Giáo viên chủ nhiệm ở Thủ đô, có chỗ lương thua phụ hồ

06/05/2020 06:16
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ những giáo viên không lương, giáo viên thỉnh giảng và hợp đồng đang “sống mòn” trong đợt dịch Covid-19.

Trở lại trường học sau những ngày nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, cô giáo Quỳnh Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) buồn vui lẫn lộn nhưng phần nhiều là tủi thân. 

Vui vì được gặp lại học sinh lớp mình chủ nhiệm, buồn vì khi kết thúc năm học cô Phương cũng chính thức không được đến trường giảng dạy; tủi thân vì lạc lõng giữa tập thể giáo viên.

Cô Phương đúng nghĩa giáo viên 3 không: không lương, không danh phận, không bảo hiểm.

Giáo viên trường tư khấp khởi chờ gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng
Giáo viên trường tư khấp khởi chờ gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng

Câu chuyện có vẻ khó tin với nhiều người nhất là khi cô Phương đã đi dạy 10 năm và đang làm công tác chủ nhiệm.

Thế nhưng, hiện nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ và nhiều nơi tại Hà Nội đang có một đội ngũ giáo viên 3 không như thế.

Khi nghe câu chuyện của cô Phương chính bản thân phóng viên cũng cảm thấy khó tin: “Vì sao đi dạy không lương, không danh phận mà cô vẫn đến trường. Thậm chí giáo viên thỉnh giảng cũng được hỗ trợ khoảng 30.000 đồng – 50.000 đồng/ tiết học”.

Cô Phương vừa giải thích vừa khóc: “Không chỉ mình tôi mà có rất nhiều giáo viên tại huyện Phúc Thọ và các huyện khác đang đi dạy không lương.

Tháng 1/2020 toàn bộ giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ đều bị cắt hợp đồng. Một số thất nghiệp, một số dạy thỉnh giảng. Sau đó các trường buộc phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Nhà trường nói với tôi rằng: Cô đang làm chủ nhiệm nếu thay đổi giáo viên các em sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Vì thế mong cô có thể làm công tác chủ nhiệm đến cuối năm học nhưng…không có lương.

Tôi chấp nhận dạy trực tuyến và hoàn thành nốt công tác chủ nhiệm năm học này mà không có một đồng lương nào. Khi nghĩ đến điều này tôi rất buồn và tủi thân. 

Nhiều người sẽ hỏi: Vì sao đi dạy không có lương mà cô vẫn đi dạy? Tôi chỉ mong muốn hoàn thành nốt năm học này để lớp tôi các em có thể lên lớp. Vì nếu giờ thay giáo viên học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Cô Quỳnh Phương mặc dù đi dạy không lương nhưng vẫn cố gắng hoàn thành công tác chủ nhiệm năm học này (Ảnh:NVCC)
Cô Quỳnh Phương mặc dù đi dạy không lương nhưng vẫn cố gắng hoàn thành công tác chủ nhiệm năm học này (Ảnh:NVCC)

Tấm lòng của cô Phương vô cùng đáng quý, mặc dù phải làm việc không lương nhưng với suy nghĩ: Tất cả vì học sinh, cô Phương vẫn tiếp tục hoàn thành năm học mặc dù nước mắt chảy vào trong với những áp lực cơm áo gạo tiền. Và còn có rất nhiều giáo viên đang “sống mòn”, sống khổ sở như cô Phương. 

Trót mang danh “nghề cao quý”, nhiều giáo viên đã không thể tâm sự với bất kỳ ai cũng như không ai hiểu được cuộc sống của họ vất vả như thế nào? Sau khi các trường học mở cửa trở lại, một bộ phận giáo viên trở thành những giáo viên 3 không: không lương, không danh phận, không bảo hiểm.

Khi đi sâu tìm hiểu về nhóm đối tượng này, chúng tôi nhận ra nhiều nghịch lý rất bi hài.

Thầy Lê Hà Trung làm phụ hồ trong mùa dịch Covid-19
Thầy Lê Hà Trung làm phụ hồ trong mùa dịch Covid-19

Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng (Hà Đông, Hà Nội) kể câu chuyện rất thật, so sánh vui giữa ông giáo và bà bán thịt lợn.

Thầy Thắng nói: “Nhiều giáo viên sống rất khổ sở với mức lương thấp đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 này.

Xã hội nhìn vào họ sẽ nghĩ rằng giáo viên là một nghề có thu nhập tốt, được xã hội trọng vọng và rất nhàn hạ.

Trong khi đó người ta sẽ nghĩ một bà bán hàng rong, bán tạp hóa hay thịt lợn là một công việc vất vả thu nhập thấp.

Thế nhưng, có ai biết được rằng ông giáo kia đã nghỉ dạy không lương từ tháng 1 còn bà bán thịt lợn có thể mua được nhà, đất ở Hà Nội. Một ngày thu nhập của bà bán thịt lợn còn cao hơn lương giáo viên đi dạy cả tháng.

Tôi chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp lâm vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập, phải làm thuê làm mướn.

Thế nhưng không ai biết họ khổ như thế nào vì thế họ không nhận được hỗ trợ của Nhà nước trong đợt dịch này. 

Trong khi đó bà bán thịt lợn có thu nhập nhiều lần lại được hỗ trợ. Đây là một trong những điều tôi thấy rất bất cập”.

Nhiều giáo viên không lương, thỉnh giảng có cuộc sống rất khó khăn cần được hỗ trợ (Ảnh:NVCC)
Nhiều giáo viên không lương, thỉnh giảng có cuộc sống rất khó khăn cần được hỗ trợ (Ảnh:NVCC)

Hiện nay, mới chỉ có giáo viên mầm non ngoài công lập tại thành phố Hồ Chí Minh đang được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng/ tháng.

Trên thực tế còn nhiều giáo viên tại các tỉnh/thành thậm chí là ngay ở Hà Nội thu nhập rất thấp hoặc đi dạy không lương.

Vì thế nhiều giáo viên mong mỏi thành phố Hà Nội sẽ rà soát và liệt kê nhóm đối tượng: giáo viên thỉnh giảng, giáo viên không lương và giáo viên hợp đồng lương thấp vào danh mục cần được hỗ trợ.

Cô Quỳnh Phương nói trong nước mắt: “Tôi mong Nhà nước có những hỗ trợ thiết thực cho giáo viên không lương, thỉnh giảng trong thời điểm này.

Tiếng là giáo viên nhưng thu nhập của giáo viên thực sự rất thấp. Nhiều người còn nói đùa: giáo viên đi dạy cả tháng không bà bán thịt lợn 1 ngày. Thực tế này rất chua xót. 

Tôi nghĩ rằng: Nhiều người sẽ nghĩ giáo viên công việc tốt cần gì phải nhận hỗ trợ. Nhưng đó là đối với những giáo viên biên chế họ không phải lo gì cả.

Thực tế những giáo viên thỉnh giảng hoặc không lương như chúng tôi thì làm gì có danh phận mà nhận hỗ trợ. Có chăng chỉ là cái mác nghề cao quý mà xã hội tự định nghĩa”.

Với những câu chuyện thực tế được chia sẻ từ những giáo viên 3 không, chúng tôi cho rằng Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần phải có tiếng nói trong việc hỗ trợ giáo viên thu nhập thấp, giáo viên không lương trong đợt dịch Covid-19 này. 

Các địa phương cũng cần rà soát và thêm nhóm đối tượng: giáo viên ngoài công lập, giáo viên thỉnh giảng, giáo viên không lương, giáo viên hợp đồng vào nhóm nhận được hỗ trợ như thành phố Hồ Chí Minh đã làm.

Trong những ngày này, cô Phương vẫn cần mẫn trở lại trường học, nuốt nước mắt vào trong mà dạy học không lương.

Thầy Thắng và nhiều đồng nghiệp được xã hội gọi là nghề cao quý nhưng thu nhập lại không có. Đó chính là hiện thực phũ phàng của nhiều giáo viên hiện nay.

Vũ Ninh