Giáo sư Phạm Tất Dong đề nghị bỏ kỳ thi Quốc gia năm nay

10/04/2020 06:11
Vũ Ninh
(GDVN) - Nếu tổ chức thi Quốc gia trong năm nay sẽ tạo áp lực cho xã hội và tâm lý căng thẳng cho học sinh. Bộ có thể giao cho các trường Đại học tự chủ tuyển sinh.

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Bộ giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục, phụ huynh, học sinh phải chấp nhận bằng lòng với chất lượng của năm học này.

Bộ không nhất thiết phải cố gắng tổ chức kỳ thi Quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh mà nên đề xuất đưa việc xét tốt nghiệp về địa phương, đồng thời giao cho các trường Đại học tự chủ tuyển sinh.

Hãy mạnh dạn bỏ kì thi Quốc gia!
Hãy mạnh dạn bỏ kì thi Quốc gia!

Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết:

“Trong những điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt cũng cần có những phương án mềm dẻo, linh hoạt.

Cái được của Bộ giáo dục và đào tạo hiện nay đó là được Nhà nước giao cho quyền tự chủ quyết sách trong năm học này. 

Vì thế phải có những phương án lâu dài, chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Tâm lý chung của phụ huynh năm nay cũng sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh này để đảm bảo sức khỏe của con em họ. Tức là sức khỏe mới là cái đáng quý và cần được đề cao nhất.

Theo tôi, với tình hình dịch bệnh hiện nay thì Bộ giáo dục cũng không nên tổ chức thi. Bộ có thể giao về các địa phương chủ động công tác xét tốt nghiệp, hướng dẫn các trường Đại học tổ chức các kỳ thi, đánh giá tại trường. 

Cách làm này vẫn là thi nhưng nhẹ nhàng hơn giảm tải cho xã hội và cho chính Bộ giáo dục. 

Việc Bộ cần làm là đưa ra những chỉ dẫn kiến thức cơ bản và tối thiểu để các trường tự tổ chức kiểm tra, đánh giá”.

Giáo sư Phạm Tất Dong đề xuất bỏ thi Quốc gia, giao cho các trường Đại học tự chủ tuyển sinh (Ảnh:VietNamnet)
Giáo sư Phạm Tất Dong đề xuất bỏ thi Quốc gia, giao cho các trường Đại học tự chủ tuyển sinh (Ảnh:VietNamnet)

Giáo sư Phạm Tất Dong cũng cho rằng: Nếu Bộ kiên quyết tổ chức kỳ thi Quốc gia trong năm học này sẽ dẫn đến một số hạn chế và bất cập như sau:

Thứ nhất, đòi hỏi cao về tri thức cũng như chất lượng giáo dục cao trong năm nay là rất khó. Học trực tuyến được triển khai nhưng quy mô không đồng đều, không thể đảm bảo chất lượng như mọi năm.

Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay không biết khi nào mới được khống chế hoàn toàn. Nếu tổ chức thi như mọi năm là không nên, vì có thể nguy hiểm tới sức khoẻ, tính mạng của nhiều học sinh và phụ huynh... gây thêm sức ép lên các cơ quan quản lý khác.

Thầy Dong phân tích: “Trước mắt và kể cả về lâu dài theo tôi chắc chắn phải bỏ kỳ thi quốc gia. Năm học này kể cả không tổ chức thi Quốc gia được cũng không có lý do gì để không kết thúc năm học.

Nếu như để mất 1 năm học tức là cả thế hệ phải học lại thêm 1 năm nữa: lớp 12 học lại lớp 12, lớp 11 học lại lớp 11... Riêng với các cháu 5 tuổi sẽ không được lên lớp 1. Như vậy sẽ có một thế hệ mất đi quyền lợi đi học đúng tuổi.

Do đó tôi cho rằng năm học nào phải giải quyết xong trong năm học đó và tuỳ theo hoàn cảnh thực tế để nỗ lực đạt chất lượng tốt nhất có thể.

Bây giờ tổ chức thi Quốc gia làm gì cho nó khổ ra. Theo tôi kỳ thi Quốc gia không nhất thiết phải khắt khe và làm khổ các cháu như hiện nay.

Về tâm lý xã hội, phụ huynh và học sinh rất lo lắng. Anh thử nghĩ xem, có những gia đình vẫn đang cách ly nhưng lúc nào cũng nơm nớp học như thế nào, thi như thế nào? Tâm lý xã hội vì thế rất nặng nề”.

Tổ chức thi Quốc gia trong năm học này sẽ tạo gánh nặng cho xã hội, tâm lý phụ huynh, học sinh nặng nề (Ảnh:V.N)
Tổ chức thi Quốc gia trong năm học này sẽ tạo gánh nặng cho xã hội, tâm lý phụ huynh, học sinh nặng nề (Ảnh:V.N)

Nhìn chung, phương án của Giáo sư Phạm Tất Dong đưa ra trong năm học này là nên bỏ kỳ thi Quốc gia và giao cho các trường Đại học tự chủ trong việc tuyển sinh.

Khi phân tích về kỳ thi Quốc gia, thầy Dong đánh giá, cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa được linh hoạt.

Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích: “Hiện nay việc thi Quốc gia có thể hình dung như thế này: Bộ đưa ra một bộ câu hỏi 10 câu thì trong đó có 3 câu khó. Nếu như anh làm được 3 câu khó các trường Đại học sẽ chọn anh.

Nhưng vấn đề là, nếu tôi là các trường Đại học tôi không cần 3 câu khó đó để tuyển sinh thì sao? Tại sao Bộ lại tự đưa ra tiêu chuẩn rồi tự lựa chọn sinh viên thay cho các trường?

Nếu đúng ra, các trường phải là những người chủ động trong việc lựa chọn sinh viên cho trường mình. 

Như thế, các trường Đại học phải tự chủ trong việc tuyển sinh. Các trường tuyển sinh như thế nào thì tùy các trường: có trường tuyển chặt chẽ, có trường tuyển dễ dàng, có trưởng chỉ tuyển năng khiếu. 

Nhưng miễn sao anh đảm bảo được yêu cầu của Nhà nước và yêu cầu của sư phạm. Như thế chuyện thi cử sẽ bình thường hóa đi.

Đâu nhất thiết phải gây khó khăn cho các cháu làm gì. Sau thời điểm dịch các trường có thể để đến tháng 10, tháng 11 tổ chức tuyển sinh cũng được. 

Theo tôi các trường Đại học nên để khối phổ thông sắp xếp đâu vào đấy rồi tuyển sinh cũng được, không phải vội”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn bị nhiều kịch bản để tránh...ăn đong
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn bị nhiều kịch bản để tránh...ăn đong

Thầy Dong cũng cho rằng: Trong xu hướng toàn cầu hóa về giáo dục, kỳ thi Quốc gia trước sau gì cũng bỏ.

Giáo sư Phạm Tất Dong nói: “Tại sao chúng ta phải bỏ kỳ thi Quốc gia và tại sao không nên quá khắt khe trong việc tổ chức thi? 

Bởi vì trong tương lai việc học Đại học sẽ là đại chúng, học theo nhu cầu của mỗi người và hình thức đào tạo, học tập cũng đổi mới chứ không cần đến trường như vừa qua nữa.

Hình thức học trực tuyến như nhiều trường đại học trên thế giới sẽ trở thành xu hướng được lựa chọn. Các em có thể đăng ký học từ xa và thi lấy chứng chỉ tốt nghiệp một chuyên ngành ở bất kỳ trường đại học nào”.

Bộ giáo dục và đào tạo nên lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh (Ảnh:V.N)
Bộ giáo dục và đào tạo nên lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh (Ảnh:V.N)

Trong bối cảnh dịch Covid-19, thầy Dong khẳng định là thời điểm tốt để Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mạnh dạn thí điểm đề xuất bỏ kỳ thi Quốc gia. 

Thầy Dong ví von: “Các quyết sách của Bộ giáo dục hiện nay như người bắn súng lục vậy, tức là bắn 1 phát 1. Theo tôi Bộ cần phải tổ chức một hội nghị mời phụ huynh, các địa phương, các trường... để lắng nghe tâm tư, ý kiến của họ. Trong thời điểm này các quyết sách cần phải như súng liên thanh: liên tục, hiệu quả và mạnh mẽ”.

Vũ Ninh