Giao thông Việt Nam, quan trọng nhất là ý thức

25/11/2012 10:59
Theo Tuổi trẻ
Tình trạng giao thông xấu, ý thức giao thông của người dân cần được cải thiện... là những điều dẫn dắt đến quyết định xin vào làm việc ở Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) của tôi.

(Nhân sự kiện VN tổ chức Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông 19-11)


Sinh sống và làm việc tại VN từ năm 2001, tôi có dịp tới thăm hầu hết tỉnh thành từ Bắc tới Nam. Tôi yêu con người và những nụ cười Việt ấm áp.

Tôi ấn tượng với sự thân thiện của người dân nơi đây đến mức bản thân đã bị sốc khi trở về Đức - nơi mọi người sống khá lạnh lùng.

Một trong những nỗi băn khoăn của tôi về VN là thực trạng giao thông tại đây. Cá nhân tôi tuy sống tại VN đã lâu, nhưng số lần lái xe trên đường chỉ đếm trên đầu ngón tay vì tôi sợ tình trạng giao thông hỗn loạn ở đây. Ở VN, tôi đã liên tiếp chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.

Mirjam Sidik (người Đức, giám đốc điều hành Quỹ phòng chống thương vong châu Á)
Mirjam Sidik (người Đức, giám
 đốc điều hành Quỹ phòng
 chống thương vong châu Á)
Tình trạng giao thông xấu, ý thức giao thông của người dân cần được cải thiện... là những điều dẫn dắt đến quyết định xin vào làm việc ở Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) của tôi.

Có mặt tại VN từ năm 1999, một trong những nhiệm vụ chính của AIP là giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm. Giai đoạn đầu thuyết phục người dân làm điều này không dễ, bởi nhiều người suy nghĩ rất đơn giản rằng “đội mũ nhìn kỳ dị quá”, “đội mũ làm hư tóc”...

Để thuyết phục mọi người, sau đó chúng tôi quyết định kết hợp với một hãng quảng cáo lớn xây dựng chiến dịch đưa tới người dân những hình ảnh, hậu quả chân thực nhất liên quan đến TNGT: nỗi đau tột độ khi mất người thân, sự tổn thương não vĩnh viễn của nạn nhân, gánh nặng tài chính phát sinh... Đó là điều trước đây chưa từng được làm ở VN và rõ ràng đã gây một tác động mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến sự ra đời của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ra đường vào năm 2007.

Tuy TP.HCM và Hà Nội có lượng người tử vong vì TNGT cao nhất nước nhưng theo tôi tìm hiểu, ở Bình Dương tỉ lệ tử vong trung bình trên đầu người cao hơn hẳn.

Đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) có dải phân cách nhưng vào giờ cao điểm nhiều người vẫn chạy xe tràn sang chiều ngược lại, gây cản trở giao thông - Ảnh: THUẬN THẮNG

Có rất nhiều lý do để giải thích vì sao số lượng người tử vong do TNGT ở nơi này cao hơn nơi khác nhưng hầu hết đều bị tác động nhiều ở hai yếu tố chính là mật độ dân cư trong vùng và sự nghèo khó. Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi muốn triển khai những ý tưởng mới mẻ nhằm cải thiện tình trạng an toàn giao thông tại VN. Dẫu các cơ quan chức năng ở VN rất quan tâm đến vấn đề TNGT, nhưng chúng tôi đôi khi vẫn chưa thể thống nhất với nhau ở giải pháp cuối cùng nên dẫn đến sự nhượng bộ, hiệu quả theo đó cũng bị ảnh hưởng.

Bạn hỏi tình hình giao thông cũng như cách quản lý giao thông ở phương Tây? Tôi nghĩ chia sẻ cho vui chứ chúng ta khó học hỏi được nhiều bởi ở phương Tây sử dụng chủ yếu là xe hơi trong khi tại VN là xe máy. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những vấn đề như lái xe vượt tốc độ hoặc điều khiển giao thông trong trạng thái say xỉn, chúng tôi luôn tập trung đầu tư vào những chiến dịch giáo dục ý thức người dân ở quy mô lớn và thực thi những hình phạt rất nặng để răn đe.

Nhưng hình phạt có nghiêm khắc cỡ nào cũng khó có thể thay đổi thói quen của người dân nếu không được kết hợp với việc cung cấp, nâng cao ý thức ở họ. Một trong những ví dụ chúng ta có thể học hỏi là vào những năm cuối thập kỷ 1980, bang Victoria (Úc) đã đẩy mạnh tuyên truyền trên tivi về việc xử phạt những người lái xe trong trạng thái say xỉn. Kết quả là số người tử vong vì TNGT ở nơi này đã giảm từ 776 người (năm 1989) còn 303 người (năm 2008). Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức ở người dân, giảm thiểu TNGT.

VN tổ chức Ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT, theo tôi là cần thiết để nhắc mọi người nhớ về những mất mát, tổn thương đã xảy ra... Nhưng quan trọng hơn cả là hãy tận dụng tất cả cơ hội để phổ biến kiến thức về an toàn giao thông đến nhiều người.

Về phần chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nghiên cứu, khảo sát với các đối tác uy tín cũng như chính quyền địa phương để nhanh chóng đưa ra những số liệu chính xác, góp phần giảm thiểu TNGT ở VN.

Hiện nay TNGT đã trở thành một trong những điều gây tốn kém và tử vong cao nhất trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Hằng năm trên thế giới có khoảng 50 triệu người bị thương và 1,3 triệu người chết vì TNGT. Nếu chúng ta không quyết tâm bắt tay cải thiện tình hình thì số người chết hằng năm vì TNGT sẽ nhanh chóng lên 1,9 triệu vào trước năm 2020.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng TNGT không chỉ mang lại sự mất mát về thể xác cho một cá nhân, nó còn tác động mạnh đến sự phát triển của các quốc gia và để lại nỗi đau tinh thần cho rất nhiều người khác. Có thể bạn chỉ vô tâm chút đỉnh trên đường, nhưng nên nhớ điều đó có thể khiến một người vô tội sẽ phải ra đi vĩnh viễn...

MIRJAM SIDIKk (người Đức, giám đốc điều hành Quỹ phòng chống thương vong châu Á)
Theo Tuổi trẻ