Giáo sư Trần Hồng Quân gửi 5 kiến nghị về tự chủ đại học

16/11/2019 07:32
TẤN TÀI
(GDVN) - Vấn đề xóa bỏ cơ chế chủ quản cho các trường đại học được xem là vấn đề cốt lõi trong việc các trường thực hiện tự chủ một cách đúng nghĩa.

Ngày 14/11, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thành phố Hồ Chí Minh), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức hội thảo: “tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”.

Giáo sư Trần Hồng Quân kiến nghị xóa bỏ cơ chế chủ quản để các trường đại học được tự chủ thực sự. Ảnh: TT
Giáo sư Trần Hồng Quân kiến nghị xóa bỏ cơ chế chủ quản để các trường đại học được tự chủ thực sự. Ảnh: TT

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã tập trung phân tích, mổ xẻ các vấn đề liên quan đến tự chủ đại học tại các trường công lập.

Trong đó, mô hình Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xem là hình mẫu khá thành công của cơ chế tự chủ đại học.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề vướng mắc, bất cập trong các quy định chính sách, pháp luật khiến cho việc tự chủ của các trường đại học khó thực hiện hơn.

Chuẩn bị nhân sự Hội đồng trường giao hết cho Hiệu trưởng sẽ tạo “cánh hẩu”

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chia sẻ:

Chúng ta rất sốt ruột về sự phát triển của giáo dục đại học thời gian qua và tự chủ đại học là một trong những cách để tiến xa.

Trong vấn đề tự chủ thì điều quan trọng là phải xây dựng được mô hình quản lý hiệu quả hơn, tạo động lực cho sự phát triển của trường đại học.

Đồng thời khắc phục được sự trì trệ, ỉ lại. Nếu xây dựng được mô hình tổ chức tốt có vai trò rất lớn để đảm bảo thắng lợi”.

Cũng theo Giáo sư Quân thì tự chủ đại học nằm ở bốn vấn đề chính bao gồm: tự chủ về tài chính, tự chủ học thuật, tự chủ về lao động và tự chủ về tổ chức quản lý.

Trong đó, tự chủ học thuật là tự chủ về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, về phương pháp tiếp cận vấn đề một cách đa chiều, đa văn hóa, nhiều nguồn khác nhau.

“Chúng ta không phải kiêng kị gì mà không xác lập việc tự chủ học thuật ở các trường Đại học. 

Bởi trường đại học mà không có nghiên cứu khoa học, phản biện mà chỉ giảng dạy, nói theo không thì không được.

Không tự chủ về học thuật là tai hại rất lâu dài. Với cuộc cách mạng 4.0, những vấn đề học thuật thay đổi nhanh chóng.

Nghề nghiệp cũng thay đổi liên tục. Trong những năm tới, 60% số nghề thay đổi, nếu như chúng ta cứ duy trì những văn bản pháp quy cứng nhắc, phương pháp đào tạo cứng nhắc... thì chúng ta sẽ thất bại”.

Vấn đề tự chủ về tài chính, Giáo sư Quân phân tích, nhà nước nên đầu tư cho các trương như: đặt hàng hoặc trao học bổng cho các sinh viên. 

Nếu thấy trường nào có thể vượt lên để vươn tầm khu vực, thế giới thì nhà nước nên đầu tư có trọng điểm.

Thầy Quân dẫn lại câu chuyện của Trung Quốc đã rất thành công trong việc giao cơ chế tự chủ cho các trường đại học.

Nước này còn thành lập trường rồi cho cộng đồng một số nhà giáo thuê trường, thuê Hiệu trưởng để quản lý phát triển.

Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học

“Đến nay, các trường gặp khó khăn khi phải chi theo Luật Ngân sách và chi theo Luật Đầu tư công.

Điều đó hết sức khó khăn cho các trường. Do đó, chúng ta sẽ phải kiến nghị với nhà nước là các khoản nào trường tự thu được (ngoài khoản đầu tư ngân sách của nhà nước) thì được chi như các trường tư, không bị ràng buộc”, Giáo sư Quân nói.

Về tự chủ lao động, thầy Quân cũng dẫn ra một thực tế là tại các trường công lập hiện nay, đội ngũ đã không được sàng lọc cẩn thận.

Vẫn còn những suy nghĩ là đã vào được trường công, được hưởng hệ công chức, viên chức suốt đời thì không phải ra nữa. Nếu không phấn đấu thì cũng không sao.

“Các trường đại học nên chủ động trong cơ chế sàng lọc cán bộ mới tạo sự phát triển, tránh sự chây ì. Mặc dù khi thực hiện sẽ vướng các quy định về luật công chức, viên chức... nhưng vẫn cần phải làm”.

Trong tự chủ về quản lý thì vấn đề cơ chế chủ quản được nhiều chuyên gia tranh luận, đưa ra các ý kiến khác nhau.

Giáo sư Quân khẳng định: “Nếu còn thực hiện cơ chế chủ quản thì chắc chắn chúng ta không thể tự chủ được.

Còn chủ quản thì không có tự chủ. Cái gì cũng phải qua cơ quan chủ quản, kể cả những việc luật không cấm vẫn phải hỏi cơ quan chủ quản.

Cơ quan chủ quản can thiệp vào việc tác nghiệp của các trường và nó đã hạn chế sự sáng tạo của các trường. Nó tạo ra sự ỷ lại vào cấp trên sẽ làm, sẽ giải quyết... Cơ chế chủ quản sinh ra sự trì trệ của hệ thống.

Muốn xóa bỏ cơ chế chủ quản thì có nhiều vấn đề liên quan như: tư duy, động cơ giữ lại quyền lực cho mình. Nhưng chúng ta phải mạnh dạn kiến nghị bỏ cơ chế chủ quản”, Giáo sư Quân nói.

Trong tự chủ về quản lý thì Hội đồng trường được xem là vấn đề cốt lõi của tự chủ đại học.

Do đó, yêu cầu phải xây dựng thiết chế quyền lực thực sự của Hội đồng trường đối với nhà trường. Hội đồng này phải có quyền lực thực với việc hình thành bộ máy, chiến lược phát triển, đội ngũ nhân sự... của nhà trường.

“Từ những năm 80, chúng ta đã đặt ra vấn đề tự chủ đại học. Nhưng lúc đó thuật ngữ khá nhạy cảm là “tự trị đại học”.

Những bất cập trong việc tự chủ ở các trường đại học công lập hiện nay

Tức là giao quyền thêm cho các trường. Tiếp đến là tự quản. Hội đồng trường cũng đã được bàn tới từ năm 1993 để giao quyền mạnh hơn cho các trường.

Nhưng tất cả những cái đó không thuyết phục được xã hội. Sau một thời gian khá lâu, đến nay Hội đồng trường mới đưa vào Luật và đó là một bước tiến xa trong tư duy đến thực tiễn”, Giáo sư Quân nói.

Trên cơ sở những phân tích nói trên, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, sẽ tập hợp các ý kiến để kiến nghị lên Đảng và nhà nước một số nội dung sau liên quan đến tự chủ đại học.

Đó là, kiến nghị nhà nước ban hành một số văn bản cho phép thí điểm một số trường công được thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn.

Qua đó, chúng ta sẽ thấy được những vướng mắc về luật pháp trong việc thực hiện để tháo gỡ, kiến nghị thay đổi.

Thứ hai là kiến nghị xóa bỏ cơ chế chủ quản.

Thứ ba là cho phép các trường công đang thí điểm tự chủ được sử dụng phần thu của mình (phần ngoài ngân sách nhà nước đầu tư) như trường tư.

Các trường hoàn toàn tự chủ khoản thu mà họ thu được. Tránh sự ràng buộc về Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.

Thứ tư là kiến nghị Đảng có hướng dẫn cụ thể về quan hệ Đảng – Chính quyền trong các trường tự chủ.

Thứ 5 là kiến nghị Chính phủ có quy định rõ về chức năng, quyền hạn và thành phần của Hội đồng trường. Trên cơ sở đó mới triển khai xây dựng Hội đồng trường có quyền lực thực sự.

TẤN TÀI