06/02/2016 07:18
Ngọc Việt
(GDVN) - Chính quyền Sudan đã trở thành nô lệ của kẻ thù tư tưởng mà họ cứ nghĩ là họ làm chủ được mình, làm chủ quyền lực mà họ khư khư nắm giữ.

Ngày 27/1 Reuters dẫn nguồn hãng thống tấn SUNA của Sudan cho biết, Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir, đã ra lệnh mở cửa biên giới của đất nước mình với Nam Sudan lần đầu tiên kể từ khi miền Nam ly khai khỏi Sudan năm 2011.

Đây là một tin mừng cho người dân hai đất nước láng giềng vốn là “anh em cùng một nhà”. Điều này thể hiện quan hệ giữa hai quốc gia đã được cải thiện, lợi ích quốc gia đã được đặt lên trên lợi ích đảng phái chính trị.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir. Ảnh: Reuters.

Dư luận sẽ cho rằng, niềm tin giữa hai chính quyền, hai nhà nước đã được khẳng định và là cơ sở quyết định cho việc mở cửa thông thương này. Tuy nhiên, người viết cho rằng việc mở cửa biên giới giữa Sudan và Nam Sudan chưa hẳn là niềm tin giữa hai quốc gia đã được xác lập.

Bởi lẽ, trong quan hệ chính trị quốc tế có nhiều nghịch lý và mâu thuẫn làm cho người ta không dễ có niềm tin nhưng dễ dàng đánh mất niềm tin. Có những hiện tượng chỉ là giả tượng, không thể hiện bản chất vấn đề.

Có những phát ngôn, phát biểu rất trịnh trọng thể hiện niềm tin đã được nâng tầm niềm tin chiến lược, tuy nhiên, ngay sau đó lại là những lời lẽ phủ định hết sức trơ trẽn. Điều đó làm cho đối phương lúc đầu bị ru ngủ và hy vọng nhiều ở mối quan hệ nồng hậu sẽ là định hướng cho quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Nhưng khi nghe những lời phủ định những điều mà mới hôm qua người ta còn khẳng định như đinh đóng cột, thì mới giật mình cay đắng thấy mình bị lừa, bị phỉnh và đã bị sập bẫy của đối phương mà tình bằng hữu tưởng chừng sẽ là sự gắn bó keo sơn.

Vì vậy, việc Sudan mở cửa biên giới với Nam Sudan có thể không phải vì niềm tin của cả hai bên đã được khẳng định, nhưng chắc chắn quyết định của Tổng thống Sudan được đưa ra trên niềm tin – hay nói cách khác cơ sở cho quyết định ấy là niềm tin.

Tại sao lại nhận định như vậy? Còn có niềm tin nào chắc chắn và mạnh mẽ để chính quyền Sudan mạo hiểm mở cửa biên giới với Nam Sudan vậy?

Chính quyền Sudan đã có niềm tin vào dân

Phải khẳng định rằng, nếu không tin vào người dân Sudan thì dù có niềm tin mãnh liệt vào chính quyền Nam Sudan như thế nào đi chăng nữa cũng không bao giờ Tổng thống Omar Hassan al-Bashir dám quyết định mở cửa biên giới cho thông thương giữa hai nước.

Cũng cần nhắc lại rằng, cuộc nội chiến lần thứ hai tại Sudan (1983 – 2005) kết thúc bằng việc ký kết một Hiệp ước Hòa bình Tổng thể tại Nairobi, Kenya vào tháng 1/2005, trong đó có quy định miền Nam Sudan được tự trị trong 6 năm. 

Sau khi kết thúc thời gian tự trị, từ 9/1 đến 15/1/2011 đã diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý tại Sudan. Kết quả là gần 98,83% số phiếu ủng hộ độc lập cho miền Nam. Cộng hòa Nam Sudan ra đời, theo BBC ngày 16/1/2011.

Từ khi miền Nam Sudan tách ra và thành lập nên nhà nước Cộng hòa Nam Sudan thì cũng là lúc xung đột giữa hai quốc gia anh em xảy ra và việc đóng cửa biên giới của Sudan với Nam Sudan cũng bắt đầu. Nguyên nhân chính được hai bên đưa ra cho việc đoạn giao này là nghi ngờ đối phương kích động bạo loạn, nhằm lật đổ chính quyền của nhau.

“Khartoum cáo buộc Juba kích động một cuộc nổi dậy trong khu vực Darfur và cuộc nổi dậy được liên kết giữa Blue Nile và Nam Kordofan. Nam Sudan đã bác bỏ các cáo buộc đó của chính quyền Sudan”, theo The Guardian ngày 27/1.

Thoạt nhìn vào thì ai cũng cho rằng hai chế độ tại Sudan và Nam Sudan không xác lập được niềm tin ở nhau nên xem nhau như kẻ thù. Nhưng thực ra cả hai chế độ - nhất là tại Cộng hòa Sudan - đều mất niềm tin vào người dân đất nước họ – lực lượng đã trao quyền lực cho họ.

Xung đột tại Sudan là nguyên nhân của đói nghèo nhưng phải đóng cửa bên giới. Ảnh: Reuters.
Xung đột tại Sudan là nguyên nhân của đói nghèo nhưng phải đóng cửa bên giới. Ảnh: Reuters.

Theo người viết thì đây là một sai lầm nghiêm trọng của chính quyền các bên tại Sudan. Điều này khiến cho họ tự chứng minh rằng, họ không phải là chính quyên đại diện cho quyền lực và lợi ích của người dân đất nước Sudan.

Và điều đó cũng khiến cho chính quyền tại Sudan bị xem là lực lượng cầm quyền nhưng không được người dân trao quyền, nghĩa là quyền lực họ đang nắm giữ là do họ tiếm quyền mà có được. Họ nắm giữ chủ quyền quốc gia, nhưng không đại diện cho lợi ích dân tộc.

Chính quyền tại Sudan đã rơi vào điều cấm kỵ của một chính quyền là chủ động đánh mất dân. Họ có quyền mà không có lực thì không thể làm được gì ngoài việc làm hại dân. Từ vị thế là chỗ dựa, lài đại diện cho người dân, chính quyền sẽ dần dần trở thành đối lập với dân.

Có lẽ, chính quyền Sudan tưởng rằng đóng cửa biên giới là có thể ngăn được lòng dân dậy sóng. Làn sóng thể hiện sức mạnh của lòng dân không phải được "bắt sóng" bởi những làn sóng phát đi từ ngoài biên giới quốc gia. Nó ở ngay trong lòng dân tộc Sudan.

Và thế là càng mất niềm tin, càng đóng chặt cửa biên giới với kẻ thù thì chính quyền tại Sudan càng ngày mất đi sức mạnh, chứ không phải sức mạnh được củng cố và phát huy như người ta lầm tưởng.

Chính quyền Sudan đã xem Nam Sudan là kẻ thù trực diện và nguy hiểm nhất đe doa quyền lực của họ. Họ đã sai lầm về điều này. Có thể họ cho rằng cứ “đóng cửa cài then” là yên ổn. Và chắc họ nghĩ là đã thành công với việc đó trong gần 5 năm qua.

Tuy nhiên, thật sự lực lượng cầm quyền tại Sudan đã thất bại. Họ đã thua một kẻ thù nguy hiểm gấp vạn lần những kẻ thù có thể vượt biên giới phá hoại chính quyền của họ - đó là kẻ thù trong tư tưởng. Họ đóng cửa biên giới cũng vì kẻ thù tư tưởng sai khiến họ. Họ xa dân cũng bởi kẻ thù tư tưởng khiến họ sợ dân.

Chính quyền Sudan đã trở thành nô lệ của kẻ thù tư tưởng mà họ cứ nghĩ là họ làm chủ được mình, làm chủ quyền lực mà họ khư khư nắm giữ. Đây là thất bại lớn nhất của một chính quyền, một lực lượng cầm quyền – có quyền nhưng không có lực – đó là mất lòng dân.

Cũng may mắn cho nhân dân Sudan, cũng là hồng phúc cho dân tộc Sudan khi chính quyền Sudan đã nhận ra sai lầm, hiểu ra thất bại của mình và quyết định mở cửa biên giới với Nam Sudan. Thực ra đây chỉ là hành động biểu trưng, một việc làm mang tính biểu tượng mà thôi.

Ý nghĩa của việc mở cửa biên giới là thể hiện chính quyền Sudan đã tin người dân Sudan – một niềm tin có ý nghĩa quyết định tới sức mạnh của nhà nước, của chế độ chính trị hiện hữu tại Sudan. Tuy nhiên, đó chỉ là một phía, còn làm sao để người dân tin chính quyền lại là chuyện khác.

Làm sao để người dân Sudan tin chính quyền?

Theo người viết, quyết định mở cửa biên giới với Nam Sudan là một quyết định kịp thời và sáng suốt của Tổng thống Omar Hassan al-Bashir và chính quyền Sudan, thể hiện niềm tin ở người dân Sudan và hy vọng lấy được niềm tin của người dân Sudan qua sự kiện này.

Tuy nhiên, mới chỉ là một sự việc mang tính biểu tượng thì chưa thể lấy được niềm tin của người dân vào chính quyền ngay được. Việc mở cửa biên giới là nhằm tạo sự thông thương giữa hai quốc gia, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại giữa nhân hai nước láng giềng mà gần 5 năm qua đã trở nên “gần nha xa ngõ”.

Chắc chắn người dân Sudan sẽ hồ hởi đón nhận sự kiện quan trọng này vì nó sẽ là cơ sở, nó sẽ tạo cơ hội cho họ nâng cao chất lượng cuộc sống ở một đất nước vốn chẳng giàu có gì mà còn bị “ngăn sông cấm chợ” trong những năm qua.

Chắc chắn người dân sẽ ghi nhận thiện chí của chính quyền đã biết đến dân, đã có hành động vì dân – nghĩa là chính quyền tại Sudan đã biết xem trọng nhu cầu, lợi ích của người dân Sudan. Người dân Sudan có thể sẽ quan tâm hơn tới việc giúp cho chính quyền củng cố sức mạnh.

Việc Tổng thống Sudan mở cửa biên giới với Nam Sudan được xem là một cử chỉ gần dân hơn là gần gũi với “kẻ thù sát nách”. Đó là một quyết định khôn ngoan, một bước đi thích hợp. Tổng thống Omar Hassan al-Bashir đã bắn một mũi tên mà trúng tới hai đích qua sự kiện này.

Người dân và dân tộc Sudan sẽ có niềm tin vào chính quyền nến chính quyền thật sự vì dân. Ảnh: The Guardian.
Người dân và dân tộc Sudan sẽ có niềm tin vào chính quyền nến chính quyền thật sự vì dân. Ảnh: The Guardian.

Tuy nhiên, để người dân khôi phục lòng tin của họ và xác lập niềm tin vào chính quyền thì sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng, thể hiện thiện chí của chính quyền thực sự vì dân, biết lo cho dân và cũng chính là lo cho sự tồn tại của chính quyền.

Thứ nhất là phải xem việc mở cửa biên giới với Nam Sudan là do chính quyền Sudan đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền lợi nhân dân lên trên lợi ích đảng phái, cá nhân. Không thể xem việc mở cửa biên giới là chỉ hướng tới việc để được người dân “mở lòng” với chính quyền.

Điều này thể hiện qua sự hữu hảo trong bang giao với chính quyền Nam Sudan, cùng với chính quyền Nam Sudan chuyển biên giới hai nước từ chiến trường thành thị trường, biến khu vực xung đột thành khu vực hòa bình và ổn định, cơ sở cho sự hợp tác bền vững và cùng có lợi.

“Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir, bất ngờ và đơn phương tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Sudan, đáp ứng thiện chí của Bashir là đồng ý cắt giảm các chi phí vận chuyển đối với dầu của Nam Sudan qua lãnh thổ Sudan, qua đường ống đến Biển Đỏ” theo The Guardian.

Bên cạnh đó là tạo điều kiện cho “giao lưu nhân dân”, để biên giới Sudan – Nam Sudan chỉ còn là đường biên, chứ không còn là ranh giới ngăn cách nhân dân hai nước vốn cùng chung một quốc gia dân tộc Sudan.

Yếu tố thứ hai để có được niềm tin của người dân Sudan thì chính quyền Sudan phải xem mở cửa biên giới chỉ là bước khởi đầu – một hành động mang tính biểu tượng cho thiện chí, chứ không thể xem đó là tất cả những gì mà chính quyền Sudan hướng về người dân nước này chỉ nhằm làm vơi đi những thất vọng của họ.

Nghĩa là chính quyền Sudan cần phải làm nhiều việc mà một chính quyền vì dân phải làm, mà quan trọng là phải xem nền tảng quyền lực của mình là sức mạnh của nhân dân, để xem họ là chủ thể của lịch sử dân tộc Sudan trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Người dân Sudan sẽ có niềm tin vững chắc vào chính quyền nếu như chính quyền Sudan lắng nghe dân, thấu hiểu dân và mọi việc làm đều hướng tới đảm bảo lợi ích của người dân Sudan. Điều đó thể hiện qua việc nâng cao mức sống cho người dân với sự thỏa mãn thang nhu cầu cả về vật chất và tinh thần trong sự giao thoa với thế giới.

Hy vọng cánh cửa mở ra một tương lai tốt hơn cho người dân, cho đất nước Sudan và cả Nam Sudan sẽ bắt đầu bằng việc “rút then mở cửa” của Tống thống Sudan Omar Hassan al-Bashir ngày 27/1 vừa qua. 

Ngọc Việt