Giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường hiện đang làm những việc gì?

24/11/2019 07:17
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo viên được bồi dưỡng trang bị thêm nhiều kiến thức, kĩ năng về công tác chủ nhiệm nhưng thiếu lòng nhiệt huyết, thiếu cái tâm chủ nhiệm cũng khó thành công

Giáo viên chủ nhiệm lớp trong các trường học có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và dạy dỗ học sinh.

Để công tác chủ nhiệm tốt ngoài kiến thức, kĩ năng, giáo viên chủ nhiệm phải có tâm và lòng nhiệt huyết. Ảnh: T.D
Để công tác chủ nhiệm tốt ngoài kiến thức, kĩ năng, giáo viên chủ nhiệm phải có tâm và lòng nhiệt huyết. Ảnh: T.D

Lớp học có nền nếp, học sinh chăm ngoan cũng nhờ một phần rất lớn ở cái tài của giáo viên chủ nhiệm.

Trong thực tế đã cho thấy, thầy cô giáo có tâm, có lòng nhiệt huyết sẽ cảm hóa được cả những học sinh hư, những “con ngựa bất kham” mà ai cũng bất lực đôi khi trở nên ngoan ngoãn, dễ thương lạ thường.

Ngược lại, một giáo viên chủ nhiệm tồi (vô tâm chỉ biết dùng mệnh lệnh và thường xuyên tra tấn học sinh bằng vũ lực của lời nói) sẽ góp phần biến những học sinh cá tính trở nên lì lợm và lười biếng học hơn.

Nhưng, tìm được giáo viên chủ nhiệm giỏi với lòng nhiệt huyết tràn đầy luôn quan tâm, sâu sát đến học sinh bằng tình thương của người cha, người mẹ quả chẳng dễ chút nào.

Giáo viên chủ nhiệm ở nhiều trường học họ là ai?

Ở các trường tiểu học, giáo viên được phân công làm chủ nhiệm là những thầy cô giáo tốt nghiệp khoa tiểu học vì những giáo viên này thường đảm nhiệm giảng dạy tại lớp ít nhất 23 tiết/tuần.

Giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường hiện đang làm những việc gì? ảnh 2
Giáo viên chủ nhiệm giỏi, vì sao khó lắm?

Không trường học nào lại phân công những giáo viên dạy các môn chuyên làm chủ nhiệm vì các thầy cô dạy môn chuyên (Âm nhạc, thể dục, Anh văn…) chỉ dạy mỗi lớp từ 1 tiết đến 4 tiết/tuần.

Những giáo viên mới ra trường cũng ít được phân công làm công tác chủ nhiệm nếu trường đó không thiếu giáo viên.

Với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên chủ nhiệm phần lớn là những thầy cô giáo dạy các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa…những môn học thường bị xem là “môn phụ” cũng ít bị phân công làm giáo viên chủ nhiệm lý do cũng vì thời gian dạy học trên một lớp khá ít.

Giáo viên chủ nhiệm thường làm gì?

Các thầy cô chủ nhiệm lớp ở các trường đang làm đúng vai trò, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm được quy định trong Điều lệ trường học:

Như việc xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh.

Thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng; Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, với các giáo viên bộ môn;

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh;

Các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh lớp mình chủ nhiệm và góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường;

Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học; đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh;

Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.

Thế nhưng vì sao, một số giáo viên chủ nhiệm đang làm đúng vai trò, nhiệm vụ của mình nhưng việc giáo dục học sinh lại thiếu hiệu quả?

Một số thầy cô làm đúng trách nhiệm nhưng lại thiếu tâm, thiếu lòng nhiệt huyết

Giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường hiện đang làm những việc gì? ảnh 3
Các nhà trường đang đào tạo giáo viên chủ nhiệm như thế nào?

Khác với bậc trung học, giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học thường xuyên có mặt ở lớp.

Bởi thế, thầy cô sẽ dễ dàng giáo dục, uốn nắn học sinh mọi lúc mọi nơi.

Thế nhưng bậc trung học, giáo viên dạy nhiều nhất một lớp cũng chỉ dăm tiết nhưng ít nhất cũng chỉ có 1 tiết/tuần.

Không có thời gian với lớp nhiều, giáo viên chỉ theo dõi tình hình chủ nhiệm qua cuốn sổ đầu bài trên lớp.

Thế là vào những tiết sinh hoạt cuối tuần, một số giáo viên chủ nhiệm biến tiết sinh hoạt này thành nơi “đấu tội”.

Học sinh kể tội nhau, thầy cô đọc tội học trò trong sổ. Và những bài ca nhắc nhở, thậm chí chửi bới cứ như liên khúc được lập lại từ tuần này qua tuần kia.

Thầy cô chủ nhiệm có 15 phút đầu giờ sinh hoạt cùng các em nhưng có giáo viên lại không lên lớp mà giao cho học sinh quyền tự quản tùy các em xử lý như việc tự ôn bài, tự hát ca…

Không có thầy cô, học trò càng loạn và thế là tội lại đầy ngay trong sổ theo dõi của cán bộ lớp, của giám thị, và tới cuối tuần lại bị chửi như hát hay.

Những giáo viên chủ nhiệm có tâm, có lòng nhiệt huyết dù có ít thời gian trên lớp nhưng những thầy cô giáo này vẫn nắm chắc tình hình của lớp và xử lý vô cùng khéo.

Đó là việc gặp thầy cô bộ môn, tổ giám thị mỗi ngày, là việc liên lạc với nhiều học sinh nổi trội của lớp để nắm tình hình từng học sinh.

Thông qua kênh thông tin này, một số giáo viên chủ nhiệm giỏi đã cho biết không ít bí mật của học sinh cũng bị tiết lộ như việc từng hội nhóm trong lớp mâu thuẫn với nhau hẹn ngày giờ xử lý.

Rồi việc gia đình học sinh nào lâm vào khó khăn, bi kịch hay em nào những biến đổi bất thường của tuổi mới lớn…

Có thầy cô cho biết hằng đêm mình dành khoảng vài tiếng để nói chuyện, tâm sự với học sinh trên zalo, facbook để giúp cho công tác chủ nhiệm đạt hiệu quả hơn.

Từ thực tế trên cho thấy, dù giáo viên có được bồi dưỡng trang bị thêm nhiều kiến thức, kĩ năng trong công tác chủ nhiệm nhưng thiếu lòng nhiệt huyết và thiếu cái tâm của người làm cha mẹ thì công tác chủ nhiệm cũng khó thành công.

Phan Tuyết