Giáo viên không còn phải chạy đôn chạy đáo tìm học chứng chỉ ngoại ngữ kẹp hồ sơ

29/11/2019 06:31
Phan Tuyết
(GDVN) - Đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 có xảy ra việc học và thi lấy chứng chỉ trong một ngày như hiện nay nhiều trung tâm đang làm và nhiều giáo viên đang tham gia?

Câu chuyện giáo viên ở các bậc học phổ thông hằng năm phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ chỉ để đem về một chứng chỉ ngoại ngữ vô hồn, kẹp hồ sơ cho đủ thủ tục đã gây bức xúc trong dư luận xã hội khá nhiều.

Một lớp học thi chứng chỉ Ngoại ngữ (Ảnh minh họa Báo Lao động)
Một lớp học thi chứng chỉ Ngoại ngữ (Ảnh minh họa Báo Lao động)

Không chỉ đơn giản mất một khoản tiền, việc nhiều thầy cô giáo không có một chút gì vốn liếng ngoại ngữ nhưng chỉ sau một ngày nộp tiền và thi đã cầm trong tay tấm giấy chứng nhận đạt trình độ ngoại ngữ A, B…

Các thầy cô không chỉ trực tiếp thực hiện việc gian lận trong thi cử mà còn tiếp tay cho nhiều trung tâm ngoại ngữ bán chứng chỉ dưới danh nghĩa học, thi để thu về một món lợi khổng lồ.

Nhiều thầy cô cho biết, cũng vì quy định bên trên không thể làm khác, cũng vì sự thúc ép của nhà trường, buộc giáo viên phải có đủ các loại chứng chỉ theo yêu cầu mà nhiều thầy cô buộc phải làm thế chứ bản thân không hề muốn.

Ước ao của nhiều thầy cô, ngành giáo dục sẽ bãi bỏ những quy định nhiêu khê về chứng chỉ ngoại ngữ, và tin vui đã thật sự đến với nhiều nhà giáo.

Ngày 26/11/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT đã bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ.

Giáo viên không còn phải chạy đôn chạy đáo tìm học chứng chỉ ngoại ngữ kẹp hồ sơ ảnh 2
Chứng chỉ ngoại ngữ có cần thiết cho giáo viên không?

Theo đó, kể từ ngày 15/01/2020, các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C tại Quyết định 30 sẽ bị bãi bỏ.

Cụ thể, sẽ bao gồm một số nội dung Chương 3 Quyết định 30 như:

- Hồ sơ, thủ tục đăng ký dự kiểm tra đối với thí sinh tự do; Nội dung kiểm tra, thời lượng, yêu cầu của đề kiểm tra; Điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ;

Xếp loại kết quả kiểm tra; Quy định đối với cán bộ coi kiểm tra, chấm kiểm tra;…

Thông tư cũng nêu rõ: Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đang triển khai trước ngày 15/01/2020 sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi kết thúc.

Các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT vẫn có giá trị sử dụng.

Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

Giáo viên lại lo"chuẩn ngoại ngữ mới?"

Sau niềm vui không phải bỏ tiền "mua" chứng chỉ ngoại ngữ, giáo viên lại đối mặt với đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí, việc làm và khung năng lực theo quy định.

Theo mục tiêu đề ra tại Đề án thì trong thời gian tới sẽ có một bộ phận lớn giáo viên các cấp (ngoại trừ giáo viên ngoại ngữ) phải tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) theo quy định.

Được biết, trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) ngay cả với giáo viên dạy Anh văn cũng nhận định là khó thì với những thầy cô giáo chưa có tí ti vốn liếng tiếng Anh sẽ học thế nào để thi?

Nếu thi nghiêm túc, chắc chắn sẽ không dễ gì đạt được. Liệu rồi có xảy ra tình trạng học và thi lấy chứng chỉ trong một ngày như hiện nay nhiều trung tâm đang làm và nhiều giáo viên đang tham gia?

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-20-2019-TT-BGDDT-bai-bo-quy-dinh-kiem-tra-cap-chung-chi-ngoai-ngu-429565.aspx?ac=emailss

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chung-chi-ngoai-ngu-co-can-thiet-cho-giao-vien-khong-post204793.gd

Phan Tuyết