Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và ký ức 12 ngày đêm rực lửa chiến công

29/12/2017 14:06
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Đã 45 năm trôi qua nhưng tôi và chắc rất nhiều người khác không thể nào quên về những ngày cuối tháng 12 năm 1972.

LTS: Nhớ lại những kí ức về 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô của quân và dân Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho thấy quyết tâm của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đã 45 năm trôi qua nhưng tôi và chắc rất nhiều người khác không thể nào quên về những ngày cuối tháng 12 năm 1972 - một trận Điện Biên Phủ trên không "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Ngày ấy gia đình tôi và cơ quan của tôi đều đã đi sơ tán. Tôi ở lại Thủ đô với cái phòng thí nghiệm của mình.

Mỗi lần nghe tiếng còi rú lên từ nóc Nhà hát lớn và tiếng loa phát thanh Đồng bào chú ý…là vội lao ngay ra căn hầm trú ẩn được xây trong sân trường.

Phụ nữ, trẻ em và người già tạm rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN.
Phụ nữ, trẻ em và người già tạm rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN.

Sau mỗi ngày tôi đều ghi vội những thông tin nghe được vào chiếc Sổ công tác của mình.

Hôm nay ngồi đọc lại những trang giấy đã ngả màu mà thấy lòng vô cùng cảm kích.

"Đêm 18/12: Bắn rơi 3 B52 (2 chiếc rơi tại chỗ), bắt sống nhiều giặc lái.

Đêm 19/12: Bắn rơi 4 B52, bắt sống nhiều giặc lái

Ngày 21/12: Bắn rơi 9 B52 (5 chiếc rơi tại chỗ), bắt sống nhiều giặc lái.

Đêm 22/12: Tự vệ Thủ đô bắn rơi chiếc F111A đầu tiên

Đêm Nô-en 24/12: Địch tạm dừng tập kích để củng cố lực lượng

Đêm 26/12: Mỹ ném bom rải thảm Khâm Thiên. Mình và Bố Huyên ngồi dưới hầm tại tận số 2, Trần Hưng Đạo mà thấy thành hầm rung động cùng tiếng bom xé tai.

Ta bắn rơi 8 B52 và 10 máy bay cường kích chiến thuật, bắt sống nhiều giặc lái

Đêm 27/12: Bắn rơi 4 B52, anh Phạm Tuân lập công bằng MiG 21

Chiều 28/12: Mỹ buộc xuống thang và Phái đoàn ta trở lại Hội nghị Paris.

Đêm hôm ấy ta bắn rơi 1 B52 (về sau tôi ghi thêm bên lề đó là chiếc B52 do anh hùng Vũ Xuân Thiều đã quyết tử dùng máy bay của mình đâm thẳng vào B52. Thiều là em của Thăng, đứa bạn thân của mình từ thời niên thiếu)

Sau đêm 28/12: ta lại bắn rơi thêm 1 B52 và 1 F4".

Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi ngày 22/12/1972. Ảnh: TTXVN.
Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi ngày 22/12/1972. Ảnh: TTXVN.

Những trang sau tôi viết lại vắn tắt về cảnh tượng kinh hoàng khi đạp xe ghé thăm đường phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, nhà máy điện Yên Phụ.

"Sáng 30/12: nghe tin Nixon tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc tập kích chiến lược kéo dài 12 ngày đêm đã hoàn toàn thất bại.

Ngày 27/01/1973: Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết".

Những ghi chép vội vàng của tôi không thật đầy đủ.

Hôm nay ngồi lục lại báo chí mới biết rõ là trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không này ta đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay Mỹ, gồm:

34 chiếc B52, 5 chiếc F11A, 21 chiếc F4CE, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC chưa kể các máy bay, tầu chiến bị bắn hạ tại những nơi khác.

Nếu tính tổng cộng phải là 193 B52, 1077 máy bay chiến lược, 60 tầu chiến.

Quân và dân ta đã không lùi bước trước 100.000 tấn bom mà Mỹ đã ném xuống các thành phố, sân bay và làng mạc trên miền Bắc.

Lực lượng dân quân Hà Nội nêu cao cảnh giác, ngày đêm luyện tập, sẵn sàng bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN.
Lực lượng dân quân Hà Nội nêu cao cảnh giác, ngày đêm luyện tập, sẵn sàng bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN.

Hà Nội ngẩng cao đầu trước toàn thế giới.

Trung tướng Nga Victor Ivanovich Filippov đã viết:

“Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và quân đội Mỹ đã không rút ra được các bài học khi vẫn âm mưu khuất phục ý chí quật cường của dân tộc các bạn bằng bom đạn.

Thứ hai, cuộc đấu tranh của các bạn là chiến đấu vì độc lập, tự do của chính dân tộc mình, còn cuộc chiến của Mỹ là cuộc chiến xâm lược.

Thứ ba, nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc của mình và sự nghiệp chính nghĩa ấy đã nhận được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới cũng như ở Mỹ.

Việt Nam đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh giành độc lập”.     

Hôm nay, sau 45 năm nhìn lại, nhân dân Thủ đô càng quyết tâm giữ vững tinh thần và hào khí năm xưa để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại;

Góp phần cùng cả nước tạo nền tảng sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng